Cha tôi - Người thầy đầu tiên

ANTĐ - Thế là cha tôi mất đã được 5 năm, chúng tôi vừa khánh thành  “Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân” cho cha ở Ngõ 424 nhà số 35 Trần Khát Chân-Hà Nội. Thành Chương em tôi cũng vừa khai trương Nhà tưởng niệm cho cha tôi ở trên Phủ Thành Chương. Bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm về cha tôi cùng ùa về.

Nhà văn Kim Lân cùng con gái Nguyễn Thị Hiền

Cha tôi là người thầy đầu tiên đưa tôi, Thành Chương và các em tôi vào con đường hội họa. Cha là người rất khoáng đạt, hiện đại, giản dị, tôn trọng quan điểm riêng của các con, nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, khắt khe trong việc học hành của chúng tôi. Nhớ những năm tháng tôi cùng Thành Chương cắp cặp đi vẽ cùng nhau - phố Khâm Thiên, sông Hồng, phố cổ, tối tối ra ga Hàng Cỏ ký họa những người chờ tàu xe với các dáng nằm, ngồi ngổn ngang, nhớ những bài vẽ tĩnh vật tại nhà và người nhận xét đầu tiên là cha tôi.

Cha tôi dạy chúng tôi phải chăm chỉ học giỏi trong nghề nhưng phải biết giữ phẩm chất của người nghệ sỹ, không chạy theo danh lợi, không chạy theo thị hiếu nhất thời, không a dua bắt chước để đánh mất mình “và các con luôn nhớ trong khi sáng tác các con phải tự do và là chính mình”, rồi cha tôi còn đưa tôi và Chương đến nhà bác Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Sỹ Ngọc, Văn Cao, Dương Bích Liên,… để các bác nhận xét, chỉ dạy cũng như ngồi xem các bác vẽ để học hỏi. Sau này vào trường Mỹ thuật Hà Nội - ngày nào chúng tôi cũng cắp cặp cùng nhau sáng tối đi về. Những ngày em tôi đi bộ đội gửi lại người yêu ở nhà cho tôi chăm sóc. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu gắn bó từ tuổi ấu thơ, đến lúc trưởng thành, rồi chiến tranh, sơ tán, hòa bình, vui sướng, nhọc nhằn, những chia sẻ trong nghệ thuật, sự cộng hưởng trong ý tưởng. 

Nhớ khi chuyển vào TP.HCM công tác theo yêu cầu của Xưởng Mỹ thuật Quốc gia, tôi vào liên doanh với công ty du lịch Vũng Tàu. Một khu du lịch có biển, có bãi cát, cánh đồng rộng và núi đá. Tôi đã bàn với công ty du lịch để làm một khu gọi là “ Không gian văn hóa Việt Đồng bằng Bắc bộ”. Tôi đã cùng chồng viết một bản dự án gồm: khu nhà sàn các dân tộc miền núi, nhà 3 gian 5 gian Bắc bộ, sàn gạch, cầu đá, nhà bát giác giữa hồ, giếng nước, ao làng, khu múa rối nước, khu hát chèo, quan họ, chầu văn, tường đá ong, nhà đất nện như nhà của cha mẹ tôi khi xưa trên đồi Văn nghệ Nhã Nam, Yên Thế. Cha tôi thích lắm và ông đã góp ý rất nhiều chi tiết cần thiết, thậm chí ông còn vào TP.HCM để trao đổi với vợ chồng tôi về khu văn hóa Việt này. Sau nhiều lần xét duyệt, họp lên họp xuống, cuối cùng dự án được Khu du lịch chấp nhận và đồng ý cho làm ở khu Bình Giã Vũng Tàu, khoảng 2 đến 3ha. 

Tôi gọi các em tôi vào TP.HCM. Nguyễn Mạnh Đức, Từ Ninh, Thành Chương đều là họa sỹ, am hiểu tìm tòi những nhà sàn, nhà cổ mà dân muốn bán. Cả nhà rất háo hức về dự án này. Tôi cùng Thành Chương, Thanh Quý (vợ cũ của Chương) ra Vũng Tàu nhiều lần để tham khảo khu đất. Nhưng rất tiếc sau đó dự án không thực hiện được vì không đủ vốn. Nhà đất nện, nhà sàn, hồ và nhà bát giác, cầu đá ao làng, khu nhà 5 gian 3 gian Bắc bộ… như dự án ban đầu của tôi định làm ở Vũng Tàu nay đã được Chương bằng nghị lực của mình dần dần tạo dựng nên. Lòng tôi xốn xang nghĩ tới dự án năm xưa của mình không thực hiện được, nay đã hiện hữu ở Phủ của Chương. Cũng tại Phủ này, năm 2010 tôi đã tổ chức Triển lãm “Những con chữ ở trên Phủ với 55 bức tranh sơn mài đưa ký tự chữ viết của 55 nhà văn, nhà thơ, họa sỹ… vào trong tranh nhân Kỷ niệm chào đón 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. 

Chương vừa khánh thành 1 Không gian tưởng niệm trên Phủ, đưa chữ trong sách của cha tôi lên tường trong một không gian trắng - một tác phẩm sắp đặt rất đẹp. Trước đó mấy tháng, chúng tôi cũng đã khánh thành “Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân” tại ngõ 424 nhà số 35 Trần Khát Chân - Hà Nội. Lại nhớ lời cha tôi dặn: “Các con là 7 người con của cha mẹ, các con phải luôn nhớ dù cha mẹ có mất rồi, dù bất kỳ điều gì xảy ra và sẽ xảy ra, các con nhớ hãy luôn luôn đoàn tụ cùng nhau trong một gia đình, giữ nếp nhà, chị em đoàn kết gắn bó bảo ban nhau để bảo tồn truyền thống gia đình. Các con có đứa thành tài, nổi tiếng, giàu có hay nghèo khó, không tên tuổi, thành công hay thất bại, dù gì các con hãy luôn nhớ, các con có thể là người bình thường trong xã hội, nhưng các con không bao giờ được là người tầm thường và các con phải là người tử tế”. Nhớ lời cha dặn, chúng tôi làm nhà lưu niệm cho cha, trước hết là cho gia đình con, cháu có nơi gặp gỡ, đoàn tụ gắn bó cùng nhau, một nơi để về như ngôi nhà số 6 Hạ Hồi gắn bó lúc tuổi thơ, tuổi trẻ một thời.

Cha tôi ra đi đã được 5 năm, lời dặn của ông, nếp sống của ông một đời thanh bạch, không bon chen, không bán văn vì tiền, một nhân cách sống, một tài hoa, một người tử tế để chúng tôi noi theo. 

Ông là nhà văn của làng quê, của những người nông dân thuần phác, trong sáng, hướng về những điều cao đẹp, nhà văn của những phong tục tập quán, thú vui dân gian vùng Kinh Bắc hào hoa, phong lưu tao nhã, đẹp đẽ, hào hùng và nhân hậu.

Nhà lưu niệm với những kỷ vật của cha cũng là nơi chúng tôi, con cháu của ông nhớ về ông và có thể tự hào về cha, ông mình, là nơi để bạn bè ông, những người yêu mến văn chương của ông, con người ông, những học sinh sinh viên từ các nhà trường học văn của ông đến thăm ông như những người bạn chân tình, như lúc ông vẫn còn sống. Cha tôi đã sống một cuộc đời vượt ngưỡng tin yêu. Nhà văn Nguyên Hồng bạn tri kỷ của cha tôi khẳng định “Kim Lân là một nhà văn một lòng đi về với đất, với thuần hậu nguyên thủy”.