Chàng trai "Ngưng ngược đãi" Hạ Hồng Việt: Tôi cũng từng bị ngược đãi

ANTĐ - Ngược đãi - khái niệm tưởng chỉ được hiểu theo ý nghĩa dùng bạo lực, đánh đập người khác đã được Hạ Hồng Việt - chàng sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội định nghĩa lại bằng những hình vẽ rất giản đơn mà khi xem, nhiều người nhìn thấy mình trong đó. 

Những nỗi đau không được thừa nhận

“Mọi người thường hiểu ngược đãi là một điều gì đó rất to tát, nhưng ngược đãi rất đơn giản, đó là việc tự cho mình quyền làm tổn thương người khác bằng lời nói”. Đó chính là những điều mà Hạ Hồng Việt - người sáng lập ra chiến dịch truyền thông “Ngưng ngược đãi” đang gây sốt trong cộng đồng mạng chia sẻ.

Khởi nguồn từ việc tình cờ nhìn thấy một trang web chia sẻ bộ ảnh có thông điệp ý nghĩa với cụm từ “Stop Bullying” (hãy ngừng bắt nạt người khác), chàng sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đã nảy ý định thực hiện chiến dịch “Ngưng ngược đãi” dành cho người Việt Nam.

Chàng trai "Ngưng ngược đãi" Hạ Hồng Việt: Tôi cũng từng bị ngược đãi ảnh 1

Ngược đãi - khái niệm tưởng chỉ được hiểu theo ý nghĩa dùng bạo lực, đánh đập người khác đã được Việt định nghĩa lại bằng những hình vẽ rất giản đơn mà khi xem, nhiều người nhìn thấy mình trong đó. 

Ngược đãi, đó là miệt thị người khác trên mạng xã hội. Ngược đãi, đó là dè bỉu những người không cùng quan điểm. Ngược đãi, đó là chửi rủa, sỉ vả những con người không mảy may làm tổn thương đến họ... Hay đến những hoàn cảnh cụ thể như “Cụ già bạn đem làm trò đùa vì những vết sẹo xấu xí. Ông ấy chiến đấu cho đất nước”, hay “Người đàn ông bạn cười vì anh ấy đang khóc. Mẹ anh ta vừa qua đời”… cũng được đưa ra làm dẫn chứng xác đáng cho hành vi ngược đãi trong cộng đồng. 

Hạ Hồng Việt khi làm cố vấn cho “Beautiful Mind Vietnam” - một dự án cung cấp sức khỏe tâm lý cho mọi người đã nhận thức rõ hơn về sự “ngược đãi”.

Chàng trai "Ngưng ngược đãi" Hạ Hồng Việt: Tôi cũng từng bị ngược đãi ảnh 2

Hình ảnh vận động cho chiến dịch “Ngưng ngược đãi”

Trong xã hội  ngày nay người trẻ dường như cảm thấy dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy bị cô lập khi gặp phải những điều tác động không tốt đến tâm lý của họ. Đó là một bạn trẻ bị trầm cảm khi sống trong cảnh thờ ơ, bị ghẻ lạnh hết ngày này sang ngày khác sau khi cha mẹ ly dị. Đó là một cô gái từ cân nặng bình thường đã sụt xuống 20kg vì bị bạn bè, những người xung quanh chê béo…

Việt cho biết: “Hầu hết những người bạo hành về thể xác đều có thể tự vượt qua. Còn sự ngược đãi về tinh thần, khi phải đối diện với những cái vô hình, những “nỗi đau chưa được định nghĩa” thì họ rất khó giải quyết. Bởi vậy, họ lâm vào bế tắc”. 

Nổi tiếng nhờ ảnh “chế”

Chính thức ra đời ngày 4-6-2015, nhưng số lượng người yêu thích “Ngưng ngược đãi” trên  facebook đã tăng vùn vụt và đến thời điểm này đạt ngưỡng hơn 65.000 lượt “likes”. Thậm chí, có hẳn một trào lưu “chế” ảnh, “chế” những dòng trạng thái (status) ăn theo “Ngưng ngược đãi” hài hước kiểu như “cô nàng mà bạn luôn hỏi “Bao giờ lấy chồng”, cô ấy còn chưa có người yêu”… cũng được cộng đồng mạng hưởng ứng.

Chàng trai "Ngưng ngược đãi" Hạ Hồng Việt: Tôi cũng từng bị ngược đãi ảnh 3

Hạ Hồng Việt chia sẻ thêm về trào lưu này, mặc dù nó sai lệch so với định hướng ban đầu, nhưng nhờ đó mà “Ngưng ngược đãi” lại được nhiều người biết đến hơn. 

Để chứng minh không chỉ là kêu gọi suông, Hạ Hồng Việt và “Ngưng ngược đãi” đã lên tiếng trong nhiều sự kiện mà người đọc quan tâm. Chẳng hạn như hoa hậu Kỳ Duyên bị dư luận chỉ trích gay gắt khi bị tung bức ảnh dáng ngủ có phần thiếu ý tứ của mình trên Internet. Hay việc nữ sinh sinh năm 2000 tự tử khi bạn trai phát tán đoạn video nhạy cảm lên mạng.

Hồng Việt cho biết: “Ngay khi vụ việc của em nữ sinh được chúng tôi đưa lên, một bạn nữ cũng chia sẻ đã gặp trường hợp tương tự. Bạn đã đứng trên tòa nhà cao tầng, chuẩn bị tự tử. Nhưng khi ấy, bạn nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của người thân, bạn bè bênh vực, động viên, khuyên giải nên đã suy nghĩ lại”. 

Hạ Hồng Việt cũng nhiều lần bị ngược đãi, bị trêu chọc, bị phán xét với vóc dáng bé nhỏ 1m56 của mình. Nhưng Việt đủ bản lĩnh để vượt qua và chấp nhận thực tế. Bởi chàng sinh viên này cũng tin vào tinh thần của “Ngưng ngược đãi” đang truyền tải, rằng không ai có quyền làm tổn thương người khác. Chỉ một câu nói đùa vô ý cũng có thể ám ảnh một người trong một thời gian dài, dẫn đến những chấn thương về tâm lý, buộc họ phải phản kháng. Vậy tiếc gì mà không nghĩ kỹ trước khi nói.