Chuyện kể ở đình Trung Tự (Kỳ cuối) : "Thần ngư" của làng

ANTD.VN - Cá gỗ vốn là một cái mõ dài tới gần 2m ngự giữa Ngưỡng Chỉ đình Trung Tự, phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) được xem như “thần ngư” của làng. Nhưng gốc tích, câu chuyện bí ẩn về cá thần mới đầy thú vị.

Chuyện kể ở đình Trung Tự (Kỳ cuối) : "Thần ngư" của làng ảnh 1

Cây thị cổ thụ trước đình Trung Tự

Tận mắt quan sát “thần ngư”

Đình Trung Tự ẩn mình dưới bóng một cây thị cổ thụ. Những truyền thuyết, sự tích nửa hư nửa thực đã thêm tiếng thiêng cho đình. Du khách gần xa thường đến nơi này xin cho được chiếc lá, hay quả của cây này về dùng làm thuốc trị bệnh. Không biết là các thứ bệnh hiểm nghèo khi được thuốc tiên từ cây “thị thần” nhập vào lục phủ ngũ tạng thì người bệnh có khỏi hay không? nhưng cứ cái lẽ, người ta đổ về xin vái thì chắc cũng thiêng.

Chuyện kể ở đình Trung Tự (Kỳ cuối) : "Thần ngư" của làng ảnh 2

 “Thần ngư” đặt giữa Ngưỡng Chỉ

Ông Mai Thế Tế, Trưởng Ban quản lý di tích đình Trung Tự sau một hồi  giới thiệu về “thị thần”, về những bia đá, những sắc phong lẫn kiến trúc độc lạ, thì hướng câu chuyện về ngôi Ngưỡng Chỉ đối diện đình làng mà ở đấy có đấng “thần ngư” ngự trị. “Dân làng coi tượng cá gỗ như một vị thần. Cá gỗ cũng là biểu tượng tâm linh của làng. Những ngày rằm, mùng một hay lễ tết, mọi người đều đến thắp hương tế tự rất tôn kính. Nhiều du khách thập phương, khi đến đây cũng rất ngưỡng mộ về biểu tượng cá gỗ”, ông Tế cho biết.

Chuyện kể ở đình Trung Tự (Kỳ cuối) : "Thần ngư" của làng ảnh 3

Trên lưng cá là biểu tượng vân mây theo tích “cá hóa rồng”

Cụ Nguyễn Văn Viết, thủ từ đình Trung Tự dẫn chúng tôi vào trong Ngưỡng Chỉ. Qua bức cửa cao, bên trên ghi rõ chữ Hán mực Tàu đen đặc. Cụ Viết nói: “Ngưỡng Chỉ là nhà 2 ông. Hai ông đây là “ông văn - ông võ”, đó là hai bức tượng một dữ một hiền ở hai bên trái - phải của Ngưỡng Chỉ”.

Tiếng là nhà hai ông, nhưng ở gian giữa là bức tượng “thần ngư” trên ban thờ với đủ hương hoa, ngũ quả. Thoạt đầu, ngắm bức tượng này người ta sẽ tưởng đó là cá chép, nhưng trông kỹ thì lại giống hình cá trắm hơn. Tượng cá gỗ này dài gần 2m, vòng bụng chỗ rộng nhất gần 1,1m. Cụ Viết bảo rằng, dân làng từ xưa đã đo đếm rất cẩn thận, nhưng riêng cân nặng bao nhiêu thì chưa ai biết. Hình như không ai dám đặt “cụ cá” lên cân vì sợ điều gì đó.

Theo quan sát, chất liệu của cá gỗ được làm từ gỗ mít, cá được sơn màu đỏ, là lớp sơn ta không pha keo. Phân cách các vảy là sơn màu vàng khá hài hòa. Phần đuôi cá được nghệ nhân xưa cách điệu theo kiểu thẳng đứng. Thay vì phải đục đẽo cho thành hình đuôi cá, nghệ nhân chỉ khía các đường vân trên một mảng gỗ liền.

Dưới bụng cá khoét rỗng chứng tỏ là một “mõ cá”

Chỗ vệt cắt giữa đuôi cá vẫn để nguyên, không đục lõm mà thêm vào đó là hình cánh hoa nhỏ. Ở giữa lưng cá là một đường dài hình dải mây, cũng là biểu tượng quen thuộc trong mô-típ điêu khắc hội họa khi thần thánh hóa linh vật. Trong các “thần ngư” thì vệt mây dài đó là biểu tượng của cá vượt vũ môn hóa thần.

“Ở ngay làng tôi đây cũng có những tranh cãi về “thần ngư”. Người thì cho là cá chép, người lại cho là cá trắm. Nhưng theo tìm hiểu của tôi và các cao niên, thì cá gỗ nguyên bản là một cái mõ vì bên trong được khoét rỗng và phần giữa bụng có vệt lõm do dùi mõ đánh vào”, cụ Viết khẳng định. Chúng tôi lấy một cái dùi, gõ thử vào phần bụng cá, âm thanh vang lên khá lớn và trong. Tuy nhiên, một bí mật được lần giở đó là, Trung Tự không phải gốc gác chính của “thần ngư” bí ẩn này.

Cá gỗ “bơi” về làng 

Ông Mai Thế Tế, Trưởng ban quản lý di tích đình Trung Tự cho biết: “Chúng tôi không rõ vào năm nào nhưng vào thời nhà Mạc, trong một trận mưa lớn, đê Hoàng Mạc bị vỡ, cá gỗ trôi về đây và chỉ loanh quanh không trôi đi. Dân làng mới vớt lên mang về đình làng”.

Mấy trăm năm đã trải qua, từ một con cá gỗ vốn để làm mõ, giờ trở thành “thần ngư” được phụng thờ như thần thánh thì hẳn là một câu chuyện dài. Ông Tế nói: Cá gỗ để trong đình, khi có việc gì thì gõ lên để tập hợp dân làng. Nhưng không phải ai cũng được sử dụng mõ cá. Cụ Viết khẳng định về một tài liệu của làng Trung Tự viết bằng chữ Hán: “Chỉ có hương tuần, đội trưởng kiêm cảnh 12 người mới được cầm dùi gõ cá”.

Các cao niên của làng Trung Tự đều cho biết: Tiếng mõ cá vang xa như chuông. Khi mõ cá được đánh, tiếng sẽ vang đến tận xóm Cam Đường (gần Đại học Y Hà Nội bây giờ). Đặc biệt, mõ cá làng Trung Tự không chỉ được coi như một linh vật, mà còn là một bảo vật hiếm có của Hà Nội.

Chuyện kể ở đình Trung Tự (Kỳ cuối) : "Thần ngư" của làng ảnh 5

Đến nay, không ai biết gốc tích “thần ngư” từ đâu đến

Chẳng vậy mà từ xưa, đã có thơ nói về “thần ngư” của cụ cử nhân Nguyễn Hữu Quý là đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Đông Tác họa vần bằng chữ Hán: “Cửa rồng kia nước treo ngàn bậc /Biển Bắc này vùng vẫy côn bằng/Sấm đêm dậy nửa hồ trăng/Nào ngờ sóng cuộn ầm vang lân tiềm/Kỳ diệu lắm sứ quân Tôn pháp/Vẻ lung linh tranh vẽ có thần/... Thân chao nước vẫy vùng gấp gấp/Mắt long lanh đuôi quẫy dồn dồn/Ánh trăng lấp lánh mê hồn/Nghìn trùng thăm thẳm hiện lên râu rồng...”.

Tuy nhiên, theo ông Tế cũng như các cao niên của làng Trung Tự, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nào về biểu tượng mõ cá và “thần ngư” của làng Trung Tự. Vì thế, rất nhiều khách thập phương khi đến đây, ngoài sự ngưỡng mộ về một tác phẩm điêu khắc xưa cũ thì cũng không tránh khỏi những thắc mắc về một linh vật độc đáo trong đình.

“Đình Trung Tự đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1992. Làng vốn có 3 chỉ, gồm: Văn Chỉ, Ngưỡng Chỉ và Tế Chỉ. Cá gỗ trong đình là hiện vật có từ lâu đời, được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đến nay chưa có tài liệu chính xác nào nói về hiện vật này”, ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng ban Văn hóa xã hội phường Phương Liên cho biết.