Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam:

Cạnh tranh là lành mạnh!

ANTĐ - “Nhiếp ảnh không phải là con đường để tôi khẳng định đẳng cấp hay những thứ đại loại như vậy. Điều tôi quan tâm nhất khi làm một công việc là tôi có thể làm được gì và tôi làm việc ấy có tốt hay không, cái đó mới quan trọng” - nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam chia sẻ cùng An ninh Thủ đô.

Không quan tâm đến bảng xếp hạng

- PV: Gắn bó với nghề nhiếp ảnh đã rất lâu năm, với anh, tình yêu nghề “chín” vào thời điểm nào? Liệu có lúc “chín”, lúc “xanh” không?

- Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam: Tôi yêu nghề từ lúc cầm trong tay chiếc máy ảnh đầu tiên năm 18 tuổi, tình yêu đó vẫn luôn trong tôi cho đến bây giờ. Chỉ khác một điều là suy nghĩ của tôi không như chính tôi của 25 năm về trước, chúng chín chắn hơn và tôi suy nghĩ nhiều hơn trước mỗi cú bấm máy. Điều tôi học được sau suốt những năm tháng đó là: làm gì cũng phải hết mình, làm đến nơi đến chốn. Còn xanh hay chín thì tùy vị giác của mỗi người, muốn ăn nó theo kiểu nào.

- Khi hành nghề, người ta hay cảm thấy khó thở với sự cạnh tranh. Anh thì sao?

- Với tôi cạnh tranh là lành mạnh. Tôi không buồn lúc thấy mình không được chọn cho một buổi chụp nào đó, cũng không vui hơn khi thấy ai đó không đạt được như ý họ muốn, chẳng hạn như khi họ trưng bày sản phẩm ra mà không được người khác đón nhận. Mỗi người trong chúng tôi đều có những thế mạnh riêng để người ta tìm đến. Chúng tôi trưng ra tất cả những gì mình có thể làm được để mọi người cùng biết và lựa chọn. 

- Nếu xét về đẳng cấp của nghề này ở Việt Nam hiện nay anh thấy mình đang ở đâu?

- Tôi không quan tâm lắm đến các con số cũng như các bảng xếp hạng, ngay cả những thứ hay được xếp hạng như bản nhạc hay nhất trong tuần, phim hay nhất trong tháng… vẫn không thu hút được tôi bằng cảm giác đầu tiên khi nghe giai điệu hay xem trailer của bộ phim ấy, nó làm tôi chú ý hơn. Nhiếp ảnh cũng vậy, tôi coi đó như một phương tiện để chuyển tải cảm xúc cá nhân nhiều hơn là dùng nó để kiếm tìm một vị trí hay chỗ đứng trong xã hội. Vậy nên, nhiếp ảnh cũng không phải là con đường để tôi khẳng định đẳng cấp hay những thứ đại loại như vậy. Điều tôi quan tâm nhất khi làm một công việc là tôi có thể làm được gì và tôi làm việc ấy có tốt hay không, cái đó mới quan trọng.

Chụp nude - quan trọng nhất là cảm xúc

- Khi nào thì anh sẵn sàng chụp ảnh nude cho ai đó?

- Một lần nữa lại hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc. Nude không phải là thứ khi mà một ai đó đến trước mặt tôi và nói: “Anh ơi chụp nude em đi” là làm được ngay. Với người khác tôi không biết sự thể sẽ như thế nào, nhưng riêng tôi, nude là một ẩn số. Tôi chỉ có thể cầm máy lên chụp một khi được chuẩn bị tốt tâm lý và kỹ thuật, suy nghĩ hết các cách giải của đề bài đặt ra và chọn được phương án tốt nhất. Nếu một trong hai thứ trên chưa sẵn sàng, việc ấy sẽ bị dừng lại. Thêm vào đó, cảm xúc là điều rất quan trọng, một khi không có cảm giác gì, động cơ hành động không rõ ràng, chụp nude là một cách tốt nhất để… phá hủy cảm xúc cá nhân.

- Với anh, một tấm ảnh nude như thế nào là đẹp, sang trọng và không dung tục?

- Tôi không có bất cứ một mỹ từ nào dành cho nude, bởi bản thân nó đã tự nói lên được nhiều điều mà không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Vẻ đẹp con người với tôi là toàn diện, bất kỳ phần nào của vẻ bề ngoài cũng đều đẹp hết, quan trọng hơn cả là cách người ta suy nghĩ sau khi nhìn thấy chúng. Rào cản duy nhất là những “bảng cấm” trong suy nghĩ của khán giả, những người sẽ xem và đánh giá ảnh của mình. Tôi sẽ tiếp tục với nude cho mọi người khi các “bảng cấm” ấy được dỡ bỏ. Còn bây giờ, tôi chụp cho tôi thôi.

- Giữa một người phụ nữ đẹp và một người đàn ông đẹp, nếu chỉ được chọn chụp một người thì anh sẽ chọn ai?

- Tôi không chọn giới tính, tôi chọn hình thể phù hợp với con đường đang đi, mục đích đang chọn. Một khi chúng phù hợp với những gì tôi đang chuẩn bị, tâm huyết, tôi sẽ chọn người ấy. Vẻ đẹp tựu trung khi chụp nude không chỉ là những đường cong, nó còn bao gồm cả mục đích cuối cùng của việc cầm máy lên chụp là gì. Tôi không chụp vì người mẫu là ai mà vì tôi muốn nói gì, chuyển tải thông điệp gì qua bức ảnh ấy.

- Khi chụp một người có những điểm quá hấp dẫn trên cơ thể thì anh có chiêu nào để giúp mình tránh sao lãng và tập trung vào mục đích chính của việc chụp?

- Một khi chụp, với tôi điểm hấp dẫn nhất là cắt cúp sao cho hình thu được phải chuẩn về bố cục, tạo hình, cũng như đẹp về ánh sáng, để khi vào phần hậu kỳ tôi dành cho việc khác chứ không phải cố công sáng tạo thêm một lần nữa. Trong kỹ thuật chụp nude của riêng tôi, tôi không quan tâm đến người mẫu như một cá thể gây cảm xúc mà quan tâm như một cá thể cần được khám phá bằng một cách nhìn khác, thông qua ống kính.

- Xin cảm ơn anh!