Chạy trường, chọn lớp: Bài toán không khó nhưng vẫn chưa có lời giải?

ANTĐ - “Chạy trường, chọn lớp” - câu chuyện được nhắc đến nhiều vào các mùa tuyển sinh, tại các hội thảo của ngành Giáo dục và cả trên bàn nghị sự. Đã có quá nhiều cuộc bàn thảo, có quá nhiều giải pháp được đưa ra nhưng dường như câu chuyện “chạy trường” chưa bao giờ dừng lại, thậm chí ngày càng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, quyết liệt hơn. 

“Chạy” ở tất cả các bậc học, ngành học, từ bậc Mầm non, Tiểu học, THCS hay THPT cho đến các giảng đường đại học đều có thể “chạy”.  Và năm nay, cuộc đua “chạy trường, chọn lớp” lại bắt đầu “nóng”, thậm chí cho đến thời điểm này, khi mùa tuyển sinh chưa chính thức bắt đầu, thì các “suất” chạy trường đều đã ngã ngũ. Điều làm dư luận hết sức bức xúc và đặt câu hỏi là, việc “chạy trường” từ các bậc phụ huynh, các giáo viên, đến các nhà quản lý, ai cũng biết nhưng để xử lý thì sao khó thế?

Chạy trường, chọn lớp: Bài toán không khó nhưng vẫn chưa có lời giải? ảnh 1
Học sinh đều có quyền bình đẳng như nhau trong học tập

Thị trường “chạy trường”?

Bạn muốn tìm “mối” để “chạy” cho con mình vào một ngôi trường ưng ý? Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần gõ máy tính cũng cho ra hàng chục nghìn kết quả về việc “chạy trường”. Cả một “thị trường” ùa ra trước mắt, từ việc môi giới, kết nối... Thế để thấy, sức “nóng” của việc “chạy trường” chưa bao giờ “nguội”. Giá cả để “chạy” vào các trường cũng nằm trong tư duy lựa chọn của các bậc phụ huynh tạo nên làn sóng ngầm về bảng xếp hạng các trường. Từ vài triệu đồng, vài trăm USD đến vài nghìn USD, tiền càng cao thì mặc định được khẳng định là trường tốt vì độ khó khi “chạy”; và mức độ đồng tiền bỏ ra cao dần theo các cấp học. Dù đúng tuyến hay trái tuyến, các bậc phụ huynh đều phải “làm việc” từ rất sớm để chắc chắn có “suất” cho con em mình, tránh tình trạng “cuộc đua đã cán đích” mới “chạy nước rút”.

Đến thời điểm này, việc “xoay như chong chóng” lo trường - lớp cho con em mình là vấn đề được quan tâm, bàn luận từ nhà ra ngõ, từ ngõ tới công sở. Hiện nay, sự lựa chọn hàng đầu và được cho là an toàn của hầu hết các bậc phụ huynh là tìm “mua suất” của giáo viên trong trường. Bởi không ai nói ra, và cũng chẳng có một văn bản nào quy định nhưng “luật ngầm” mặc định rằng mỗi giáo viên mỗi năm đều có “suất ưu tiên” dành cho người nhà, quan hệ. “Suất” ở đây được hiểu là cơ hội để tăng thu nhập cho giáo viên, nên chuyện mua bán “suất” được diễn ra có vẻ rất công khai. Thậm chí việc “mua - bán - nhượng suất” còn được giới thiệu, quảng cáo khá rầm rộ trên các diễn đàn. 

Nguyên nhân từ đâu (?)

Có thể nói việc “chạy trường” hiện nay đã không còn là cá biệt khi ở môi trường giáo dục nào, dù ít hay nhiều, kín đáo hay lộ liễu vẫn “ngầm” diễn ra. Nguyên nhân của việc chạy trường thì cũng có rất nhiều, có ý kiến cho rằng việc “chạy trường, chạy lớp” là một hệ lụy tất yếu của một xã hội coi trọng đồng tiền và bệnh thành tích vẫn là một căn bệnh khó chữa. Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học & Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trên báo chí đã từng cho rằng không nên đòi hỏi giáo dục phải “trắng bong” khi mà xã hội có quá nhiều vết màu tối. Chỉ có thể có được nền giáo dục tiên tiến khi ý thức xã hội trở nên tốt hơn. 

