Chát lắm!

(ANTĐ) - Tết năm nay dứt khoát phải chơi rượu ngoại - Ông Tùng nghe rõ tiếng thằng con kháo với mấy đứa bạn làng như vậy. Gọi thế theo thói quen chứ nơi đây nay đã thành phường thành phố sau khi quận mới ra đời. Ông không phải người nát rượu nhưng từ thuở người cha, tức nội của thằng con kia còn sống, nhất mực đề cao những loại như Văn Thai, Trương Xá hay Nàng Vân. Thế nên người cha ấy và sau này đến lượt chỉ cần nhấp lưỡi là biết là loại nào, đều là nếp cái hoa vàng, hay nếp nàng hương, nếp xoan, nếp quýt... Nhưng chất lượng khác nhau còn do men, cách ủ, cách nấu ra sao.

Chát lắm!

(ANTĐ) - Tết năm nay dứt khoát phải chơi rượu ngoại - Ông Tùng nghe rõ tiếng thằng con kháo với mấy đứa bạn làng như vậy. Gọi thế theo thói quen chứ nơi đây nay đã thành phường thành phố sau khi quận mới ra đời. Ông không phải người nát rượu nhưng từ thuở người cha, tức nội của thằng con kia còn sống, nhất mực đề cao những loại như Văn Thai, Trương Xá hay Nàng Vân. Thế nên người cha ấy và sau này đến lượt chỉ cần nhấp lưỡi là biết là loại nào, đều là nếp cái hoa vàng, hay nếp nàng hương, nếp xoan, nếp quýt... Nhưng chất lượng khác nhau còn do men, cách ủ, cách nấu ra sao.

Thân sinh ông ngày xưa cũng nấu rượu. Nấu để uống và nhượng lại cho mấy gia đình chung quanh. Người chú ý từ khâu ủ xôi cho lên men, từ chậu nước đọng qua quá trình chưng cất, lửa dưới đáy nồi to nhỏ thế nào để hơi bốc lên đều, không dồn dập quá mà cũng không thưa thoáng quá. Chai nhất! - Đó là loại thượng hạng. Gần lửa rượu bốc cháy như bén xăng! Chai nhì! - Loại này ngon. Chai ba là thường thường. Ba chai như vậy hòa trộn với nhau, lấy bỗng nuôi lợn. Bỗng chua nhưng lợn ăn béo phải biết.

Lâu rồi ông Tùng không nấu rượu. Ngày nay người ta đâu có dành nhiều thời gian cho những việc thủ công thế này. Thị trường đủ loại rượu. Tây có. Ta có. Loại nào cũng lắm mác nhãn, quảng cáo kêu vang vang, ông Tùng cũng nếm qua vô khối thứ mỗi khi đi dự đám cưới, tiệc tùng, trong làng, ngoài phố và cả những nhà hàng sang trọng nằm bên hồ Hoàn Kiếm. Ông rất khó chịu khi người ta cậy tiền, cậy của, khoe mẽ làm sang với những loại rượu tây này, rượu Tây kia, toàn những cái tên lằng nhằng khó lọt lỗ tai, nào là Laben, nào là Cônhắc, nào là Elizabet... Ôi chà chà!

Với ông chỉ có rượu các cụ ngày xưa để lại là thơm, là ngon. Mở nút chai bằng lá chuối khô ra hương đã tỏa khắp nhà. Uống vào say thì say chứ cấm có buốt đầu, rức óc bao giờ thế mới là rượu chứ! Giờ đây rượu Trương Xá, Nàng Vân, Văn Thai... vẫn ngon đáo để nhưng bị trà trộn giả thật lung tung chẳng còn ra làm sao cả. Rượu Tây có cái chai, cái hộp khá đẹp, màu sắc cũng hấp dẫn, song cũng bị lừa, bị giả. Thế thì còn ra làm sao nữa!

Nay thằng con ông cậy đi làm cho hãng này, hãng khác, có ít tiền kháo với bạn bè Tết này phải chơi rượu ngoại. Ông nghe ngứa tai lắm song bàn với chúng chưa chắc đã được hưởng ứng. Mẹ bố chúng bay! Chúng bay cũng đua đòi làm sang làm mẽ đây! Ông thì cứ nhất hạng nếp cái hoa vàng tự nấu lấy, không nấu được thì ông gửi mua bên Trương Xá hoặc Văn Thai. Ông nhờ mua tại nhà người quen để không bị pha tạp lằng nhằng.

