Các vị khách quốc tế hứng thú với nghệ thuật sơn mài Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 14/3 -  ngày kết thúc triển lãm "Hào khí Thăng Long" của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc, nhà sưu tập Phan Minh Hà và các cộng sự đã tổ chức buổi tọa đàm với sự góp mặt của phu nhân, nhân viên các đại sứ quán, các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Nguyễn Hải Yến, Bùi Như Hương, Phạm Trung về nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. 

Buổi tọa đàm diễn ra cởi mở với nhiều câu hỏi được đưa ra bởi những người bạn quốc tế. Với họ, nghệ thuật sơn mài thật kỳ thú, vừa quen nhưng lại vừa lạ từ cách thức tạo nên một bức tranh. Đó là điều kiện về độ ẩm, công đoạn làm vóc, trang trí, mài, đánh bóng... cho tới bảng màu hạn chế của sơn mài Việt nhưng vẫn tạo nên các kiệt tác.

Theo họa sĩ Vũ Hồng Ngọc, quá trình vẽ tranh sơn mài rất hấp dẫn với nghệ sĩ. "Ma sơn"- lớp sơn bị che khuất, chỉ lộ ra khi mài luôn tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ và gây nhiều hứng thú với người làm nghề. Việc nắm bắt và điều khiển các mảng màu của họa sĩ nhiều khi nằm ngoài sự biến đổi của lớp lớp sơn.

Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (người thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhà nghiên cứu mỹ thuật và người tham dự

Họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (người thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhà nghiên cứu mỹ thuật và người tham dự

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến chia sẻ, vẽ tranh sơn mài khác với vẽ sơn dầu hay acrylic, bột màu, tức là các lớp sơn chỉ khô với độ ẩm cao. Chính vì thế, những ngày thời tiết nồm ẩm rất thích hợp để họa sĩ vẽ tranh sơn mài. Còn trong những ngày hanh khô, họa sĩ phải ủ tranh trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Chưa kể, tranh sơn mài không nhìn thấy ngay hình hài mà phải mài đi, từng lớp sơn, hình nét mới hiện ra.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, trong khi sơn dầu có lịch sử phát triển kéo dài đã vài trăm năm, thì sơn mài Việt mới có từ thời mỹ thuật Đông Dương. Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và đưa kỹ thuật mài để sáng tác những bức tranh sơn mài sử dụng chất liệu sơn ta. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Trung, tranh sơn mài Việt thiên về mảng miếng, ước lệ, mà khó đi vào tả thực, chi tiết. Do vậy, dòng tranh này khó hợp với các họa sĩ hiện thực. Trong thời gian gần đây, bên cạnh lối vẽ sơn mài truyền thống, các họa sĩ trẻ đã có nhiều cách thức thể nghiệm với chất liệu hội họa này như gắn lên bề mặt sơn mài các chất liệu khác hoặc không vẽ trên vóc mà vẽ trên toan... Tất cả những thử nghiệm này nhằm làm phong phú cách vẽ và thưởng thức dòng tranh đặc sắc của hội họa Việt Nam.

Tại tọa đàm, những người bạn quốc tế đã đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc về cách mua được một bức tranh sơn mài tốt, cách bảo quản tranh sơn mài trong điều kiện khí hậu ôn đới và các trường phái hội họa trong sơn mài Việt. Theo đó, tranh sơn mài tốt, trước hết là một bức tranh sơn mài được làm cẩn thận theo từng bước kỹ lưỡng. Vì sơn mài không được làm chuẩn chỉ sẽ dẫn tới cong vênh, nứt toác và bong tróc các lớp sơn. Công việc phục chế sẽ rất vất vả và khó trả lại cho bề mặt tranh như nguyên trạng. Tranh sơn mài khi được làm tốt sẽ chịu được điều kiện khí hậu lạnh khô của các nước ôn đới. Còn các trường phái trong sơn mài là do họa sĩ thực hiện. Sơn ta chỉ là chất liệu để người nghệ sĩ thể hiện quan điểm, cái nhìn trong tranh.

Nhà sưu tầm Phan Minh Hà cho biết, từ khi thành lập trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945), đã lần lượt tiếp nối sản sinh ra những thế hệ họa sĩ tài năng, bằng tình yêu nghệ thuật, miệt mài cống hiến với tất cả sức lực và tài năng của mình, góp phần vào vườn hoa đa sắc hương của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Tiếp sau sự mở đầu đẹp đẽ của thế hệ họa sỹ từng học trường Mỹ thuật Đông Dương, những thế hệ họa sỹ Việt Nam sau này, trải qua nhiều thử thách của chiến tranh, thăng trầm của lịch sử vẫn mang trong mình niềm đam mê hội họa, trải lòng mình cùng với số phận dân tộc và tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Họa sỹ Nguyễn Anh Thường và họa sỹ Vũ Hồng Ngọc là những con người như thế.

Hành trình sưu tập nghệ thuật của ông cũng là hành trình để học hỏi, thấu hiểu và cảm nhận được nghệ thuật hội họa, luôn khám phá được những nét mới lạ, đầy đam mê trong tư duy sáng tạo của hai họa sỹ trong gần 20 năm vừa qua với từng sáng tác mới. Với nhà sưu tập này, được tiếp xúc trao đổi cùng họa sỹ Nguyễn Anh Thường, chứng kiến các giai đoạn họa sỹ liên tục biến đổi đa dạng, từ nhiều phương án phác thảo thành bố cục tranh lớn, những tâm sự của ông về nghề nghiệp, ước vọng về hội họa, niềm tin chân thành về tương lai của dân tộc đã đem đến sự đồng cảm sâu sắc, là những trải nghiệm đầy cảm xúc trân trọng về một tấm gương nghệ sỹ, vượt qua hoàn cảnh, say mê hết lòng cho nền nghệ thuật Việt Nam.

Triển lãm "Hào khí Thăng Long" trưng bày 23 tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn cùng tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 3 đến ngày 12/3.