Tôn vinh những đóng góp thầm lặng của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa cho nền mỹ thuật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa (khóa 4, 1994-1999) của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Vũ Duy Nghĩa được biết đến là một họa sĩ có nhiều đóng góp đặc biệt cho nghệ thuật đồ họa (khắc gỗ, khắc kim loại) Việt Nam. Triển lãm “Vũ Duy Nghĩa - Khắc chân trời” vừa khai mạc vào tối ngày 9/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là dịp để công chúng yêu mỹ thuật biết rõ hơn và thêm trân trọng những đóng góp của ông.

Gia đình ông đã chọn lựa 65 bức tranh đa dạng chất liệu: Đồ họa, sơn mài, trổ giấy của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935-2022) để giới thiệu tại triển lãm "Vũ Duy Nghĩa - Khắc chân trời".

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tốt nghiệp hệ trung cấp (niên khóa 1955-1957) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sau đó được chọn cử đi đào tạo tại Khoa Hoành tráng- trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Stroganov (Mátxcơva, Liên Xô trước đây, niên khóa 1960-1965).

Cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đào tạo tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ông là giảng viên khoa Đồ họa và Hoành tráng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từ năm 1967 cho đến khi nghỉ hưu, năm 1995. Nhiều thế hệ sinh viên đã được ông đào tạo, được học hỏi ở ông nhiều điều không chỉ về sự sáng tạo mà còn là về sự tâm huyết, tấm tình của người sáng tạo dành cho nghệ thuật.

Bên cạnh công tác giảng dạy, họa sĩ sáng tác bền bỉ trong lĩnh vực đồ họa và hội họa, suốt nửa thế kỷ đất nước có nhiều thay đổi. Được đào tạo để làm những tác phẩm hoành tráng nhất, nhưng khi điều kiện chưa cho phép ông vẫn nhẫn nại thực hiện những tác phẩm nhỏ nhất từ trổ giấy, vẽ bìa sách cho đến sơn mài...

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa luôn khẳng định: Không có vật liệu hay đề tài nào là sang hay hèn. Nghệ thuật, với ông là biểu hiện “cảm xúc nồng cháy hay ánh trăng lặng lẽ thơ mộng” rồi bất luận, cũng là kết quả lao động của “thầy tu khổ hạnh”.

Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là một điểm đến bắt buộc nếu muốn tìm về những giá trị của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã vượt qua thử thách thời gian.

Nhà phê bình này viết: "Các nhân vật trên tranh của ông, từ lão ngư dân, bà bủ, bác dân quân, anh thợ lò, chú bộ đội cho tới những cô thôn nữ hay anh tự vệ Thủ đô năm 1946 hay 20 năm sau đó... tất thảy đều khiến ta tin họ đều có những tên họ và số phận riêng". Điều này, theo Nguyễn Quân là điều rất hiếm thấy trong mỹ thuật cùng thời. Nó cũng đáp ứng nguyên lý khó nhất trong các nguyên lý sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - phải mang nghĩa tượng trưng, đại diện cho một hiện thực giả định đáng mong đợi nào đó.

Một góc triển lãm

Một góc triển lãm

Còn với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Vũ Duy Nghĩa - Khắc chân trời" là món quà được chờ đợi từ lâu của giới mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa không kịp nhìn thấy những cống hiến thầm lặng của ông cho mỹ thuật đương đại Việt Nam, được giới thiệu tới người xem. Cả cuộc đời sáng tác Vũ Duy Nghĩa chỉ biết tận tuy, dâng hiến cho nghệ thuật, chả đòi hỏi gì hơn ngoài 2 chữ "sáng tạo". Ông đã tạo ra các tác phẩm tranh trổ giấy rất có giá trị. Vũ Duy Nghĩa đã nhìn thấy từ rất sớm và tiếp nhận nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Giấy nhưng không lặp lại. Ông đưa ra ngôn ngữ nghệ thuật mới. Con dao trổ giấy trong tay ông bay múa, tinh tế và mềm mại. Cái đó học trò đi theo ông không bao giờ làm được.

Chính vì cái yên lặng ấy, bây giờ chúng ta mới nhìn lại các tác phẩm của ông như một sự dâng hiến, đồ sộ ở nhiều thể loại tranh: sơn mài, khắc gỗ... đặc biệt là tranh trổ giấy. Có thể nói, cuộc đời của Vũ Duy Nghĩa trọn vẹn, ông là người hiếm hoi trong lộ trình trải dài của mỹ thuật Việt Nam.

"Ông được đào tạo bài bản ở Liên Xô cũ nhưng cái hàn lâm, cổ điển lại không kìm giữ ông để có những sáng tạo mới cho nền đương đại Việt Nam. Câu chuyện Đông - Tây đối với ông cực kỳ nhẹ nhõm giống như nét dao trổ trong tay ông bay múa trên mặt giấy. Tâm hồn ông vẫn là tâm hồn Việt, văn hóa ở ông vẫn là văn hóa Việt. Bởi vậy, mỹ cảm Việt ở ông không bao giờ mất. Ông đã giải quyết hài hòa, trọn vẹn câu chuyện về thế giới phẳng. Những thế hệ đến sau, đặc biệt là thế hệ trẻ hãy thừa hưởng những gì ông đã có, đã khẳng định cho chính mình, chứ không phải ông khẳng định cho cả nền mỹ thuật Việt Nam. Nhưng chính vì ông tự tin rằng mình đã đi đúng vào lộ trình nghệ thuật, thì tự nhiên lại thành một xu thế nghệ thuật trong tương lai ở Việt Nam", họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Nhiều bức tranh đồ họa của ông đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, như: “Trục lúa” (1972), “Đôi bạn” (1980), “Mùa hoa gạo” (1983), “Thuyền về bến” (1985), khắc kẽm. Tác phẩm của ông còn được lưu giữ tại Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan) và Bảo tàng Mỹ thuật phương Đông Moskva.

Họa sĩ cũng nhận nhiều Huân - huy chương Văn học nghệ thuật, như Huy chương Vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Giải thưởng Triển lãm Chuyên ngành Đồ họa, Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật các Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách mạng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật…

Triển lãm "Vũ Duy Nghĩa-Khắc chân trời" diễn ra đến hết ngày 16/3 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Một số tác phẩm tranh sơn mài của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa trưng bày tại triển lãm: