Chuyện hai thầy giáo làm báo rồi theo nghiệp văn chương

ANTD.VN - Lý do lớn nhất để những thầy cô giáo rời bảng đen phấn trắng, chuyên tâm vào sáng tác có lẽ là tình yêu mãnh liệt dành cho văn chương, trong đó không ít những trang viết riêng cho lứa tuổi học trò.

Chuyện hai thầy giáo làm báo rồi theo nghiệp văn chương ảnh 1Đường Bùi Nguyên Khiết ở thành phố Lào Cai ghi danh nhà văn - thầy giáo đã hy sinh trong Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979

Nhà văn của những học trò bé nhỏ 

Trước khi về TP Hồ Chí Minh làm báo và viết văn, nhà văn Trần Quốc Toàn đã từng đi dạy học qua nhiều trường từ Bắc vào Nam, vì thế mà có rất nhiều thế hệ yêu mến ông thầy hiền hậu, hóm hỉnh, gần gũi với học trò cả trên bục giảng lẫn ngoài đời sống. 

Hưởng ứng phong trào “Nam tiến” để xây dựng đất nước những năm 1980, thầy giáo người Hà Nội gốc Trần Quốc Toàn lập tức khoác ba lô lên đường đến một vùng Đồng Tháp Mười xa xôi dạy học. Thời kỳ đó cuộc sống của giáo viên còn nhiều khó khăn, ngoài giờ lên lớp, các thầy cô thường phải làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Thầy giáo Trần Quốc Toàn dù bận bịu đến mấy thì đêm về vẫn chong đèn viết văn, làm thơ.

Những bài thơ, truyện ngắn viết cho thiếu nhi lần lượt ra đời, xuất hiện trên các báo, in thành sách và lại được chọn đọc trên đài phát thanh khiến ông dần... nổi tiếng. Một lần ông gửi truyện ngắn tham dự cuộc thi của một tờ báo, truyện được giải cao nhưng sau đó thầy giáo Trần Quốc Toàn gặp phải những khó khăn, cản trở trong công việc vì một số người suy diễn “ngụ ý” đằng sau tác phẩm.

Bản chất một người thầy có tâm luôn thể hiện qua từng câu chữ, mỗi tác phẩm chính là một bài học nho nhỏ về con người, cuộc đời mà 2 nhà văn từng “gõ đầu trẻ” muốn gửi đến những độc giả của mình.

Đúng vào lúc “khó thở” ấy, một tờ báo lớn ở TP Hồ Chí Minh mời ông về làm biên tập viên văn học. Môi trường làm việc mới giữa thành phố sôi động nhất nước lại khiến Trần Quốc Toàn hào hứng, ông hòa nhập rất nhanh không khác gì con cá từ bể hẹp được thả ra dòng sông lớn. Ngoài công việc biên tập, ông còn phụ trách bình truyện ngắn in trên báo, những lời bình ngắn gọn nhưng chứa đựng hàm lượng lớn tri thức, khiến bạn đọc và người viết đều cảm phục trình độ thẩm văn của người giữ chuyên mục. 

Giai đoạn làm báo chính là lúc nhà văn cho ra đời nhiều tác phẩm nhất. Tập thơ “Viết đơn lên cát trắng” xuất bản năm 1995 đã được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn, tạo đà cho những tập tiếp theo như “Ngón tay út của thành phố” (1997), “Cây me nước đeo vòng cẩm thạch” (1999)... Đặc biệt năm 2010 ông xuất bản tập truyện ngắn “Học trong bụng mẹ” được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi trên cả nước yêu thích.

Khi nhà văn về giao lưu với học sinh các trường tiểu học, các em khi nhận ra tác giả của những bài văn thú vị đó đã chạy ào đến vây quanh xin chữ ký và hỏi ông tại sao lại phát hiện ra nhiều chi tiết ngộ nghĩnh trong truyện như thế.

Chuyện hai thầy giáo làm báo rồi theo nghiệp văn chương ảnh 2Nhà văn Trần Quốc Toàn

Được bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến, chia sẻ là hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Nhiều bạn viết có lần cố hình dung rằng nếu không vướng vào văn chương, thơ phú, thì Trần Quốc Toàn sẽ là một nhà giáo mô phạm, nhưng dù có dấn thân vào văn thơ, ông vẫn là một người thầy. Bản chất một người thầy có tâm luôn thể hiện qua từng câu chữ, mỗi tác phẩm chính là một bài học nho nhỏ về con người, cuộc đời mà Trần Quốc Toàn muốn gửi đến những độc giả của mình.

Rời công việc dạy học đã nhiều năm nhưng nhà văn Trần Quốc Toàn vẫn gặp lại những học trò của mình trên mỗi chặng đường sáng tác, không ít người trong số đó chưa từng nghe ông giảng một câu văn, chưa từng một lần thấy ông trên bục giảng nhưng vì cảm phục và quý mến văn tài mà gọi ông là “thầy” một cách tôn kính.

Hành trình của người thầy - nhà văn - chiến sĩ

Nhà giáo Bùi Nguyên Khiết sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm tỉnh Hòa Bình đã từng có nhiều năm gắn bó với trường lớp khi làm giáo viên dạy văn ở xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) và khu vực biên giới thuộc tỉnh Lào Cai. Vừa dạy học, vừa viết bút kí, phóng sự cộng tác với nhiều tờ báo của tỉnh và trung ương như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam..., ông còn miệt mài sáng tác nên đến năm 1973, Bùi Nguyên Khiết đã được chọn đi học lớp bồi dưỡng viết văn khóa đầu tiên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Quảng Bá (Hà Nội).

Trước khi về Hà Nội đi học, bạn bè cùng khóa chưa gặp mặt tác giả nhưng đã rất ấn tượng với những truyện ngắn: “Mưa tuyết”, “Trên đồi dứa vụ đông”, “Mùa vàng thao thức”, “Đêm trăng trên bến dưới thuyền”, “Hồ Kiều làm chứng”, “Hoa ban sắc trắng”, “Gió ngàn”... bởi cách viết mang phong vị rất riêng của người gắn bó với cuộc sống miền núi phía Bắc.

Sau khi học xong lớp viết văn, ông về Lào Cai và trở thành phóng viên. Đặc biệt ông là phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979 tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Ông cũng là nhà văn đặc biệt nhất vì được kết nạp chính thức vào Hội Nhà văn Việt Nam khi đã hy sinh. 

Năm 2004, nhà văn Bùi Nguyên Khiết là tác giả đầu tiên được UBND tỉnh Lào Cai truy tặng đợt đầu Giải thưởng Phan Xi Păng (Giải thưởng văn học - nghệ thuật cao nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần). 35 năm sau ngày anh dũng hy sinh, tên nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết trở thành tên một con đường tại phường Bình Minh, thành phố Lào Cai.