Cây vẽ “già”, nhà văn “trẻ”…

(ANTĐ) - Giới họa sĩ trong nước không ai lạ lẫm gì Đỗ Phấn - người đã có gần 40 năm cầm bút vẽ. Rồi một ngày đẹp trời, ông rẽ lối sang văn chương, ban đầu là vài tập truyện ngắn, bạn bè hỏi, ông đáp lửng lơ "viết chơi thôi", nhưng cái chơi lại hóa thật khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông - "Vắng mặt" đã lọt vào chung khảo giải thưởng văn Bách Việt cùng nhiều tên tuổi văn chương lớn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

Họa sỹ Đỗ Phấn:

Cây vẽ “già”, nhà văn “trẻ”…

(ANTĐ) - Giới họa sĩ trong nước không ai lạ lẫm gì Đỗ Phấn - người đã có gần 40 năm cầm bút vẽ. Rồi một ngày đẹp trời, ông rẽ lối sang văn chương, ban đầu là vài tập truyện ngắn, bạn bè hỏi, ông đáp lửng lơ "viết chơi thôi", nhưng cái chơi lại hóa thật khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông - "Vắng mặt" đã lọt vào chung khảo giải thưởng văn Bách Việt cùng nhiều tên tuổi văn chương lớn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

- PV: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, từng có thời gian làm giảng viên Đại học Xây dựng... Xem ra những gì ông được đào tạo chẳng liên quan gì tới văn chương cả?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Văn chương là thứ tôi thích và mê từ thuở bé. Thời gian trước, tôi làm nghề dạy học, rồi vẽ để kiếm sống, để nuôi gia đình. Giờ mọi thứ đều đã ổn định, con cái cũng trưởng thành rồi nên tôi mới có điều kiện để viết. Như mọi người đều biết, có rất ít nhà văn chuyên nghiệp sống được bằng nghề. Viết văn như tôi, hoàn toàn để chơi, để thư giãn thôi.

- PV: Nói thế nghĩa là với ông, văn chương chỉ giống như một cuộc dạo chơi?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Cũng không hẳn là vậy. Văn chương cũng là thứ lao động vất vả. Đó cũng là cách mà tôi muốn thể hiện những suy nghĩ và cảm nhận của mình về cuộc sống. Hội họa là thứ ngôn ngữ khác, còn ngôn ngữ viết nhiều khi cũng có sứ mệnh riêng, có cái hay ho vui thú riêng.

- PV: Trong tiểu thuyết đầu tay “Vắng mặt”, ông viết về những người trí thức nơi thành thị. Đó phải chăng là cuộc sống mà ông “mắt thấy tai nghe”?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Đó là cuốn sách hoàn toàn do tôi hư cấu, vì thế mà ngay đầu cuốn sách tôi đã đề là “hư cấu hoàn toàn”. Các nhân vật của tôi được nhào nặn từ rất nhiều nguyên mẫu. Ai đọc cũng sẽ thấy một chút mình trong đó. Cuốn sách nói về một thành phố đã thay đổi quá nhiều từ con người, cảnh vật qua dòng chảy thời gian. Mọi thứ đều đảo lộn cả. Đến mức, bản thân cư dân của thành phố ấy không còn nhận ra mình nữa, họ trở thành người "vắng mặt" trong cuộc đời. Đó không phải là câu chuyện liền mạch mà đứt đoạn. Có khoảng 7 nhân vật, mỗi người một công việc, số phận, sở thích, bị nhào trộn trong cuộc sống vất vả.

“Vắng mặt”- một trong 3 cuốn tiểu thuyết lọt vào chung khảo giải văn Bách Việt

 “Vắng mặt”- một trong 3 cuốn tiểu thuyết lọt vào chung khảo giải văn Bách Việt

- PV: Cuốn sách của ông viết nhiều về đàn bà, lại cũng không ngại đề cập đến “sex”. Nếu ai đó nói đây là chiêu hút khách, ông có ý kiến thế nào?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Nếu đọc sách của tôi thì họ sẽ hiểu "Vắng mặt" có dùng “sex” để hút khách không. Thực ra, đó chỉ một cách đề cập đến giai đoạn cuối của mỗi mối quan hệ, mỗi cuộc tình. Nồng độ của nó loãng lắm, có đọc mới biết hết được. Tôi không viết văn vì tiền, vì thế không cần câu khách làm gì cả!

- PV: Nhiều nhà văn tâm sự viết về “sex” khó vô cùng, bởi ranh giới giữa nghệ thuật và phàm tục chỉ cách nhau có… nửa bước chân. Cầm bút viết rồi, ông nghĩ sao?

- Nhà văn Đỗ Phấn:  Tôi có lợi thế hơn các nhà văn chuyên nghiệp là "điếc không sợ súng" (cười), tôi viết bằng sự hiểu biết và trải nghiệm của mình. Trong sách của tôi có nhiều đoạn đề cập đến chuyện “sex” nhưng không đề cập theo nghĩa đen mà chỉ dùng nó để nói về sự ê chề của những nhân vật. Phải ê chề đến mức nào đó mới đẩy nhân vật tới mức "Vắng mặt" chứ. Đó không phải tình dục mà là vấn đề khác, nhờ có nó mà nhân vật mới hiển hiện lên một cách xác thực được.

- PV: Ông thấy sao khi được gọi là “nhà văn trẻ” khi tóc trên đầu đã bạc gần hết?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Tôi thấy vui, giờ tôi chả còn ham muốn gì lớn lao cả. Thực ra, văn chương tiếng là khắt khe nhưng ai cũng có thể tiếp cận được. Hội họa thì khó hơn. Các nhà văn giơ bút lên… vẽ cũng phức tạp lắm bởi cảm hứng trong văn chương còn có thể làm cho người ta hiểu được, chứ cảm hứng trong mỹ thuật chỉ cho 1% kết quả thôi.

- PV: Ông có bất ngờ không khi nhận tin tác phẩm đầu tay của mình lọt vào chung khảo giải văn Bách Việt?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Thực ra tôi không có định tham gia đâu. Khi “Vắng mặt" hoàn thành, tôi đưa bản thảo cho nhà văn Nguyễn Việt Hà đọc thử, thế rồi cậu ấy gửi đi. Khi nhận tin, tôi có chút bất ngờ. Tôi cũng không nghĩ rằng mình có thành tựu gì trong văn chương, đó chẳng qua là cách tôi giải tỏa, chia sẻ cùng bạn bè một số điều trong cuộc sống.

- PV: Dự định của ông trong thời gian tới?

- Nhà văn Đỗ Phấn: Tôi đang chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết thứ 2 mang tên “Rừng người”, dày khoảng 400 trang. Câu chuyện cũng xoay quanh đời sống của những trí thức và người dân thành thị. Cuốn tiểu thuyết thứ 3 tạm gọi là “Trần gian đếm bước” cũng đang được hoàn thành.

Vân Quế (Thực hiện)