Có một Nguyễn Cường khác!

ANTĐ - Sinh ra ở Hà Nội, sống ở Hà Nội, ấy thế mà nhiều người gặp ông ngoài đường lại cứ níu lại hỏi: Bác ở Tây Nguyên về Hà Nội chơi lâu không? Có lẽ những bản nhạc Tây Nguyên của ông, cái vẻ bụi bặm  phong trần của ông hình như đã mặc định rằng ông là người con của núi rừng Tây Nguyên.  

Ấy vậy mà hôm nay tôi gặp Nguyễn Cường, ông lại mải miết nói về một thứ nhạc khác, không phải Pop, không phải Rock, mà là… khí nhạc. Nghe có vẻ xa lạ với Nguyễn Cường lắm, nhưng ông bảo chả mới gì, nó âm ỉ chảy trong ông mấy chục năm trời rồi. Giờ mới có cơ hội để làm.

Nguyễn Cường sinh ở Hà Nội và trọn vẹn tuổi thơ, tuổi thanh niên của ông trưởng thành ở khu phố cổ. Ông thuộc Hà Nội như lòng bàn tay mình. Sự gắn bó của ông với Tây Nguyên như một cơ duyên mà ngay đến người được mệnh danh là nhạc sĩ của núi rừng này cũng không ngờ lại “bén duyên” nhanh đến vậy. Năm 1964, khi tốt nghiệp trung cấp Trường âm nhạc Hà Nội, ông được phân công về Đoàn văn công Tây Nguyên và ở lại đó 2 năm. Đó là lần đầu tiên ông được thâm nhập vào cái nắng, cái gió, được tận hưởng vị café trên mảnh đất màu đỏ của Tây Nguyên. Mấy chục năm sau, ông quay lại Tây Nguyên, và trong một đêm rượu cần với tiếng chiêng của núi rừng đã hun lên cảm xúc để ông viết Nhịp chiêng buôn Kơ Siar. Rồi cứ thế, những Hơ Zen lên rẫy, Ơi M´Drak, Xôn xang mênh mang cao nguyên Dalak, những Em muốn sống bên anh trọn đời, Ly cà phê Ban Mê, Thênh thênh oh ơi, Đôi mắt Pleiku… đã ra đời.

Còn chuyện sáng tác khí nhạc, thật ra nó chảy trong ông mấy chục năm trời rồi, nhưng chưa có cơ hội cho khán giả biết đến mà thôi. Ông ấp ủ nó từ khi bước chân vào giảng đường trường âm nhạc nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên phải học chuyên ngành Cello. Những năm ấy, dù nghèo đến mức phải ăn chung suất cơm với bạn nhưng bên cạnh chuyên ngành mình học, ông vẫn “lén lút” học sáng tác. Khi các lớp sáng tác và thanh nhạc nghỉ, ông tranh thủ lúc mọi người đang say ngủ để chui vào phòng học trộm. Có lần say học quá, quên thời gian, suýt bị phát hiện. Mà phát hiện hồi ấy là bị phạt nặng lắm.

Ấy vậy mà 4 năm ròng rã như thế, cuối cùng ra trường, ngoài cái bằng chuyên ngành Cello, Nguyễn Cường cũng “tốt nghiệp” luôn chuyên ngành sáng tác (tự học, tự phong !). Những năm ấy, những bản nhạc của Mozart, Beethoven, Bach,  Tchaikovsky… đã ăn sâu trong ông. Và mấy chục năm khán giả nghe những bài hát ông sáng tác, cũng là bấy nhiêu năm ông nghiên cứu, sáng tác khí nhạc. Nhưng chẳng mấy khi những bản nhạc không lời của ông được vang lên. 

Và thế là, sau mấy chục năm ấp ủ, cuối cùng ông quyết định cho ra mắt CLB Thính phòng CEG để thỏa ước mơ của mình. Cứ mỗi thứ 6 cuối cùng trong tháng, những thành viên CLB lại gặp gỡ khán giả tại không gian âm nhạc Trung Nguyên (52 Hai Bà Trưng), các buổi biểu diễn hoàn toàn miễn phí. Ở đây, những nghệ sĩ hầu hết còn rất trẻ, đã quên đi mức cát xê vài trăm bạc để hết mình với người nghe. 2 số đầu gián đoạn do những khó khăn, nhưng đến thời điểm này, Nguyễn Cường khẳng định các buổi diễn sẽ diễn ra hàng tháng. “Mục đích của CLB CEG là muốn chứng minh rằng Việt Nam mình có rất nhiều những tác phẩm thính phòng.

Nhưng hiện tại các tác phẩm ấy chỉ nằm trong ngăn kéo hay trong cặp thôi. Khi âm nhạc không vang lên, nhiều nhạc sĩ, hoặc tưởng mình là thiên tài hoặc lại bị mặc cảm. Khi vang lên, sản phẩm âm nhạc mới là tác phẩm. Khi âm nhạc vang lên, người ta mới ngộ ra à, cũng có những người khác tài hơn mình, và cũng có người nhận thấy hóa ra mình cũng sánh được với một ai đó…”. Nguyễn Cường cho rằng một tác phẩm khi được biểu diễn, có thể được khen, cũng có thể được chê. Nhưng chê còn hơn là để nó trong cặp làm tư liệu.

Ông cũng đau đáu rằng, các nhạc sĩ viết thính phòng, các ca sĩ biểu diễn thính phòng, họ có mấy khi được biểu diễn. Bởi vậy, không gian âm nhạc thính phòng mà ông xây dựng, chính là nơi để họ được biểu diễn, được hạnh phúc, dù thù lao có khi chỉ bằng vài phần trăm so với các ca sĩ chạy show. Nhưng ở đây, họ không phải hét lên: “Các bạn ơi, vỗ tay đi”! Tiếng vỗ tay tự khắc vang lên rất trang trọng sau mỗi màn biểu diễn. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. 

Nguyễn Cường bảo rằng, khi có ý tưởng và thành lập CEG, có người nói ông đang “húc đầu vào đá”, vì giờ có ai nghe thính phòng đâu. Nhưng ông phải làm, làm trước tiên để “sướng”. Và bản thân ông cũng chỉ mơ mỗi buổi diễn có vài chục khán giả, nhưng ngay buổi đầu đã có gần trăm người, các buổi sau cứ tăng dần. “Thế là thành công lắm rồi. Thính phòng không cần đông đúc, hò reo. Thính phòng chỉ cần khán giả đến, dù là vài người, vài chục người, họ nghe, họ đắm chìm trong đó, để hiểu mình và họ trân trọng nghệ sĩ. Tôi đã để ý thấy một đứa bé, nó cầm gói bim bim trong tay định xé, nhưng khi những tiếng sột soạt vang lên, nó tự thấy lạc lõng và bỏ ngay ý định đó. Thế là thành công đấy”.

Nếu có hỏi Nguyễn Cường rằng vì sao đã ấp ủ nhạc thính phòng từ lâu mà bây giờ mới “xuất chiêu” thì ông thủng thẳng nói: Nếu 20 năm trước tôi làm việc này, thì ai biết thằng Nguyễn Cường là thằng nào mà đến, mà giúp, mà góp sức…

Nhưng giờ, có lẽ cái “uy” của Nguyễn Cường mới đủ để chiêu mộ những nghệ sĩ vào CLB này, vì nếu tính thù lao cho nghệ sĩ thì chỉ bằng… mấy bát phở!!!