Chợ Hàng Bè một thuở

ANTD.VN - Sở dĩ gọi một thuở là bởi bây giờ ngôi chợ ấy đã chuyển lên tít tận phố Vọng Hà gần Hàm Tử Quan. Nó chẳng còn liên quan gì đến phố Hàng Bè ngoài cái biển  tên “Chợ Hàng Bè”.

Chợ Hàng Bè chính thức bị dẹp bỏ vào năm 2010 nhưng từ phố Gia Ngư thông sang Cầu Gỗ, Đinh Liệt người Hà Nội vẫn quen gọi khu vực ấy là chợ Hàng Bè

Chợ Hàng Bè xưa nằm trên con phố Gia Ngư thông sang Cầu Gỗ, Đinh Liệt. Những dãy lều dựng lên giữa phố và hai bên mặt phố đều là hàng quán đông đúc. Đó là một ngôi chợ nhà giàu giữa lòng phố cổ. Gọi là chợ nhà giàu là bởi giá cả ở đây luôn đắt hơn các chợ khác trong phố. Thế nhưng “đắt xắt ra miếng”. Thực phẩm và đồ ăn thức uống ở đây toàn những thứ hảo hạng rất khó tìm ngay cả ở chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm gần đấy...

Mùa nào thức ấy, chợ Hàng Bè bao giờ cũng là nơi đầu tiên trong phố có những mặt hàng đặc biệt của mình. “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm” là tục ngữ nói về mùa rươi rộ lên trong hai ngày ấy. Chợ Hàng Bè sẽ có rươi bán vào khoảng trung tuần tháng 9 vắt sang đến trung tuần tháng 10.

Người Hà Nội xưa có lối ăn khá lạ. Những thứ gì hiếm có khó tìm thường được ưa chuộng dù giá cả có đắt hơn rất nhiều. Miếng ngon đầu mùa gần như chỉ chợ Hàng Bè mới có. Đã có hàng rươi thì tất phải có hàng bán củ niễng. Dù có ham rẻ mua rươi ở chỗ khác vẫn phải quay về chợ Hàng Bè mua củ niễng để xào. Ngày trước củ niễng trồng ở vùng Thái Bình, Nam Định hình như cũng chỉ để mang lên chợ Hàng Bè bán. Thị dân ở xa vùng trung tâm phố cổ thậm chí còn chẳng biết dùng củ niễng vào việc gì.

“Chợ Hàng Bè xưa nằm trên con phố Gia Ngư thông sang Cầu Gỗ, Đinh Liệt. Những dãy lều dựng lên giữa phố và hai bên mặt phố đều là hàng quán đông đúc. Đó là một ngôi chợ nhà giàu giữa lòng phố cổ. Gọi là chợ nhà giàu là bởi giá cả ở đây luôn đắt hơn các chợ khác trong phố. Thế nhưng “đắt xắt ra miếng”. Thực phẩm và đồ ăn thức uống ở đây toàn những thứ hảo hạng rất khó tìm ngay cả ở chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm gần đấy...”. 

Nhà văn Đỗ Phấn

Tất nhiên là chợ nào thì cũng phải có hàng rau. Những năm 60 thế kỷ trước dân phố nhớ mùa rau muống tiến vua vào cữ tháng 6 âm lịch. “Sài Sơn chi biển bức, Cấn Xá chi lý ngư, Khánh Hiệp chi kỳ bành, Linh Chiểu chi úng thái” là tục ngữ cổ nói về 4 sản vật đặc sắc quanh Hà Nội. Sài Sơn thì có dơi ngựa lông vàng, Cấn Xá nổi tiếng về cá chép là hai địa danh thuộc về huyện Quốc Oai.

Khánh Hiệp nổi tiếng cua đồng và Linh Chiểu nổi tiếng về rau muống là hai địa danh thuộc huyện Phúc Thọ. Rau muống Linh Chiểu ngọn dài trắng nõn chỉ vài ba cái lá. Cả chợ hôm nào nhiều lắm cũng chỉ có độ mươi bó. Quý hóa thế nên người Hà Nội thường chỉ dùng để chẻ ra ăn ghém với riêu cua. Mua được xóc cua Khánh Hiệp chỉ chục con thôi là có thể nấu được nồi riêu béo ngậy đặc gạch. Miếng rau muống Linh Chiểu chẻ nhỏ như sợi tơ hồng giòn sụm ăn với riêu cua này chỉ có “thủng nồi trôi rế”.

