Cha đẻ “Hancock” đến Hà Nội   

(ANTĐ) - Vincent Ngô sinh năm 1966 tại Sài Gòn (Việt Nam), anh cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1975 và cho đến nay, thi thoảng anh vẫn về Việt Nam. Tốt nghiệp Thạc sỹ Nghệ thuật tại Đại học California Los Angeles (UCLA).

Cha đẻ “Hancock” đến Hà Nội   

(ANTĐ) - Vincent Ngô sinh năm 1966 tại Sài Gòn (Việt Nam), anh cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1975 và cho đến nay, thi thoảng anh vẫn về Việt Nam. Tốt nghiệp Thạc sỹ Nghệ thuật tại Đại học California Los Angeles (UCLA).

Trước khi tốt nghiệp anh đã có ba tháng để hoàn thành kịch bản “Tonight, he comes” - tiền thân của bộ phim bom tấn “Hancock” được giới phê bình điện ảnh Hollywood đánh giá cao. Anh vừa đến Hà Nội để tham gia thỉnh giảng cho một lớp học điện ảnh. Dưới đây là câu chuyện về cuộc hành trình hơn mười năm của bộ phim bom tấn “Hancock”.

Vincent kể rằng hồi còn học PTTH anh học toán rất kém nhưng có khả năng về các ngành xã hội. Anh tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Đại học California tại Irvine (UC Irvine) và Thạc sỹ Nghệ thuật tại Đại học California Los Angeles (UCLA). Trong thời gian học tại Đại học UCLA anh bắt đầu có ý định viết một nhân vật “phản anh hùng” nhằm làm mới các anh hùng siêu phàm trên màn ảnh Hollywood. Cùng thời điểm này anh bắt buộc phải có kịch bản tốt nghiệp, từ ý tưởng anh viết “Tonight, he comes”. Sau ba tháng vật lộn, khi gấp trang bản thảo cuối cùng anh cảm thấy một nỗi đau trĩu nặng, sự vất vả kinh người và chợt nghĩ nghề viết quá vất vả nên không theo.

Tốt nghiệp ra trường đã 6 tháng, gia đình cũng không phải khá giả lắm mà mỗi ngày nhìn bố mẹ vất vả khiến anh suy nghĩ. Lúc bấy giờ đi ra ngoài, trong túi không có đồng tiền nào nên nghĩ đến chuyện kiếm tiền giúp gia đình. Thế là anh lại lôi kịch bản “Tonight, he comes” ra. Trong đầu anh cũng hình thành một ý tưởng khác với tên gọi “The book of Owen”. Đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc viết lại cái cũ, hoặc triển khai cái mới, cuối cùng vì lười biếng anh sửa tiếp cái cũ. Ba tháng nữa trôi qua và đến lúc này anh tạm hài lòng với phần mới của mình.

Anh gửi kịch bản cho người bạn mà theo anh biết thì bạn mình có quen người đại diện của một nhà sản xuất. Ba hôm sau anh được người đại diện gọi lên, ông muốn giới thiệu anh với một số đối tác của mình. Chính người này cũng gửi kịch bản của anh cho một số tên tuổi tiếng tăm bấy giờ, ai cũng bảo rất thích kịch bản phim của anh nhưng nó hơi nặng nề nên không mua và chỉ trả tiền đọc kịch bản thôi (mỗi lần đọc trả khoảng 20.000-30.000 USD).

Năm 1995, anh gặp đạo diễn Tony Scotto nhưng cuộc gặp đó cũng chưa đưa lại kết quả gì như mong muốn. Vì vậy anh vẫn là người thất nghiệp và kiếm tiền bằng cách dạy tiếng Mỹ cho một số người Nhật. Năm 1996, Vincent gặp lại đạo diễn Tony Scotto và bắt đầu công việc sửa chữa kịch bản (ở Holywood gọi những người làm việc này là “Bác sỹ kịch bản”) cho vị đạo diễn tài ba này.

