Choáng váng xem “Sống thật”

ANTĐ - Cho dù đã kết thúc nhưng triển lãm “Sống thật” của 2 họa sỹ trẻ Đinh Mạnh Đông và Đặng Vũ Hà diễn  ra từ 18 đến 22-12 tại Viet Art Center, số 42 Yết Kiêu, Hà Nội vẫn làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong công chúng. 

Tác phẩm “Sau cánh gà” - Đinh Mạnh Đông

Công chúng chưng hửng

Trong lời tự bạch tại triển lãm, họa sỹ Đinh Mạnh Đông nhấn mạnh: “Những sáng tác của tôi lấy gợi ý từ đời sống xã hội đương đại ở những mặt trái chiều như sự cám dỗ vật chất, lối sống gấp gáp và nhu cầu hưởng thụ của thế hệ trẻ tại các đô thị, sự màu mè phù phiếm bên ngoài nhưng bên trong trống rỗng”. Quả thực, trên tranh của 2 họa sỹ, người xem đều cảm nhận được rất rõ mặt trái mà họa sỹ đề cập tới. Đó là nạn mại dâm với những cô gái đứng đường, hát “ôm” tại các quán karaoke, và cả với những cuộc “mây mưa”… Đề tài đầy tính thời sự đó, đã trở thành “lực hấp dẫn” kéo công chúng đến với triển lãm đông hơn gấp nhiều lần so với những triển lãm nghệ thuật thông thường. Nhưng trái với những mong đợi rằng “sẽ được xem một cách biểu đạt rất mới, rất trẻ ở một đề tài nhạy cảm với những bút pháp táo bạo” thì người xem lại bị chưng hửng và có phần thất vọng về loạt tranh của hai họa sỹ. Cho dù, có dùng tới những lời lẽ hoa mỹ thì những bức tranh “tả trực diện” đã khiến công chúng… “choáng váng”!

Dùng phương cách biểu đạt Pop art, hai họa sỹ đã sử dụng những biểu tượng và cách tạo hình của đồ họa quảng cáo trong màu sắc, hình thể để xây dựng bức tranh, tạo ấn tượng với người xem và truyền đạt thông điệp trong mỗi tác phẩm. Dẫu sao, các tác phẩm cũng tạo được cảm giác gấp gáp của cuộc sống hiện đại với mặt trái là những cám dỗ, những tham vọng không bao giờ thỏa mãn của con người. Một bộ phận giới trẻ đã được lột tả với những kiểu ăn chơi thác loạn. Thế nhưng, điều cần bàn ở đây là lối vẽ của hai họa sỹ đã lột tả quá trần trụi nên gây phản cảm trong nghệ thuật, trong khi trước đó đã có nhiều họa sỹ trẻ tạo được dấu ấn. Có thể kể những cái tên đã thành danh trước đó như Trần Thị Hương với triển lãm “Made in Hương”, Lý Trần Quỳnh Giang với triển lãm “Ốm à?”… Đinh Mạnh Đông và Đặng Vũ Hà đã không thoát ra ngoài cái bóng của những người đi trước. Tạo hình các nhân vật trong tranh của 2 anh hao hao giống với những gương mặt đã được mô tả rất ấn tượng trước đó. Vì thế, “Sống thật” chưa tìm thấy bản sắc riêng ở một đề tài đang rất “nóng”. 

Vô cảm trong biểu đạt

Vẫn biết rằng, cuộc sống vốn dĩ luôn tồn tại những mặt trái, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, sức mạnh của đồng tiền sẽ cuốn mọi thứ vào vòng xoáy nhưng khi đã đưa những đề tài nóng hổi của cuộc sống đương đại vào tranh, các họa sỹ cũng cần biết chắt lọc để làm rõ chủ đề theo đuổi. Nhưng tiếc rằng, hai họa sỹ đã tỏ ra quá dễ dãi trong phương thức biểu đạt. Vì thế, khi xem tranh, người xem cảm nhận được sự vô cảm của tác giả với hiện thực cuộc sống. Cảm giác trằn trọc, băn khoăn vì sự xuống cấp của một bộ phận giới trẻ hoàn toàn biến mất trong những tác phẩm như thế. Vậy thì, công chúng sẽ đón nhận gì từ những tác phẩm như thế khi ngay bản thân 2 tác giả còn hời hợt và ít trăn trở với đề tài. 

Có thể nói, “Sống thật” đã biểu đạt trung thành các hiện tượng đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện đại nhưng nếu chỉ làm được như thế, có lẽ công chúng không cần tìm đến các tác phẩm văn hóa nghệ thuật để thưởng thức. Bởi mỹ thuật cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, cuộc sống muôn màu với vô vàn những sự kiện vấn đề luôn là chất liệu cho những sáng tác, cho sự ra đời của những tác phẩm lớn lao. Nhưng sáng tác ấy chỉ có giá trị khi mang một giá trị phản ánh và một ý nghĩa nhất định. Triển lãm “Sống thật” đã khoác lên mình chiếc áo quá rộng còn bên trong là một cơ thể gầy gò, ốm yếu.