Chợ Hàng Bè cũng gần như là nơi duy nhất bán những thực phẩm cao cấp. Ngày trước luôn có hàng cá lăng xắt khúc thậm chí nướng sơ qua lửa rồi. Hàng ba ba luôn có sẵn ba ba sông hoang dã. Cá quả, cá chép loại lớn nhất còn bơi trong chậu. Lươn, chạch, ốc, ếch toàn loại ngon cỡ lớn khó lòng tìm thấy ở chợ khác. Gà vịt, ngan ngỗng béo núc và thịt lợn, thịt bò tươi rói cắt miếng vuông vắn nhìn thôi đã thấy ngon.

Nói đến chợ Hàng Bè không thể không kể đến những món ăn chế biến sẵn. Đơn giản thì mắm tép trộn, mắm tép chưng không đâu ngon bằng. Mắm tép trộn của hai vợ chồng già đầu chợ Cầu Gỗ ngày nào cũng bán hết một chậu nhôm 30 lít. Nhà không còn thức ăn chỉ cần ra chợ mua vài đồng mắm trộn ăn với cơm nóng là đủ qua bữa ngon lành. Mắm tép chưng thịt cũng là món ăn để được dài ngày phòng khi mưa bão.

Nhà văn Đỗ Phấn

Cầu kỳ hơn có thể sắm sanh cả một mâm cỗ đãi khách được làm sẵn ở chợ. Gà luộc nóng hôi hổi mang về chỉ việc chặt ra là xong. Nếu cần gà cúng người ta sẽ mổ moi, nhét chân vào bụng, đan chéo cánh và cắm vào mỏ một bông hoa mười giờ đỏ chói. Vịt luộc, vịt nướng và tiết canh vịt bên phía Gia Ngư. Có thể đặt sẵn đến giờ ăn nhà hàng tự mang đến. Chẳng biết kỹ thuật đánh tiết canh vịt của họ thế nào mà mang đi hàng vài cây số vẫn không bị “đứt chân”.

Nem rán sẵn và cá kho đỏ au màu nước hàng. Riêng cá kho ở chợ này luôn làm nản chí các bà nội trợ vụng về. Dù có mua về đủ cả gừng, riềng, ớt, nước hàng và thịt ba chỉ thì cũng hiếm ai kho được nồi cá trắm đen như thế. Bởi vì cá ở đây được kho bằng bếp củi trong nồi lớn hàng vài chục cân.

Đun kỹ đến mềm xương mới mang ra bán. Vài món thịt kho dừa, thịt kho tàu, sườn rim cũng chế biến sẵn vô cùng bắt mắt. Đặc biệt ngày tết có sắm đủ cả mâm cỗ tết làm sẵn từ giò chả, thịt gà, nem rán, bánh chưng, xôi gấc và các món xào nấu sơ chế sẵn mang về chỉ việc cho vào nồi. Khó đến như món canh mọc cũng có sẵn viên mọc và nấm cùng với bóng bì đã ngâm tẩy, súp lơ chẻ sẵn. Món nộm đu đủ gói sẵn cùng với dấm ớt, rau thơm mang về chỉ việc trộn lên là xong. Chợ Tết còn có cả hàng bán hoa mùi già dùng để tắm tất niên.

Hàng quà bánh cũng toàn những món đặc sắc. Xôi chè, chè đỗ đãi thơm ngát mùi đậu xanh và hương hoa nhài. Bánh rán mật, bánh dày giò chả đựng trong những chiếc thúng lót lá chuối tươm tất sạch sẽ. Đó là những món ăn khó cưỡng của các bà đi chợ. Đã có ca dao từ xa xưa nói vệc này “Đi chợ thì hay ăn quà/ Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…”. 

Chợ Hàng Bè chính thức bị dẹp bỏ vào năm 2010. Giờ trong chợ chỉ còn lại những nhà mặt phố mở cửa hàng bán vài món truyền thống mắm muối và đồ ăn chín. Vài hàng hoa và quả tươi chọn lọc kỹ. Cạnh tranh nhiều nên giá cả cũng không còn đắt hơn các chợ khác nữa. Nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi khu vực ấy là chợ Hàng Bè. Và rất ít người thực sự biết ngôi chợ Hàng Bè mới ở ngoài phố Vọng Hà.