Cả xã hội đọc sách

ANTD.VN - Sự bùng nổ dữ dội của công nghệ thông tin ngày càng tác động mạnh mẽ tới thói quen đọc sách của người dân. 

Nhiều người cảm nhận và bắt đầu thấy lo ngại trước thực trạng văn hóa đọc có dấu hiệu đi xuống, cả về sự đam mê đọc sách lẫn nội dung tiếp cận sách. Bởi vậy, sau 3 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành một hoạt động văn hóa thường niên được xã hội đón nhận như một sự kiện đáng mừng “thổi bùng” tình yêu sách vẫn âm ỉ trong lòng người, nhất là giới trẻ.

Ngày Sách Việt Nam lần thứ tư sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 10-4 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) với khoảng 100 gian hàng của 80 nhà xuất bản và công ty phát hành trên cả nước. Trong 3 năm qua, ngoài việc tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, Ngày Sách Việt Nam còn diễn ra ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn từ miền núi phía Bắc tới Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, phong trào đọc sách trong cộng đồng luôn được khích lệ, nhân rộng nhằm nâng cao dân trí, kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách. 

Nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm được tổ chức thường xuyên tại các hội sách toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố, hội sách mùa xuân, mùa thu của các nhà xuất bản lớn, cho đến các hội sách cũ quy mô nhỏ, song gần gũi với học sinh, sinh viên trong khuôn viên các trường học. Điều đáng nói là, các hoạt động trong Ngày Sách Việt Nam không rơi vào hình thức theo kiểu khuấy động ồn ào rồi để đó. Rút kinh nghiệm những năm trước, Ngày Sách năm nay, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tập trung vào hàng chục sự kiện với các chủ đề gắn với sách và văn hóa đọc. Trong đó, nhắm tới đối tượng cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên.

Thực tế cho thấy, công nghệ thông tin mang lại cho con người nhiều khả năng tiếp cận thông tin, hàm lượng tri thức mênh mông, vô bờ. Song nó cũng làm mai một, thui chột thói quen đọc sách, niềm say mê tìm kiếm tri thức chính thống, chuẩn mực mà chỉ có những cuốn sách có thể mang lại. Trong khi đó, chỉ vài giây vào mạng là đã có cả hàng trăm kết quả “ăn sẵn”.

Hệ lụy tất yếu là, một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngại, lười đọc sách. Vốn chữ nghĩa, văn hóa ngày càng nghèo nàn, yếu kém trong giao tiếp cũng như kỹ năng sống. Chính vì vậy, những ngày hội sách, đường sách, phố sách diễn ra trên cả nước vừa có ý nghĩa, khẳng định truyền thống hiếu học, ham đọc của người Việt, vừa hướng tới một xã hội đọc sách. Tuy nhiên, để người đọc từ khi bỏ tiền mua sách, đọc sách cho tới mê sách, coi sách như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là cả một chặng đường dài.