“Chị tôi” và những mật mã cuộc đời

ANTĐ - Gặp nhà văn Đoàn Lê bao giờ cũng thấy bà ăm ắp các dự định. Hết truyện ngắn thì tiểu thuyết. Chưa xong tiểu thuyết lại vẽ tranh. Đang tràn đầy hứng khởi với bột màu lại bỏ đó quay về mấy kịch bản phim dang dở. Rồi những chuyến đi thực tế, tìm bối cảnh cho phim mà bà làm đạo diễn. Gặp Đoàn Lê, ít ai nghĩ bà đã bước vào tuổi 70 và đã lên chức “cụ ngoại” từ mấy năm trước.

Bức tranh “Xúy Vân” của nhà văn - họa sĩ Đoàn Lê

Từ truyện ra tranh

Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ấy. Trời Đồ Sơn xanh ngắt. Biển Đồ Sơn sóng dạt dào. Bỏ lại trời biển phía sau, tôi tìm tới nhà Đoàn Lê. Căn nhà trong ngõ nhỏ, phủ rợp giàn hoa đậu tím biếc la đà xuống lối đi. Lại thêm gốc cây lộc vừng rải thảm hoa đỏ xuống sân. Một không gian trầm, lắng. Chọn căn nhà trong xóm Núi, hai người đàn bà “đa đoan” trú ngụ. Một “chị tôi” Đoàn Lê sắc sảo ở nhà trên, và một “em tôi” Đoàn Thị Tảo nhẹ nhàng với những câu thơ tặng chị “Thế là chị ơi!/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió!/ Cho ngày chị sinh (…) ở nhà dưới, như muốn lẫn vào cỏ cây hoa trái vườn nhà.

Trong phòng khách, tranh của Đoàn Lê treo kín. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn. Nhiều bức vẽ về người phụ nữ với yếm thắm buông lơi. Có cả bức tranh “Xúy Vân” rất ấn tượng. Như đoán được sự tò mò của tôi, Đoàn Lê bảo, “hội họa cho tôi sự say mê và thỏa mãn, nhưng mất rất nhiều thời gian, không thể tưởng được”. Tôi đùa, nhưng thu nhập từ tranh lại gấp mấy lần một tập truyện ngắn hay tiểu thuyết? “Đương nhiên tiền bán một bức tranh cao hơn hẳn tiền nhuận bút một cuốn tiểu thuyết của tôi. Nhưng tôi vẫn dành cho chữ nghĩa nhiều thời gian hơn đấy. Biết làm thế nào được”, Đoàn Lê thừa nhận, rồi bà cười thật tươi nói thêm: Mỗi bức tranh như một truyện ngắn của tôi vậy. Đôi khi từ truyện ra tranh, từ tranh vào truyện. Ví như tôi vẽ bức “Hoa bèo” là gợi ý từ truyện “Người đẹp xóm Chùa” đấy.

Viết nhật ký bằng truyện ngắn

Đoàn Lê nói, vì tính bà vốn “táy máy” với công việc, nên cứ khi nào tiện và hào hứng với việc gì thì làm việc đó. Còn thành công hay không, lại tùy vào nhận xét của dư luận. Với người viết, “con” nào mình chả yêu, chả thiên vị. “Nhưng nhìn lại quả thực tôi thấy mình thoải mái hơn cả khi viết truyện ngắn. Nó vừa đủ độ thời gian mình dành cho nó, không kéo dài quá”.

Đúng là với số đông độc giả, có lẽ truyện ngắn Đoàn Lê người nào đã đọc đều khó quên, bởi lối viết “như không” mà đọc xong cứ khiến người ta bâng khuâng, day dứt. Nếu mỗi bức tranh là một khoảnh khắc “tự do bất tử”, thì vẻ như, mỗi truyện ngắn của Đoàn Lê là một trang nhật ký cuộc đời của người đàn bà “vấn vương với sợi tơ trời”. Nó cất giấu những mật mã của cuộc đời nhà văn, rộng ra là của cả nhân quần xã hội. 