Cuối cùng ông cũng có đem ý ấy bàn với thằng con liền bị nó gạt đi bằng những lời lẽ chẳng chút lễ độ: Nào là bố cổ hủ! Nào là bố quê mùa! Nào là thời nay thứ gì chẳng hướng ngoại chứ riêng gì rượu. Mà làng ta lên phố rồi! Xã lên phường. Một phần huyện thành quận. Bố chẳng thấy đổi thay lớn lao à? Ông chối lắm. Nhưng đành chịu. Chúng làm ra tiền. Chúng đòi hưởng thụ. Âu cũng là lẽ thường. Ông già rồi tụt hậu so với bọn trẻ cũng đành vậy!

Tết chưa đến chúng đã tụ tập nhau vui vẻ. Đầu tiên là lễ Noel. Rồi Tết năm mới Dương lịch. Rồi ông Táo, ông Công lên trời. Ngày này quả là long trọng! Gia đình nào chẳng cúng khấn. Chúng được thể. Chúng kéo tới nhà ông năm, sáu đứa với hai chai rượu Tây. Chúng mời ông bằng được. Thôi thì ngày vui. Lỡ lòng nào cấm ngăn con trẻ. Chúng ép quá ông cũng nâng chén nhấm nháp. Một nhấp. Hai nhấp. Đến nhấp thứ ba ông đặt chén xuống... khiến thằng con ngạc nhiên:

- Sao vậy bố?

Cũng chưa phải là năm mới chẳng cần kiêng kỵ gì nên ông nói thẳng:

- Chai rượu này bao nhiêu tiền hả mày?

Bọn trẻ ngơ ngác:

- Sao bố hỏi vậy? Vui là chính. Tiền nong có gì quan trọng lúc này.

Ông gằn giọng:

- Bố hỏi thì chúng bay có việc trả lời. Đừng vặn vẹo lại như thế.

Thằng con giọng thẳng đơ:

- Nhưng việc gì bố cứ phải như vậy. Chúng con đang vui!...

Ông hỏi, giọng đã bình tĩnh trở lại:

- Bố nghe nói chai rượu này hai hay ba trăm ngàn. Ngần ấy tiền tao mua được ba mươi chai rượu như thế này. Có khi còn ngon hơn và bổ hơn.

Bọn trẻ cười xòa cho rằng người già xót của thì ông Tùng thêm:

- Tao dám chắc đây là rượu giả. Uống chát lắm. Bố cũng uống thứ này vài ba lần khi được mời dự hội nghị đại biểu những người cao tuổi thành phố do Mặt trận tổ chức. Bữa ấy ông Chủ tịch có đãi chai rượu Tây hệt thế này... Rồi một lần khác nữa... Thứ ấy là rượu thật. Uống nó khác kia. Thứ này na ná như rượu Trương Xá, na ná thôi, chứ cũng không hoàn toàn đúng... Chúng bay mua ở đâu?

Một thằng bạn của con trai ông đáp:

- Trương Định ạ!

Ông già gật gù:

- Được lắm! Cháu nhớ nhà hàng ấy chứ?

- Nhớ ạ! Nhưng bác hỏi làm gì ạ?

- Phải tìm ra nguồn gốc rượu giả. Phải trị kẻ lừa gạt!

Bọn trẻ cười òa. Chúng còn vui hơn vì thấy ông già tỏ ra hăng hái. Chúng đang ngất ngưởng thăng hoa. Rượu này uống vào là nhất trần đời. Cái mác danh giá kia đang tâng bốc chúng lên tận mây xanh thì hãy cứ bay đi, là là, cao cao, vun vút, trời đất với chúng lúc này cũng chỉ bằng quả bưởi, quả bòng chứ mấy. Ông già nếm thử hai lần nữa tin rằng rượu này không pha hóa chất, chỉ là Nàng Vân trộn lẫn Trương Xá chẳng có độc tố gì song chẳng lòe được những người như ông.

