“Các tầng địa ngục theo Phật giáo” lý giải: Sau cái chết là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hơn 100 năm trước, hai tác giả người Pháp Léon Riotor và G.Léofanti đã thực hiện một chuyến hành trình văn hóa tìm hiểu về Phật giáo tại Việt Nam, đặc biệt chú trọng vào khái niệm về “địa ngục” trong tâm thức người Việt. Cuốn "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" là chuyến chu du đầy suy tư của Léon Riotor và G.Léofanti qua những ngôi chùa tại Việt Nam.

Cuốn sách được xem như một chuyến du ngoạn văn hóa, một tư liệu được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây. Hai tác giả đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với chủ thể văn hóa tại các ngôi chùa tại Việt Nam, trong đó nhiều tư liệu được lấy từ chùa Báo Ân (Hà Nội). Thời điểm đó cách đây tròn 130 năm và chùa Báo Ân vẫn còn nguyên hiện trạng.

Khi Léon Riotor và G.Léofanti bắt đầu hành trình khám phá từ ngôi chùa Báo Ân, nhìn thấy những bức họa về địa ngục tại chùa, cả hai tác giả đều sửng sốt, giật mình với những gì họ đang nhìn thấy giữa nơi thanh tịnh. Một số bức vẽ lại cảnh người bị ném vào vạc dầu, một số người được hóa kiếp… Những tầng địa ngục từ kinh sách hiển hiện qua nghệ thuật điêu khắc, tranh vẽ màu… Cũng chính từ hành trình này, cả hai tác giả đã đưa ra nhận định về trình độ mỹ thuật của người An Nam.

Lần theo dấu vết từ chính những bức vẽ này, hai tác giả hướng tới đối tượng là Phật giáo. Kết nối với vị sư trụ trì chùa Báo Ân là cụ Thanh Diễm, Léon Riotor và G.Léofanti phỏng vấn cụ trụ trì, nhờ cụ giảng giải từng bức điêu khắc về 10 tầng địa ngục.

Cuốn sách khái quát các loại hình phạt trong các địa ngục. Các tội trong địa ngục được kể đến gồm tội kiện cáo, cướp vợ cướp chồng, tội bất hiếu, tham lam ích kỷ, báng bổ Phật trời, điêu toa, buôn gian bán lận, giam dâm, nói dối…

Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó có phần IV và phần V miêu tả trực tiếp về các hoạt cảnh này, 3 chương trước là các ghi chép, khảo tả của hai học giả người Pháp về những tầng địa ngục theo cách hiểu biết của họ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, họ đã đọc trước các tài liệu về tôn giáo ở Đông Á, đặc biệt là các tài liệu tiếng Pháp về địa ngục trong văn hóa Ấn Độ.

Theo nhận xét của Tiến sĩ Trần Trọng Dương, cuốn “Các tầng địa ngục theo Phật giáo” là một lát cắt được miêu tả vào cuối thế kỷ 19, một tư liệu quý với lời văn thâm trầm và triết lý. Chính TS. Trần Trọng Dương tách mình ra khỏi cuốn sách để thực hiện một cuộc khảo cứu về địa ngục trong lịch sử văn hóa Việt Nam, cung cấp thêm góc nhìn khác – góc nhìn của người hiện đại, một vấn đề thân quen mà hết sức xa lạ này.

Địa ngục là gì? Là một câu trả lời cho mọi câu hỏi đầu tiên của mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa khi con người đối diện với cái chết. Phật giáo cho rằng, thế giới tồn tại hai loại hình khác nhau là thực hữu và tâm cảnh.

Khái niệm “địa ngục” xuất hiện từ lâu và có sự khác nhau. Một số tôn giáo cho rằng, cái chết chưa phải là dấu chấm hết, mà mở ra một thế giới mới, có thế đó là địa ngục. Con người nào cũng sẽ phải đối diện với tầng địa ngục.

Đúc kết từ những tài liệu và cuộc phỏng vấn với trụ trì chùa Báo Ân, Léon Riotor và G.Léofanti nhận thấy rằng, với người Việt Nam, địa ngục thể hiện qua mối quan hệ nghiệp – duyên, luân hồi và quả báo. Địa ngục cũng thể hiện cho quan niệm rằng con người không chết, chỉ là chuyển qua các kiếp sống khác, tùy vào cách sống của họ ở kiếp trước.

“Kinh Phật dạy hành động của chúng ta bị trái tim chi phối như thế nào, và trước khi đạt tới trạng thái con người, hữu thể của chúng ta đã trải qua những biến đổi liên tiếp và các tiền kiếp ra sao, rồi lại tiếp tục băng qua chu kỳ những đau đớn, thất vọng, khổ não cho tới khi rũ bỏ được hết mọi khuyết điểm của kiếp sống, con người thanh sạch đi đến chỗ hoàn thiện mong ước của mình. Nhưng chúng ta phải đi qua không những vô số chặng đường trên cõi trần mà còn cả vô số chặng đường trên cõi trời và dưới cõi địa ngục…nơi mỗi người tùy theo những gì mình đã làm mà sẽ được đền bù hay trừng phạt, nhưng không bao giờ được miễn khỏi vòng luân hồi vô tận trước khi đạt tới sự hoàn thiện”, một trích đoạn trong cuốn sách.

Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn nhận xét, cuốn sách là một tài liệu đặc biệt, tiếp cận An Nam từ khía cạnh Phật giáo, tìm xem quan niệm của người Việt về địa ngục như thế nào. Đây là một khía cạnh tưởng nhỏ nhưng quan trọng, đi vào thế giới tâm linh người Việt và bổ sung góc nhìn về đời sống tâm linh người Việt.

Nội dung cuốn sách đưa đến cho độc giả về tinh thần sống khuyến thiện, răn ác và mang màu sắc đậm của Phật giáo bình dân (đặc biệt là thế kỷ 17) với hệ thống chùa làng phát triển, góp phần vào hệ thống thiết chế làm cho người dân nhận thức cụ thể hơn về cuộc sống khi cái chết đến. Hai tác giả còn liên kết nội dung này với tư tưởng phương Tây (thiên đàng – địa ngục) cũng mang giá trị giáo dục về bản tính xấu xa, đưa ra giá trị tốt đẹp của con người.

““Các tầng địa ngục theo Phật giáo” là sản phẩm của trí tưởng tượng, dù rất khó đưa ra kiểm chứng được nhưng xét về tổng thể, người Việt có sự tưởng tượng sinh động, đi vào đời sống thường ngày, ngay cả bây giờ”, Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn bình luận.

Thêm một điều phải kể đến về cuốn sách này, đó là giá trị quý báu về tư liệu mỹ thuật khi các bức tranh khắc diễn tả thập điện địa ngục khi chùa Báo Ân không còn. Đặc biệt, phần cuối của cuốn sách, hai tác giả còn bày tỏ sự ngưỡng mộ với các nghệ nhân vẽ. Sau một hành trình khám phá nhận thức rõ hơn về tài hoa của người An Nam.

Ở hiện đại, khái niệm về địa ngục có sự chuyển biến. Trước đây, Phật giáo kiến tạo địa ngục ở thế giới khác, không nhìn thấy. Còn ngày nay, Phật giáo đưa những hiểu biết về địa ngục vào chính đời sống hiện tại, trong từng góc nhỏ của cuộc sống. Thậm chí, “địa ngục trần gian” cũng được chúng ta nhắc nhiều lần. Như vậy, con người hiện đại nhìn thấy địa ngục ở chính hiện tại, không còn né tránh.