Theo phân tích của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, Đề án tổng thể này là bản quy hoạch lại nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế có nghĩa là, phá vỡ vòng xoáy của bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm tăng trưởng kinh tế, hình thành lại hệ thống phân bổ nguồn lực làm sao đảm bảo nguồn lực khan hiếm được phân bổ vào những nơi sử dụng hiệu quả nhất.
Hiệu quả được hiểu là chi phí ít hơn, tăng trưởng cao hơn, ổn định và bền vững hơn. Chiến lược xuyên suốt trong 7 năm tái cơ cấu là xây dựng hệ thống phân bổ và sử dụng nguồn lực theo tín hiệu thị trường, đặc biệt giảm thiểu những can thiệp không cần thiết từ phía Nhà nước đang làm méo mó thị trường; đồng thời xây dựng các thể chế kiểm soát đủ mạnh để đảm bảo thị trường hoạt động tốt, sửa chữa các “khuyết tật” của thị trường. Yêu cầu quan trọng nhất của công việc tái cơ cấu là gì? Đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tức là các động lực đầu cơ giảm xuống, rủi ro đầu tư dài hạn và đầu tư theo chiều sâu giảm xuống. Từ đó, nguồn lực sẽ từng bước được “lái” từ các hoạt động đầu cơ sang các hoạt động đầu tư dài hạn nhờ đó cải thiện được năng suất lao động.
Theo đúng hướng này, kinh tế càng tăng trưởng thì năng suất lao động càng tăng lên và lợi thế so sánh của nền kinh tế cũng tăng theo. Trong lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư, bản Đề án nhấn mạnh việc mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân phát triển hạ tầng, phát triển ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng. Về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, Đề án đưa ra ý tưởng khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Quy mô và tầm vóc của Đề án tổng thể, rõ ràng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương, đồng thời quá trình thực hiện sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau.
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia, đây không phải là một đề án tổng thể chi tiết, không đưa ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể mà chỉ đặt ra các nguyên tắc, định hướng và biện pháp cơ bản để thực hiện. Tuy nhiên, có thể thấy bản Đề án tổng thể này phản ánh sự “giằng co” giữa tư duy quản lý kinh tế mới và cũ. Chẳng hạn, một mặt Đề án kêu gọi tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất theo tín hiệu thị trường; giảm thiểu sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính. Song mặt khác Đề án vẫn khẳng định phải “tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường”. Liệu điều này có trái ngược với nguyên tắc thị trường và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế? Mục tiêu của Đề án tổng thể đặt ra thực sự là một tham vọng lớn, quan trọng nhất là phải có động lực lớn thúc đẩy các bộ, ngành quyết tâm tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.