Phải trải qua gần 10 năm, sau khi đã qua tay nhiều đạo diễn tên tuổi như Tony Scotto, Michael Mann, kịch bản của Vincent Ngô mới được nam tài tử Will Smith đọc và thật bất ngờ, Will Smith đã cùng với nhà sản xuất Akiva Goldsman mua “Tonight, he comes” để chuyển thành phim bom tấn (những phim có mức đầu tư trên dưới 100 triệu USD). Giúp sửa kịch bản cho Vincent Ngô là hai biên kịch nổi tiếng Gilligan và John August, qua nhiều lần thay đổi cuối cùng “Tonight, He comes” được đổi tên thành “Hancock”. “Hancock” khởi quay từ tháng 7-2007 với kinh phí 80 triệu USD do Peter Berg đạo diễn. Bộ phim với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao da màu Will Smith và Chalize Theron mà theo thống kê thì chỉ trong ngày công chiếu đầu tiên (ngày 2-7-2008) bộ phim đã thu về 17,4 triệu USD trên 3.695 điểm chiếu.

Kịch bản “Hancock” giá bao nhiêu là một câu hỏi mà không có cách nào để hy vọng Vincent sẽ trả lời. Tuy nhiên theo tiết lộ của những người làm nghề tại Hollywood và cả tờ New York Post thì khoảng hơn 3 triệu USD. Khi bộ phim chuẩn bị ra mắt khán giả thì anh về Việt Nam và đi cùng đoàn làm phim “Dòng máu anh hùng”, sau 6 tháng đi khắp các tỉnh Nam bộ anh cũng thấy phấn chấn hơn với công việc của mình. Được hỏi lý do về Việt Nam trong thời điểm phim ra mắt thì anh chỉ cười, tuy nhiên theo lời người bạn thân với anh thì vì sợ phải tiếp xúc với báo giới, sợ phải lộ mình. Có đại diện của New York Times đến tận TP.HCM để tìm anh nhưng không được. Trên báo chí khắp thế giới, chẳng mấy khi người ta thấy hình của anh, anh từ chối trả lời phỏng vấn của bất kỳ cơ quan truyền thông nào. Chính các phóng viên của New York Post, New York Times cũng chỉ còn cách hỏi về anh qua các người bạn như Dustin Nguyễn, các cộng sự, các nhà sản xuất hay các đạo diễn khác. Trong các buổi họp báo ra mắt đoàn phim hay tiệc tùng, nơi đông người, ít khi nào thấy Vincent Ngô xuất hiện. Ngay cả khi anh bước chân vào lớp học mà mọi người vẫn không hề biết đó là “cha đẻ” của “Hancock”, giản dị và im lặng là cốt cách của Vincen Ngô.

Có 2 điều mà Vincent Ngô không bao giờ chịu tiết lộ đó là thu nhập và công việc từ thiện của mình. Lúc nào anh cũng làm cho người đối diện nghĩ rằng đây là một con người rất bình thường, chẳng có gì đặc biệt hay nổi bật cả. Nếu có xe ôm thì đi xe ôm, gần thì đi bộ, kẹt lắm mới đi taxi, chi tiêu rất tiết kiệm. Ngay trong ngày công chiếu “Hancock” (1-8) tại TP.HCM, anh cũng lựa suất cuối (21h35) để cùng một người bạn thân đến Galaxy Nguyễn Du mua vé xem kịch bản của mình lên phim. Tất cả khán giả đều biết đến người đi cùng nhưng Vincent Ngô - “cha đẻ” của nó thì không ai biết.

Nếu mọi việc đúng như kế hoạch, năm 2010 anh cùng với những người bạn của mình sẽ làm phim đầu tiên tại Việt Nam. Anh cho biết đây là một câu chuyện hoàn toàn cá nhân, không làm theo đặt hàng của bất kỳ ai.

Nhìn hình ảnh của Vincen Ngô bên ngoài và những thành công anh đã đạt được thì người Việt Nam có thể tự hào mà ngẩng cao với một người Mỹ gốc Việt, tác giả kịch bản đầu tiên đủ tự tin bước chân vào kinh đô điện ảnh Hollywood bằng chính tài năng của mình.                     

Tiểu Linh