Nghề không có chuyện “đụng hàng”

(ANTĐ) - Kinh qua nhiều việc, nào lính trinh sát, sĩ quan phản gián, rồi bây giờ gắn bó với nghề báo và “ẵm” nhiều giải thưởng báo chí quốc gia. Khi đến với văn chương, anh cũng đã bắt đầu khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn. Và mới đây nhất, anh trình làng tập truyện “Ngôi nhà bên triền sông”.Từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, không hiểu nhân duyên đưa đẩy thế nào, Nguyễn Hồng Thái “đầu quân” vào ngành công an.

Nghề không có chuyện “đụng hàng”

(ANTĐ) - Kinh qua nhiều việc, nào lính trinh sát, sĩ quan phản gián, rồi bây giờ gắn bó với nghề báo và “ẵm” nhiều giải thưởng báo chí quốc gia. Khi đến với văn chương, anh cũng đã bắt đầu khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn. Và mới đây nhất, anh trình làng tập truyện “Ngôi nhà bên triền sông”.Từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, không hiểu nhân duyên đưa đẩy thế nào, Nguyễn Hồng Thái “đầu quân” vào ngành công an.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái

- “Có những khoảnh khắc đem lại vinh quang, nhưng khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta thường quên những khoảnh khắc ấy”. Đó là một câu kết rất “đắt” trong truyện ngắn “Bức ảnh bị đánh cắp” mà anh muốn gửi tới độc giả?

- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Đó đúng là những dòng tâm huyết nhất như chảy ra tự nhiên sau những con chữ của truyện ngắn “Bức ảnh bị đánh cắp”. Một cô gái trong hành trình đi tìm bức ảnh của mình theo lời hẹn bâng quơ của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, chẳng may sa chân con đường làm gái mại dâm… Đó cũng là cái cớ để tôi đi tới thông điệp với biên độ rộng hơn: Sức nặng nghìn cân của lời hứa. Một lời hứa có thể tượng hình nên một tương lai hoặc cũng có thể hủy hoại một đời người.

- Anh đã chọn cái kết lửng cho rất nhiều tác phẩm của mình, sao không phải là một kết thúc có hậu, anh cứ để nhân vật của mình mãi trăn trở và phân vân như thế sao?

- Nhiều bạn bè, bạn đọc, phản hồi rằng, đọc xong truyện của tôi thấy… buồn. Nhưng là cái buồn trong trẻo, thấy cuộc đời này đáng sống lắm. Khi đặt bút viết, tôi cũng muốn đi đến một kết thúc có hậu, không để nhân vật mình “lang thang giữa ngã ba đường”, hay “phân vân” như nhận xét của chị. Nhưng đôi khi trong cuộc đời và văn chương, mình muốn cũng không được. Nhiều khi tôi ngẫm, thế lại hóa hay, đó là một cách để bạn đọc được trăn trở, được tưởng tượng để tham gia viết tiếp câu chuyện của mình.

- Cả tập truyện “Ngôi nhà bên triền sông” đa phần nói về hình ảnh người chiến sĩ công an. Đó là cách mà nhà văn cho bạn đọc thấy được sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ công an trong thời bình. Hay do yêu nghề, “chất công an” đã ngấm vào máu rồi, nên khi anh viết, cứ tự nhiên “bật” ra?

- Tôi công tác trong lực lượng công an đến nay đã xấp xỉ 30 năm. Tôi có cái tính, hễ  được giao làm việc gì thì phải làm bằng được, thậm chí là “thí xác”, chỉ với hy vọng đạt kết quả tốt nhất, kể cả những việc mình không thích. Cứ trằn mình như thế, tôi đã thấm đẫm những hy sinh mất mát và thua thiệt của cái nghề công an, qua cuộc đời của bạn bè, đồng đội tôi. Nói chất công an ngấm vào máu thì e chưa chính xác, vì thi thoảng tôi vẫn bị người ta “lừa” vì sự cả tin. Nhưng mình cứ sống thật, không được cái gì thì được… nhân vật văn học. Với tôi, khi viết về đồng đội mình, về nghề mình, tôi phải lùi xa để nhìn với tư cách là một nhà văn, một “người ngoài”.

