Cần “bàn tay” điều phối

ANTĐ - Tái cấu trúc nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ nhấn mạnh trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển năm 2014. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cải cách thị trường tài chính là một mũi đột phá. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định đây là một quá trình khó khăn và tốn kém.

Tại cuộc hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, các diễn giả đều nhất trí, dù tốn bao nhiêu tiền cũng phải tái cấu trúc lĩnh vực này. Cần phải trả lời được câu hỏi: Đã đến lúc cần thiết phải triển khai ngay quy chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hay chưa? Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thẳng thắn nhận định, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự “liên thông” của cả ba khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã làm méo mó và lệch lạc dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và không ít trong số đó nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Mặt khác, các hạn chế về minh bạch thông tin và chuẩn mực kế toán vô hình trung đã tạo điều kiện để sở hữu chéo, đầu tư chéo “phát huy” tiêu cực.

Một số chuyên gia trường Đại học Kinh tế nhận xét, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thời gian qua mới chỉ là cuộc chơi của các “đại gia”. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực, nhưng chủ yếu tập trung ở các ngân hàng lớn, các nhóm ngân hàng mạnh. Các ngân hàng yếu, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chưa “nhúc nhích” đáng kể. Chính phủ đã xác định rõ 3 trụ cột chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, song so với trụ cột tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hai trụ cột còn lại vẫn chậm tiến triển nhất. Có nghĩa là, nếu hai trụ cột này không được đặt song hành với tái cơ cấu ngân hàng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả của trụ cột ngân hàng, bởi có đến 60% các khoản nợ xấu của ngân hàng là của các doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên gia tư vấn tài chính của Bộ Tài chính Đức cho rằng, vấn đề không phải là cách thức tái cơ cấu các doanh nghiệp này mà là cách thức quản lý tái cấu trúc doanh nghiệp. Cách thức quản lý các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thay đổi, chưa được giám sát và kiểm soát tốt. Cần phải làm rõ người chịu trách nhiệm và quy trách nhiệm về một mối. Trách nhiệm và nghĩa vụ không rõ ràng tất nhiên không thể đạt hiệu quả quản lý. Theo vị chuyên gia này, nếu không thay đổi điều này sẽ tốn rất nhiều tiền để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, cơ quan điều hành và cơ quan giám sát phải tách bạch hoàn toàn. Ban lãnh đạo công ty và cơ quan giám sát cũng phải tách biệt.

Khẳng định dù tốn kém bao nhiêu tiền cũng phải tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Song hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần phải có một ban chỉ đạo tái cơ cấu, một “bàn tay” điều phối chung giữa các bên liên quan.