Cỏ non mãi xanh tươi

ANTĐ - Hồ Phương là nhà văn duy nhất được phong quân hàm Thiếu tướng. Dạo ấy, tôi có anh bạn làm công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan Tổng cục Chính trị. Một hôm anh rỉ tai tôi: Sắp tới Bộ Chính trị sẽ phong quân hàm cấp tướng cho một số nhà văn. Các ngành khoa học khác trong quân đội đã có tướng rồi, chỉ còn ngành khoa học xã hội.

Nhà văn Hồ Phương

Nguyễn Khải, Hữu Mai, Chính Hữu thì đã chuyển ngành… chỉ còn mỗi Hồ Phương. Còn các nhà văn Chu Phác, Dũng Hà, Nguyễn Chí Trung thì do cương vị lãnh đạo ở những cơ quan mà cấp trưởng có quân hàm là cấp tướng. Xem như vậy là đủ biết, Hồ Phương được quân đội đánh giá văn nghiệp ông như thế nào. Cố nhà văn Thanh Tịnh lúc sinh thời vẫn bảo: Hồ Phương viết tắt là HP. HP cũng có nghĩa là hạnh phúc.

Suốt cuộc đời cầm bút của mình, trong hòa bình xây dựng đất nước cũng như trong hai cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc, Hồ Phương chỉ viết về cái đẹp, tìm cho ra vẻ đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam để viết. Do vậy, trước sau như một, ông chỉ dùng bút pháp lãng mạn, trữ tình. Dạo tôi mới cầm bút tập tọe học viết văn, các nhà văn lớp trước thường khuyên: các cậu phải viết thế nào cho có phong cách riêng. Xóa tên đi, bạn đọc vẫn đọc ra văn mình. Chúng tôi ngớ người tự hỏi: Làm sao có thể viết như vậy được nhỉ?

Vậy mà, ngay từ truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên văn đàn. Hồ Phương đã tạo dựng được bút pháp riêng, phong cách riêng và được bạn đọc đánh giá cao. Bút danh Hồ Phương nổi như cồn từ thuở ấy. Tên ông trong khai sinh là Nguyễn Thế Xương, quê gốc ở thị xã Hà Đông, nhưng lớn lên đi học ở Hà Nội. Ông thuộc lớp thanh niên trí thức hào hoa thanh lịch. Cuộc cách mạng Tháng Tám thành công đã thổi luồng sinh khí trong trẻo, giàu lý tưởng, yêu dân, yêu nước vào lớp trí thức trẻ. Năm 17 tuổi, khi học năm cuối trường Bưởi, chàng thanh niên trí thức Hà Nội Nguyễn Thế Xương xếp luôn việc bút nghiên gia nhập Tự vệ, lực lượng nòng cốt của Trung đoàn Thủ đô sau này. Từ đó, ông vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu, vừa cầm bút viết về vẻ đẹp của đồng chí, đồng đội mà ông sống cùng, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra tờ báo của Đại đoàn quân Tiên Phong và sau hòa bình là tờ Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Đa phần những trang văn của ông phảng phất không khí Hà Nội, phẩm chất người Hà Nội thanh lịch. Đặc biệt, những truyện ngắn, tiểu thuyết ông viết riêng cho Hà Nội như: “Hà Nội nơi xa”, Những tiếng gõ cửa (truyện ngắn), Những tầm cao (tiểu thuyết)… đã lôi cuốn lớp lớp thế hệ bạn đọc. Có một điều rất lý thú mà bạn đọc, bạn văn của ông còn ít người biết đến, những đứa con tinh thần của ông đều được sinh ra cùng với những đứa con máu thịt ở căn nhà số 15 Văn Miếu.

Lại nhớ cái dạo, tôi từ trận địa pháo cao xạ khu 4 được điều về tờ báo Phòng không - Không quân viết về gương người tốt việc tốt. Muốn viết gương cho hay, muốn nâng cao tay nghề thì không có gì hơn là học ngay trên tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Phương. Những tác phẩm: Chúng tôi ở Cồn Cỏ, Nhằm thẳng quân thù mà bắn… là sách gối đầu giường của chúng tôi.

