Đổi mới tuyển sinh ĐH

Các trường chưa muốn bỏ “3 chung”

ANTĐ - Sau tuyên bố của Bộ GD-ĐT về dự thảo bỏ thi “3 chung” sau 3 năm nữa để trao tự chủ tuyển sinh cho các trường, nhiều trường ĐH công lập lẫn dân lập lại cho rằng không nên bỏ hẳn thi “3 chung” trước khi có căn cứ chung về chuẩn đầu vào ĐH, tránh gây tốn kém cho xã hội.

Không phải trường ĐH nào cũng đủ năng lực tổ chức thi tuyển sinh riêng

Không đủ năng lực thi riêng

Sau khi bàn đi tính lại về phương thức tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã chính thức kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc cần bỏ quy định không cho phép sử dụng kết quả thi “3 chung” vào tuyển sinh riêng. Lý do là trong điều kiện hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH do quy mô tuyển sinh nhỏ, đơn ngành… nên thường khó khăn trong việc chuẩn bị đề thi. Các trường chỉ đảm bảo năng lực xét tuyển. GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức hiện nay nên được coi là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong quá trình thực hiện tự chủ tuyển sinh. Bộ cần để cho các trường được quyền sử dụng hoàn toàn, sử dụng một phần hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó.  

Không chỉ các trường ngoài công lập lo lắng về vấn đề bỏ thi “3 chung”, hiện các ĐH lớn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM cũng chưa thể đưa ra phương án tuyển sinh riêng trong năm tới. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, tuyển sinh riêng thực sự chỉ được thực hiện vào năm 2016, có nghĩa là vẫn tham gia thi “3 chung” trong các năm tới. PGS Nguyễn Hội Nghĩa cũng lo ngại về việc sẽ có khá nhiều trường không đủ năng lực tổ chức tuyển sinh riêng nếu Bộ GD-ĐT bỏ thi “3 chung”.

PGS.TS Đoàn Công Vinh - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định, ĐH này sẽ tiếp tục tham gia thi “3 chung”. Với tư cách là một trường ĐH trọng điểm vùng, đa ngành với nhiều trường thành viên. PGS Đoàn Công Vinh cho biết, hiện ĐH Đà Nẵng vẫn đang tiến hành nghiên cứu để có thể xây dựng được một đề án tuyển sinh riêng trình Bộ xem xét. 

Lo tốn kém cho xã hội 

Ngoài vấn đề năng lực tổ chức, một lý do khiến các trường e ngại là việc thi riêng vào mỗi trường sẽ khiến việc tuyển sinh ĐH, CĐ trở nên cồng kềnh, tốn kém cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH (Luật giáo dục đại học gọi là chuẩn quốc gia). Tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện cần để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục ĐH. Còn điều kiện đủ để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể (căn cứ xét tuyển, điểm xét tuyển, nội dung thi, các kỳ thi bổ sung, kết quả học lực phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội,…) thì phải dành cho các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình. 

Để giảm phiền hà và tốn kém cho người học và xã hội, Hiệp hội này ủng hộ kế hoạch của Bộ GD-ĐT trước đây về tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất trên cơ sở nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. 

PGS Nguyễn Hội Nghĩa cũng cho biết, ĐHQG TP.HCM muốn tách thi và tuyển riêng biệt. Thi là phần cứng để đánh giá nền kiến thức còn tuyển là phần mềm nhằm phát huy khả năng của mỗi thí sinh. Nhận xét về vấn đề này, GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, lý tưởng là có một kỳ thi gọi chung là đánh giá căn bản năng lực, tổ chức một năm nhiều lần, đánh giá năng lực bằng cách cho điểm. Điểm đó có thể được các trường sử dụng trong quá trình xét tuyển, tùy theo nhu cầu đầu vào. Những trường chất lượng cao thì có thêm những bài kiểm tra riêng của mình. Như vậy, các trường ĐH sẽ không mất thời gian để đánh giá lại năng lực tổng hợp, phân tích… của thí sinh vì đã được đánh giá bởi một hệ thống thi chung của cả nước. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đến thời điểm này, Bộ đã nhận được hơn 70 ý kiến của các trường góp ý cho dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ. Một trong những sửa đổi mới nhất từ các ý kiến này là việc Bộ GD-ĐT bổ sung dự thảo quy định các trường được phép sử dụng kết quả thi “3 chung” kết hợp với việc tuyển sinh riêng của mỗi trường.