Tuy nhiên, có thể thấy rõ nguyên nhân dẫn đến chuyện chạy trường là do có sự phân hạng, có sự không đồng đều giữa các trường hiện nay. Cô giáo Đỗ Thanh Nga, Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục chất lượng cao Giang Sơn (A2, lô 13 khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Để giải quyết tình trạng “chạy trường” cần phải đồng bộ giải quyết hai vấn đề đó là làm thế nào để tăng chất lượng giảng dạy của các thầy, cô giáo trong các trường tiến dần đến mức đồng đều. Thiết lập tiêu chuẩn hóa giáo viên để ai chưa đủ tiêu chuẩn phải xuống dạy lớp thấp hơn hặc cử đi bồi dưỡng thêm. Thứ hai phải đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất các trường học để các trường đều đạt tiêu chuẩn như nhau”.

Là một nhà giáo lâu năm, cô giáo Hứa Thị Kim (số 100, Nguyễn Thái Học, Hà Nội), nguyên giáo viên trường Tiểu học Điện Biên nhìn nhận thực tế chất lượng các trường có sự khác biệt, không đồng đều mà người ngoài cuộc cũng dễ dàng nhận biết được sự chênh lệch quá xa giữa các trường. Khi đó buộc các bậc phụ huynh phải đứng giữa sự lựa chọn, buộc phải “chạy trường” hoặc phải chấp nhận cho con em mình vào các trường chất lượng thấp hơn. Nhìn từ bộ đồng phục của học sinh, cô giáo Hứa Thị Kim cho rằng việc yêu cầu học sinh mặc đồng phục để không phân biệt sự giàu - nghèo, để các em tự lượng giá bằng những gì các em có bên trong, thay vì bằng những thứ mặc bên ngoài. Từ bộ đồng phục suy rộng ra, lẽ ra các em phải được hoàn toàn bình đẳng trong việc thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến mà xã hội dành cho các em. Sự ưu tiên, nếu có phải dựa trên cơ sở học lực, tức nỗ lực tự thân của các em, thay vì dựa trên quan hệ, tiền bạc do cha mẹ bỏ ra để “chạy tuyến - chuyển khẩu - mua suất - chạy trường”. Chính việc chọn trường chọn lớp đã hình thành nên nghịch lý trường giàu, trường nghèo, trường giỏi, trường kém... 

Và khi đã có sự chênh lệch giữa các trường, thì nhu cầu vào các trường tốt sẽ cao hơn. Và để “chen” chân vào trường tốt thì phải “chạy”, muốn “chạy” thì phải có “cửa”… Từ đó các “suất” quan hệ được hình thành. Lúc đầu “suất” này chỉ là sự nhờ vả, quà cáp tình cảm. Sau dần, nó trở nên công khai, thành chuyện “mua, bán, chuyển nhượng” như một thứ hàng hóa để đổi lấy… tiền. Và cũng từ đó, sự chênh lệch tiếp tục được hình thành trong đội ngũ giáo viên. Những giáo viên ở trường tốt thì có cơ hội kiếm tiền cao hơn các cô giáo ở những trường thấp, khi có tiền thì họ lại có điều kiện để quan hệ, để học tập nâng cao trình độ, trong khi cô giáo ở những trường vắng học sinh thì không có điều kiện đó. Vì thế khoảng cách giữa các trường ngày càng xa hơn. Điều đó cho thấy  việc “chạy trường” là thật sự nghiêm trọng khi nó đã mặc nhiên làm mất đi sự công bằng, hạ thấp tính minh bạch trong một môi trường giáo dục.

Bài toán không khó

Nguyên nhân của việc “chạy trường” hiện nay đã nhìn thấy rõ đó là sự chênh lệch giữa các trường từ chất lượng giảng dạy, cho đến cơ sở vật chất. Vậy tại sao ngành Giáo dục không “điều tiết” để tạo sự cân bằng giữa các trường. Thậm chí cần có chiến lược đào tạo giáo viên giỏi, điều chuyển những người tài, giáo viên giỏi ở các trường điểm về làm hạt nhân cho các trường không phải là điểm; đầu tư cơ sở vật chất để nâng cấp các trường được cho là ở hạng thấp hiện nay… Dư luận cho rằng việc này nằm trong tầm tay của ngành Giáo dục, không phải là bài toán quá khó, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải.