Tôi thường nhớ tới Đoàn Lê bởi chùm truyện ngắn về xóm Chùa. Nào “Trinh tiết xóm Chùa”, “Xóm Chùa thời ung thư”, cho tới “Giường đôi xóm Chùa”, “Kiệm cười”… Chỉ có một cái xóm Chùa nho nhỏ ấy mà khiến tác giả viết ra mấy tập sách, ắt hẳn phải có nguyên cớ đặc biệt lắm. Gặp Đoàn Lê, tôi tò mò hỏi bà rằng cái xóm Chùa ấy là một địa danh có thật hay là hư cấu? Không giấu giếm, Đoàn Lê chân thành: “Xóm Chùa là một địa danh tôi đặt cho nơi tôi từng sống, từng quen biết - đó là làng Lủ (Kim Giang, Hà Nội)”. Rồi bà kể thêm: “Những nhân vật Sĩ Thái Sư, lão kép cải lương, bà Chiu, bà Thim... thậm chí đến con chó Mốc, tất cả lúc nào cũng như vẫn sống quanh tôi, quay cuồng trong cuộc mưu sinh. Nhưng xóm Chùa chỉ là hình ảnh đất nước thu nhỏ lại. Xã hội với những xóm Chùa, xóm Núi trong truyện ngắn của tôi, nơi đang thay đổi từng ngày từng giờ, nhuốm đủ nỗi vui buồn thấm thía”.

Tuổi 70 không ngưng nghỉ

Đoàn Lê bước vào làng văn từ rất sớm. Bà theo học khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên 1959-1962. Căn cốt từ đây để sau này thấy dấu ấn của Đoàn Lê để lại với điện ảnh Việt Nam qua rất nhiều bộ phim, không chỉ làm diễn viên mà còn là tác giả kịch bản và đạo diễn. Hết phim truyền hình tới phim điện ảnh, như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Người Hà Nội”…

Mấy năm nay, Đoàn Lê vẫn miệt mài đi, sống và viết. Cách đây vài năm bà cũng đã phải nhập viện trong cơn “thập tử nhất sinh”. Nhưng khi được xuất viện, bà lại lao vào công việc. Trong căn nhà nhỏ phủ rợp bóng cây ở xóm Núi, Đồ Sơn, những trang viết ở mọi thể loại cứ ào ạt ra đời. Những cuộc điện thoại tới tấp, những email trao đổi công việc. Buổi sáng ngồi với bà, tôi cứ tự hỏi, không hiểu Đoàn Lê rút từ đâu ra nguồn năng lượng ấy để có thể giải quyết đống công việc mà có khi bằng cả chục người cộng lại. Vậy mà không thư ký. Không người giúp việc. Một mình. 

Rồi là những chuyến đi. Gần thì lên Hà Nội. “Mang danh” là thăm cháu thăm con, nhưng cứ hễ Đoàn Lê lên chuyến tàu Hải Phòng – Hà Nội là tới tấp những cuộc hẹn. Chỗ này là hẹn các bạn văn như Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường đến chơi. Chỗ kia là các biên tập viên xuất bản đến làm việc. Tháng 8 năm ngoái, trong một chuyến đi Nghệ An thực hiện bộ phim về Bác Hồ, Đoàn Lê đã phải nhập viện cấp cứu. May mà mọi chuyện cũng đã qua.

Mang bệnh trong người, nhà văn Đoàn Lê luôn có ý thu xếp cho mình. Vài năm trước, bà ra mắt cuốn “Tác phẩm chọn lọc” như một cuộc tổng kết nho nhỏ, ở mảng truyện ngắn. Bà bảo, đó là những trang in đầy tâm huyết và được chọn lọc khá kỹ. Đối diện với Đoàn Lê, tôi thấy bà vẫn tươi cười, như không. Bà nói: “Nếu biết đủ và bằng lòng với mình, ta sẽ thấy hạnh phúc. Tôi chả tham vọng gì, chả đua đòi với ai, lại luôn cảm ơn giời, vậy nên tôi có phần hạnh phúc cho mình”.