- Nhiều đồng nghiệp của anh đã chọn đề tài về ngành công an để viết. Khi chọn đề tài này để viết, anh có sợ “đụng hàng”?

- Tôi là người đi sau, lại là gốc học văn nên khi viết, tôi biết học các nhà văn lớp trước cái gì, nên tránh cái gì để tìm cho mình con đường đi riêng. Trong nghề văn, không bao giờ có chuyện “đụng hàng” bởi, đề tài thì mênh mông, cuộc sống thì muôn màu, các nhà văn cứ mặc sức mà khai phá. Hình như nhà văn L. Tônxtôi đã từng nói: “Có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu”. Cứ thế mà  suy ra, có bao nhiêu nhà văn thì có bấy nhiêu góc nhìn. Chỉ sợ mình không có tài, thiếu cái tâm sáng, không giàu con chữ để sáng tạo văn chương mà thôi. Cuộc chiến đấu chống tội phạm với những hy sinh, mất mát của người lính, của gia đình họ rất lớn. Trong khi ngòi bút và trang giấy của nhà văn thật nhỏ nhoi. Tôi thấy vô cùng đáng tiếc… Vì thế, tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường đã chọn để viết về những người đồng đội mình…

- Con đường nào dẫn anh đến với văn chương?

- Khoảng năm 1980, tôi đang còn là sinh viên, bố tôi bị ốm rất nặng, trong lúc chờ tàu mang thuốc về Vinh cho bố, tôi vào nhà người bạn cùng lớp mượn cuốn Giamilia của Aimatop đọc nghiến ngấu. Tôi cố đọc xong để trả sách cho bạn trước khi tàu chạy. Chính trong đêm, trên chuyến tàu nặng nhọc ấy, tôi miên man nghĩ về câu chuyện mình vừa đọc và cứ ao ước sau này mình cũng sẽ viết được như thế. Ước mơ ấy cứ thao thức cùng tôi.

Tôi nghĩ, kiếm sống thật vất vả, khắc nghiệt, nhưng nếu dành thời gian sáng tạo những trang văn như giữ một chốn bình yên trong tâm hồn thì cũng là một cách sống cân bằng. Trước hết là viết cho mình, cho bạn bè, cho người thân. Nếu được bạn đọc chia sẻ, đón nhận thì coi như là “lãi” to rồi. Tôi viết chậm chạp và vất vả, không có chuyện con chữ chảy ra dưới ngòi bút như nhiều nhà văn khác; nhưng khi viết được một câu văn hay, tôi thấy mình như được thăng hoa.

- Có người đã nói rằng, khi viết báo cần phải có một “cái đầu lạnh” và một “trái tim nóng”, nhưng viết văn thì lại khác, từ suy nghĩ đến nhịp tim anh phải sống cho nhân vật, vui-buồn cùng nhân vật. Còn với nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái thì sao?

- Làm công an, làm báo hay viết văn cũng luôn cần phải có “cái đầu lạnh” và một “trái tim nóng”. Nếu vô cảm thì khó làm một con người đúng nghĩa, chứ đừng nói đến làm một nhà văn. Nhưng duy cảm mà sáng tạo nên những hình tượng văn học lệch lạc, không nhân văn, không giúp con người sống đẹp hơn, sống tốt hơn… thì tôi nghĩ nhà văn chưa làm tròn thiên chức của một “kỹ sư tâm hồn”.

Truyện của tôi được nhà văn Xuân Thiều nhận xét là có nhiều “khúc cua tay áo” rất nguy hiểm, nhưng “người lái xe” biết vượt dốc an toàn. Nhân vật công an của tôi có lúc đi trên lằn ranh mong manh như người làm xiếc trên dây… nhưng đã đứng vững được trước pháp luật và đạo lý. Những tình huống như thế luôn cần “cái đầu lạnh”. Trái tim nóng sẽ làm cháy lên những trang văn chương đẹp lấp lánh. Nhưng cái đầu lạnh sẽ giúp ta giữ nhịp tim đủ sưởi ấm những trang văn đến dòng chữ cuối cùng…

- Xin cảm ơn nhà văn!

Quỳnh Vân

(Thực hiện)