Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái:

"Chất liệu dày dặn, không viết thì phí quá!"

ANTĐ - Dù đã tái bản lần thứ nhất, nhưng tác giả của tập truyện ngắn “Đối mặt”- Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc NXB Công an nhân dân vẫn ngần ngại ra mắt sách. Ông nói vui rằng không cẩn thận lại bị đánh giá là “yếu còn ra gió”. Nhưng rồi, nhùng nhằng mãi, ông cũng quyết định tổ chức một buổi “trình làng”.

"Chất liệu dày dặn, không viết thì phí quá!" ảnh 1Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái ký tặng sách cho các độc giả

- PV: Dù thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn rất đông người tới dự buổi ra mắt sách. Ông đã hết ngại chuyện “yếu còn ra gió chưa”?

- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Cuốn sách của tôi được xuất bản năm 2000. Đã hơn chục năm trôi qua, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có buổi ra mắt sách. Phần vì tôi cũng ngại, “Đối mặt” là tác phẩm đầu tay của tôi chưa chắc đã được độc giả đón nhận ngay, tổ chức ra mắt rườm rà, người không hiểu lại nghĩ tôi lăng xê tên tuổi. Nhưng đến hôm ra mắt sách, dù trời mưa to, mưa không ngớt, thế nhưng, độc giả vẫn kiên nhẫn ngồi đến cuối buổi, ai cũng ướt lướt thướt làm tôi cảm động lắm. Tôi cảm ơn tấm lòng của bạn đọc và nhờ có những gương mặt như thế, tôi đã cảm thấy được động viên, an ủi để viết tiếp. 

- Thông thường, một cuốn sách đầu tay ít làm bạn đọc để ý, nhưng có vẻ “Đối mặt” của ông là một ngoại lệ?

- “Đối mặt” may mắn được độc giả đón nhận và lại là cuốn sách nổi bật của NXB Công an nhân dân. Tôi tin, điều hấp dẫn của “Đối mặt” không nằm ở những tình huống ly kỳ, hấp dẫn, các vụ án trinh sát truy tìm hung thủ mà nằm ở tính nhân văn, lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Tên của cuốn sách được tôi đặt có nghĩa là đối mặt với tính nhân văn, không phải đối mặt theo nghĩa đen giữa người chiến sỹ công an và kẻ phạm tội. Bởi trong cuộc đời này, cần nhất là tấm lòng bao dung, nhân ái giữa con người với con người. 

- Chắc có lẽ vì vậy nên văn của Nguyễn Hồng Thái và nhạc Trịnh đã tìm thấy điểm tương đồng?

- Từ các tình huống đời sống rất đỗi bình dị, tôi đã viết về những người chiến sỹ công an giữ yên bình cho nhân dân bằng triết lý nhân sinh, giàu lòng nhân ái. Tôi không dám nhận giữa văn mình và nhạc Trịnh có điểm tương đồng. Có chăng, người đọc sẽ nhận thấy, Trịnh Công Sơn hay một nhà văn bất kỳ, trong các sáng tác luôn đặt con người trong trung tâm của mọi sự vận động, biến đổi. Để cuối cùng, điều đọng lại trong tác phẩm chính là việc hướng con người đến với chân, thiện, mỹ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. 

- “Đối mặt” đã may mắn, nhưng tác giả của nó không biếtcó may mắn như thế từ khi chấp bút cuốn truyện ngắn này?

- Tôi viết cuốn “Đối mặt” khá nhọc nhằn, kéo dài đến cả chục năm. Các nhân vật của tôi đều lấy nguyên mẫu từ chính các nhân vật tại quê hương tôi (Nghệ An) nên thú thực, tôi cũng gặp không ít rắc rối mỗi lần về quê. Vì người dân quê tôi đọc “Đối mặt” là có thể chỉ mặt, đọc tên từng người trong cuốn sách dù tôi đã thay tên đổi họ cho nhân vật của mình. Đây cũng là một phần của lý do tôi ngại tổ chức chương trình ra mắt sách.

- Con người xứ Nghệ đã đi vào tác phẩm của ông như thế nào?

- Nhà văn sinh ra ở đâu sẽ thể hiện tạng người ở đó, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, nét riêng biệt của vùng quê đó. Tôi không nằm ngoài số này. Khi miêu tả về phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ công an, tôi luôn thêm thắt các chi tiết mang tính đặc trưng của con người quê tôi. Đó là những người chiến sỹ gần gũi, yêu ghét rõ ràng và rất trân trọng cái tâm trong mỗi con người. Độc giả sẽ nhận thấy cái chất xứ Nghệ bộc trực, thẳng thắn chiếm đại đa số trong 14 truyện ngắn của “Đối mặt”. 

- Công tác trong ngành công an, lại từng học chuyên văn trường Phan Bội Châu (Nghệ An), ông có thấy mình nhiều lợi thế hơn những nhà văn “ngành ngoài”?

- Tôi thấy tiếc nếu mình được học văn, lại công tác trong ngành công an mà không cầm bút viết về ngành của mình. Làm việc trong môi trường nhà binh, được Đảng và Nhà nước chăm lo cho nhiều thứ, tôi cứ thế mà viết. So với các nhà văn nữ như chị Vũ Thị Hồng, Tống Ngọc Hân với bao trách nhiệm gia đình mà vẫn miệt mài với con chữ, tôi vẫn phải “ngả mũ” trước các chị. Đúng là, cánh nhà văn công an chúng tôi có quá nhiều lợi thế, chất liệu, lấy từ cuộc sống, chiến đấu của các chiến sỹ công an. Dày dặn như thế, không viết thì phí quá. Từ ngày làm công tác quản lý (Giám đốc NXB Công an nhân dân), tôi có lùi lại để tạo điều kiện cho các nhà văn khác ra mắt ấn phẩm, nhưng chưa khi nào, tôi ngơi nghỉ công việc viết văn. Tôi sẽ báo cáo thành quả của mình ở những cuốn sách tiếp theo. 

- Xin cảm ơn nhà văn!