Con đường đã rộng mở
(ANTĐ) - Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, đó cũng chính là khoảng thời gian mà những người yêu chuộng hòa bình và yêu mến cái đẹp bắt đầu cuộc hành trình bắc cầu nối cho tâm hồn Việt - Mỹ thông qua công việc truyền bá văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ. Và một lần nữa, những vấn đề của văn học hai nước sẽ lại được đánh giá một cách toàn diện thông qua cuộc hội thảo mang tên Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do ĐH Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William Joiner (Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh - ĐH Massachusetts, Mỹ) tổ chức tại Hà Nội và Hòa Bình từ ngày 28-5 đến 2-6.
Nhà văn Nguyên Ngọc thuyết trình về văn hóa Việt Nam tại Đại Học Massachusetts |
Cầu nối văn học Việt Nam - Hoa Kỳ
Trung tâm William Joiner của trường Đại học Massachusetts, nghiên cứu chủ yếu thông qua văn học, nghệ thuật, nơi đây tập hợp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ và bản thân họ chính là những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và trở thành các nhà phản chiến của Mỹ. Họ là những người phản đối chiến tranh ngay từ khi còn là người lính tham chiến tại Việt Nam thông qua các trang viết bằng cảm xúc, cảm nhận về xứ sở, con người nơi đây. Năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, Trung tâm đã tìm mọi cách để giới thiệu văn học Việt Nam vào đời sống của nhân dân Mỹ với mục đích giúp cho người Mỹ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Các nhà văn tâm huyết của Trung tâm William Joiner đã gặp không ít những khó khăn, thách thức, thậm chí là chịu sự đe dọa về nhiều mặt để đưa các nhà văn Việt Nam đến với Mỹ. Nhưng rồi "đi mãi cũng thành đường", những nỗ lực của Trung tâm và Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đuợc đền đáp, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam và cầu nối là Trung tâm William Joiner đã có rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, dịch giả của Việt Nam đến Mỹ, giới thiệu văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ.
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, khi được dịch và giới thiệu với công chúng Mỹ đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và gây tiếng vang lớn. Nỗi buồn chiến tranh đến Mỹ đã mang người lính ở hai bên chiến tuyến đến gần nhau, giúp hai bên hiểu nhau, nhìn nhau thấy cùng là con người và giúp người Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc sống, tình người trong chiến tranh. Sau Nỗi buồn chiến tranh, một số tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam như Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Sáng... đã được giới thiệu với bạn bè Mỹ, chính điều này đã làm cho công chúng Mỹ thấy Việt Nam dưới nhiều góc độ để có thể nhận biết một Việt Nam toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
Có những thời điểm khi Việt Nam còn chưa được đông đảo nhân dân thế giới biết đến thì các nhà văn Việt Nam, với sự giúp đỡ của Trung tâm William Joiner đã đứng trên các diễn đàn để nói với người Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về khát vọng hòa bình của dân tộc, nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Có thế nói, những nhà văn là sứ giả của hòa bình và văn hóa đầu tiên của Việt Nam đến với nước Mỹ, và các nhà văn, nhà thơ của hai nước đã góp phần hòa giải giữa hai dân tộc. Đó chính là sức mạnh tiềm ẩn của văn học.
Con đường của cái đẹp
35 năm sau chiến tranh, 35 với biết bao thử thách, bao khó khăn mà các nhà văn, nhà thơ đã phải vượt qua để dựng lên một chân dung văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ những cuốn nhật ký, những quyển sổ ghi chép của chiến sĩ giải phóng, bộ đội du kích Việt Nam mà quân đội Mỹ thu được mang về nghiên cứu và các nhà văn, nhà thơ của Trung tâm William Joiner đã phát hiện có rất nhiều thơ được bộ đội và du kích Việt Nam chép trong sổ tay chiến trường. Ở đó không có hình bóng của chiến tranh hay hận thù, ở đó chỉ có những cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, cảnh đẹp và con người Việt Nam. Họ quyết định chọn, dịch và xuất bản tập thơ với tên gọi Thơ rút từ những tài liệu bị bắt giữ.
Những người làm cuốn sách này muốn cho bạn đọc Mỹ thấy được tâm hồn của những người lính Việt Nam, sức mạnh tinh thần để người Việt Nam đi qua chiến tranh, bom đạn và mang khát vọng hòa bình của nhân loại. Bên cạnh tập thơ nổi tiếng ấy, hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng khác của Việt Nam đã được dịch và giới thiệu trên đất Mỹ, như tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, hay thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương... đã được công chúng Mỹ đón nhận. Một tập thơ khác cũng rất nổi tiếng mang tên Sông núi, tập thơ tuyển chọn những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh chống Mỹ, đã được dịch và giới thiệu tại Mỹ. Tập thơ đã mang đến cho độc giả những cảm nhận sâu sắc về một đất nước Việt Nam anh dũng, kiên cường.
Văn học chính là cuộc sống được các nhà văn nhìn nhận thông qua việc xây dựng các tác phẩm văn học và các tuyến nhân vật. Văn học cũng phản ánh chân thực về vẻ đẹp của con người, của dân tộc và của cả nền văn hóa. Chúng ta có thể nhìn nhận hội thảo là một hoạt động của con đường ngoại giao nhân dân, bởi với thông điệp “Con đường của cái đẹp” mà hội thảo đưa ra lý giải một điều rằng con đường của văn học nghệ thuật là con đường ngắn nhất, đẹp nhất để các dân tộc đến với nhau và cuối cùng con đường đi của nhân loại là con đường của hòa bình, hòa giải và khát khao độc lập, tự do, dân chủ và bình đẳng, con đường của văn hóa, trí tuệ, của chủ nghĩa nhân văn, sẻ chia của đồng loại, không còn hận thù, chiến tranh.
Thanh Thủy