Cần có những hướng dẫn cụ thể

(ANTĐ) - Nghị định 56/CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật này.
Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể để công an cấp cơ sở thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân đăng ký cư trú, đăng ký tạm trú…

 Người dân đăng ký hộ khẩu ( Ảnh minh họa )
 Người dân đăng ký hộ khẩu ( Ảnh minh họa )

Chỗ ở hợp pháp
Trước đây, tại những nơi đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà công dân chuyển đến ở thì không được nhập khẩu. Nay, NĐ 56/CP đã sửa đổi, bổ sung những trường hợp trên được nhập khẩu, tháo gỡ được một số trường hợp nằm trong diện có quyết định thu hồi đất “treo” nhiều năm mà người dân ở đây không được ĐKHK. Chỉ trừ trường hợp công dân chuyển đến chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không được đăng ký thường trú. Về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú đối với các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ, theo NĐ 107/CP thì giữa 2 bên phải có hợp đồng hoặc cam kết. Nay, theo NĐ 56/CP, những trường hợp trên không cần cam kết, nhưng bắt buộc phải có hợp đồng và hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, phường. Riêng đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố Hà Nội, trong hợp đồng phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Về điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, NĐ 56/CP quy định rất cụ thể: Công dân tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên và nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Khác với quy định trước đây là cứ có giấy tờ đăng ký tạm trú tại thành phố 1 năm là được, công dân có thể ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố, chỉ cần chứng minh bằng xác nhận ở các nơi tạm trú và cộng lại đủ 1 năm là được xem xét giải quyết.

Cần tháo gỡ khó khăn
Theo các đơn vị công an cấp cơ sở, việc quy định chặt chẽ về nơi cư trú của công dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng công an quản lý hiệu quả nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên, công an cấp cơ sở có những đề xuất và kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Cư trú. Cụ thể, việc quy định đối với chỗ ở cho thuê, mượn, hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người chưa cụ thể, gây khó khăn cho CSKV phụ trách địa bàn khi trả lời yêu cầu xác minh. Bởi quy định trên không xác định rõ việc tính diện tích tối thiểu bao gồm tất cả số người có tên trong hộ khẩu của chủ nhà (cho thuê, mượn, ở nhờ) cùng với người thuê, mượn, ở nhờ hay là chỉ tính số người đang ở tại nơi đăng ký thường trú.

Đối với các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ, theo NĐ 56/CP thì phải có hợp đồng và hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, phường. Nhưng hiện nay, nhiều nơi không tạo điều kiện chứng thực cho người dân; hay nói cách khác, nhiều UBND cấp xã, phường không xác nhận vào hợp đồng cho người dân. Lý do UBND cấp địa phương đưa ra là UBND thành phố chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề chứng thực hợp đồng cho những trường hợp trên. Mặt khác, nếu hợp đồng được cơ quan công chứng xác nhận, thì việc xác nhận này chưa “chuẩn” bởi công dân ở quận này có thể đến quận khác làm thủ tục công chứng. Và cơ quan công chứng chỉ căn cứ vào giấy tờ, kê khai của 2 bên mà xác nhận; không có sự kiểm tra cụ thể, chính xác về tình trạng chỗ ở hợp pháp có nằm trong diện quy hoạch hay không, cũng như xác định diện tích thuê, mượn, ở nhờ… Về vấn đề này, chỉ có UBND phường, xã sở tại, cụ thể là cán bộ địa chính phường là người thẩm định hồ sơ đảm bảo đúng quy định.