Một hôm, quãng 9h sáng mùa hè, máy bay Mỹ tạm ngừng ném bom đánh phá Hà Nội mấy hôm. Chúng tôi ở khu sơ tán về Cục Chính trị Quân chủng ở đường Trường Chinh bây giờ. Đồng chí trợ lý câu lạc bộ rủ tôi đến thăm nhà văn Hồ Phương. Phải nói tôi phấn khởi biết chừng nào. Đọc văn của ông đã nhiều nhưng tôi chưa từng một lần được nhìn thấy ông. Tôi hối hả đạp xe đèo đồng chí trợ lý câu lạc bộ - một người vốn thân tình với nhà văn Hồ Phương. Anh cao lớn, lực lưỡng ngồi phía sau khiến tôi đạp toát hết mồ hôi. Đồng chí trợ lý quân đội bảo tôi dựng xe đạp vào trong ngõ, khóa lại, còn ông hăm hở gõ cửa phòng văn, gõ rất mạnh. Cửa mở, một người thấp đậm, địu con hiện ra trước khuôn cửa. Đồng chí trợ lý câu lạc bộ dang rộng cánh tay như đại bàng, người trung niên địu con, chào chứ không ôm bởi còn vướng bé.

A chào Triệu Tử Long, vừa phò tá A Đẩu vừa chiến đấu trên trang giấy. Ông viết quyển gì đấy?

Bấy giờ tôi mới biết người thấp đậm địu con đằng trước là nhà văn Hồ Phương. Hồ Phương cười chúm chím mời khách vào nhà. Ông đi xúc ấm, pha trà.  Ông mở gói chè Thanh Hương bao bạc, thời ấy rất hiếm có, cẩn thận xúc từng thìa vào ấm. Ông nhã nhặn trả lời bạn:

- Mình đang cố hoàn thành cuốn “Khi có một mặt trời”

- Ông viết về anh hùng nào?

- Lê Mã Lương

Tôi bẽn lẽn ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh đồng chí trợ lý. Đồng chí giới thiệu tôi với nhà văn Hồ Phương. Tôi xấu hổ, ngượng ngập nóng cả hai tai. Tôi lặng lẽ quan sát nhà văn. Và tôi có thêm một lần ngạc nhiên nữa. Túi quần sau của nhà văn có thêm một đôi đũa cả. Quanh chiếc đũa còn bám đầy những hạt cơm chín dở. Hẳn ông vừa ghế cơm xong. Đồng chí trợ lý nhận xét luôn:

- Lại còn đảm đang nấu cơm cho vợ nữa chứ.

Bấy giờ nhà văn Hồ Phương mới chợt nhớ đôi đũa cả cắm ở túi quần sau. Ông rút ra đặt lên bàn nước và cả hai ông phá lên cười. Nhà văn Hồ Phương thanh minh:

- Vợ đi làm ca, nhà trẻ đi sơ tán. Cho nên mình phải kiêm tuốt tuột. Trông con, nội trợ, viết văn. Lúc ông gõ cửa mình đang ghế cơm. Xin phép ông, mình phải ra xem lại cái bếp dầu. To lửa quá thì cơm khê, nhỏ lửa quá thì cơm sượng.

Nghe nhà văn nói tưng tửng mà tôi cứ ngỡ ngàng.

Đã hơn 30 năm trôi qua. Tôi đã ở tuổi ngoại lục tuần. Nhưng ký ức của tôi về lần đầu được gặp nhà văn Hồ Phương thì mãi mãi tươi nguyên. Đã bước sang tuổi 81 nhưng Hồ Phương còn rất sung sức, văn ông còn rất trẻ. Ông vẫn ngồi xe máy phi vù vù trên đường phố Hà Nội chật ních người, vẫn sáng tác dồi dào. Đầu năm 2003, ông cho ra đời tiểu thuyết Ngàn dâu cuối năm được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Rồi ông sắp hoàn thành tiểu thuyết “Rừng lá đỏ” dày đến 600 trang. Ở tuổi ông còn sáng tác được như vậy, thật hiếm. Tác giả của thiên truyện ngắn nổi tiếng “Cỏ non” có khác và Cỏ non đã mãi mãi xanh tươi mơn mởn.