Ông giận bọn vô đạo đức này lắm. Chúng lợi dụng ngày Tết... là cán bộ Mặt trận nhiều năm ông quyết không cho bọn chúng lừa gạt. Ông lên quận. Ông vào gặp thanh tra, quản lý thị trường và cả công an. Rồi ông lên thành phố. Cùng với tờ hóa đơn mua hàng thằng con đưa cho ông đòi phải làm ra lẽ và phải ngăn chặn kịp thời kẻo không từ hôm nay càng nhiều người sắm Tết tất càng nhiều người bị lừa. Ông yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Ông khẳng định sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lời tố giác của mình.

Tổ thanh tra liên ngành tới hiện trường. Chẳng khó khăn gì để phát hiện rượu giả. Vấn đề quan trọng là tìm ra nguồn gốc thứ hàng man trá này. Còn năm ngày nữa là Tết. Không ngăn chặn kịp thời thì đâu chỉ hàng chục mà hàng trăm, hàng nghìn chai rượu với mác thượng hảo hạng nhập từ trời tây xa xôi mà ruột thì biết đâu có khi độc hại đến với mỗi gia đình. Xuân như thế đâu còn gọi là xuân nữa. Chủ hàng đang khai nguồn nhập thì một xe ôtô chở rượu từ đại lý đỗ ngay trước cửa. Mấy két định đưa xuống được tạm giữ để kiểm tra...

Rất nhanh chóng người ta đã phát hiện ra lò rượu giả ở một địa điểm giữa lòng thành phố. Toàn bộ tang chứng vật chứng được thu. Ông già được trả thù lao những ngày giúp cơ quan chức năng làm nhiệm vụ nhưng khi nghe nói tới tiền thưởng thì ông kiên quyết từ chối. Ông chỉ xin một vỏ chai, vỏ hộp Blach laben cùng nút chưa đóng nhưng phải nguyên vẹn. Cán bộ thanh tra hỏi: Để làm gì ạ? - Ông trả lời bình thản: Để làm kỷ niệm.

Kỷ niệm quái gì thứ này! - Ông Tùng nghĩ vậy và nhờ người phóng xe chở mình đi Văn Thai, tới gia đình người quen chuyên nấu rượu Tết, đặt mua đầy chai đúng loại nếp cái hoa vàng, đóng miệng chai đúng kỹ thuật, cho vào hộp, dán nhãn, dán mác cẩn thận và ra về. Ông đặt chai rượu ấy lên bàn thờ. Thằng con trai hỏi:

- Bố cúng bằng rượu Tây à?

Ông đĩnh đạc:

- Quan trọng là rượu thật. Rượu Tây hay rượu ta quan trọng nhất vẫn là rượu thật.

Thằng con vặn vẹo:

- Bố có chắc đây là rượu thật không?

Ôn già vui vui:

- Thật trăm phần trăm con ạ! Rồi con sẽ biết nó khác với rượu giả như thế nào.

Ngày mồng hai Tết năm ấy mấy thằng bạn con ông lại tụ tập vui say trước khi chia tay nhau đi làm ở nơi này nơi khác. Ông cho phép chúng mở chai rượu quý. Chúng uống say và khen ngon. Chúng bảo thứ này mới là rượu thật còn bữa trước giả một trăm phần trăm. Ông già hóm hỉnh: Nhưng ta chỉ mua chai rượu này có ba mươi ngàn! - Bọn trẻ cho rằng ông đang nhạo báng chúng. Ông kể lại đầu đuôi câu chuyện.

Chúng cười rõ to, đầy khoái trá, có thằng cúi xuống nói là xin bái phục ông già. Có thằng bảo ông cứ giữ lấy chai và hộp để mua rượu Văn Thai đóng vào đánh quả thì ông gạt đi: Không! Ta uống rượu thật nên phải sống thật. Rượu Văn Thai cứ đóng chai nửa lít và nút lá chuối. Để lâu. Uống ngon và thơm. Rượu các cháu mua bữa trước như bị móc túi mất tiền và quan trọng hơn là giả nên... chát lắm!

Truyện ngắn của Tô Đức Chiêu