Qua trao đổi với những người làm trong ngành Giáo dụ về vấn đề này, hầu hết các nhà giáo đều cho rằng cần phải tạo sự bình đẳng giữa các trường. PGS Văn Như Cương trong một lần trao đổi với chúng tôi cũng từng đề nghị cần phải tính đến chuyện bình đẳng giữa các trường, nếu không các trường kém sẽ ngày càng lụn bại. Ông cũng cho rằng cũng có một số học sinh có nhu cầu học trái tuyến là nhu cầu rất thực tế do nhà xa, nhưng phần nhiều là do các bậc phụ huynh chọn trường. Chính vì thế PGS Văn Như Cương cũng lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật mà các Phòng Giáo dục cần thực hiện là việc điều tiết số học sinh ở trường này sang trường kia giúp các trường khó tuyển sinh có đủ học sinh thay vì biết một trường nào đó có nhiều học sinh trái tuyến thì Phòng cũng chấp nhận sĩ số học sinh cao hơn quy định. Từ đó nhà giáo này đề nghị việc điều tra số trẻ cần đến trường phải chính xác hơn nữa, làm căn cứ vững chắc để giao chỉ tiêu tuyển sinh. 

Vực dậy các trường yếu cũng là quan điểm của cô giáo Hứa Thị Kim. Theo cô, muốn tránh việc “chạy trường” thì ngân sách đầu tư cho giáo dục của Nhà nước cần phải điều chỉnh. Đó là phải chú trọng đầu tư và vực dậy các trường có lộ trình; nâng cao chất lượng giáo dục để xóa dần khoảng cách giữa các trường trong cùng cấp học. Thực tế việc “chạy trường, chạy lớp” tập trung vào những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ sẵn sàng bỏ tiền “chạy” để cho con em mình vào trường tốt, trường điểm; vậy những gia đình không có điều kiện thì mặc nhiên chấp nhận để con em mình học đúng tuyến, vào những trường có chất lượng chưa tốt. Sự bất công đó chỉ được xóa đi khi hệ thống trường lớp được đầu tư đồng bộ, chất lượng giảng dạy đồng đều, xây dựng đầu tư trường chuẩn các cấp. Khi đó, “chạy trường” để làm gì (?!). Còn nếu không, cứ nói mãi, bàn mãi mà không hành động thì chất lượng giáo dục giữa các trường trên cùng một địa bàn vẫn mãi là một khoảng cách quá xa.

Ông Trịnh Minh Giang, giám đốc giáo dục trường tiểu học quốc tế VIP HN: Tiền bạc đã làm mất cơ hội chính đáng của học sinh

Điều nguy hiểm hiện nay là chuyện “chạy trường” đã tồn tại ngay trong ngành Giáo dục - vốn luôn được xã hội nêu gương. Việc “bật đèn xanh” cho phụ huynh “chạy trường” đã làm mất đi sự công bằng, làm học sinh nhỏ tuổi phải tham gia vào một cuộc ganh đua “khốc liệt”. Đó cũng là một trong những căn nguyên chính của việc hình thành một thế hệ trẻ coi thường pháp luật. Việc chạy trường cũng “góp phần” làm thui chột ý chí phấn đấu của học sinh và làm mất đi quyền lợi mà các em đáng ra được  hưởng. Đáng lẽ cần có đủ điều kiện về tư duy và năng lực để có thể theo học một lớp “chọn” thì các em lại được vào thẳng, dẫn đến khả năng “ngồi nhầm lớp” cao. Đối với các trường công, việc xét trái tuyến trên tiêu chí “tiền bạc” làm mất đi cơ hội chính đáng của các học sinh khác. Tóm lại, hai từ “chạy trường” vốn đã mang ý nghĩa tiêu cực, và nó phải được coi là vô cùng tiêu cực. Theo tôi “chạy trường” xuất phát đầu tiên từ tâm lý phụ huynh học sinh, vậy đầu tiên cũng phải làm lành mạnh hóa suy nghĩ của phụ huynh học sinh trước đã. Song cần có tham gia mạnh mẽ của giới truyền thông và của chính ngành Giáo dục. Cần có chương trình hành động, phong trào “nói không” với “chạy trường”; giáo dục ngay cho chính các học sinh vì các em cũng có tác động rất lớn đến gia đình. Tiêu cực nếu đã trở thành thói quen, hay nghiêm trọng hơn, trở thành “văn hóa phong bì”, thì sẽ vô phương cứu chữa. Thêm nữa, việc “chạy trường” sẽ khó có thể xảy ra nếu việc thực thi theo luật và quy định thực sự nghiêm. Thắt chặt luật pháp đối với cả hai phía: người “chạy trường” và người tạo điều kiện cho việc “chạy trường”, đương nhiên sẽ triệt tiêu đa số tiêu cực. Và điều quan trọng là xã hội phải nói cho phụ huynh biết được xã hội cần những con người như thế nào sau khi các em học hết phổ thông. Giáo dục vốn phải xuất phát từ nhu cầu xã hội là vậy!