Bứt phá khỏi những sáo mòn

ANTĐ -  3 triển lãm rất “trẻ” là: “Lây”, “Vào - ra” và “Tròn tròn” vừa diễn ra trong thời gian qua là những cú bứt phá khỏi tư duy tổ chức thông thường nhằm tìm ra một phương thức tiếp cận gần gũi hơn với người xem. Rôm rả, hấp dẫn và hút khách là điều dễ dàng nhìn thấy từ những triển lãm như vậy. 

Ấn tượng từ tên gọi

Tên gọi của cuộc triển lãm là ấn tượng đầu tiên kéo người xem đến với không gian trưng bày nghệ thuật. Hãy thử điểm 3 cuộc triển lãm gần đây của CLB Họa sỹ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam), những cái tên như: “Lây”, “Vào - ra” và “Tròn tròn” đều nghe lạ tai và gây tò mò nhiều hơn. Người đến với phòng tranh để xem sẽ bị “lây” cái gì đây, hoặc phòng tranh này có dịch bệnh gì mà đề tên giống biển cảnh báo. Còn với BTC, cuộc triển lãm lấy tên gọi “Lây” có nghĩa là lan tỏa tinh thần, đam mê và tình yêu nghề nghiệp cho các họa sỹ trẻ để hình thành một cộng đồng trẻ mạnh mẽ. Tranh không chỉ được treo trong phòng mà tận dụng mọi nơi, treo ở cầu thang, hành lang, ở những góc chéo, tác phẩm này hy sinh không gian để tôn tác phẩm tốt hơn lên. 

Bứt phá khỏi những sáo mòn ảnh 1

Tác phẩm “Mr. A”, chất liệu tổng hợp của tác giả Nguyễn An  

Còn ở “Vào - ra”, thay vì mang tranh đến rồi im lìm nằm trên giá treo chờ ngày kết thúc, triển lãm đã thay đổi hình thức tổ chức với cuộc hoán đổi vị trí liên tục giữa các tác phẩm trong 6 ngày diễn ra. Ồ ạt tác phẩm được mang đến, mang về khiến cho số ngày trưng bày của cuộc triển lãm tuy ngắn ngủi nhưng lượng họa sỹ và lượng khán giả vào ra đông vui như trảy hội. Trước cửa Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền chật cứng xe máy gửi vào xem triển lãm. Không khí hào hứng và phấn khởi của các họa sỹ trẻ hiện rõ trên gương mặt. Cuộc trưng bày chỉ bó hẹp trong phạm vi CLB Họa sỹ trẻ nhưng sức hút với người xem chẳng kém gì các triển lãm toàn quốc. 

Bứt phá khỏi những sáo mòn ảnh 2

Tác phẩm sắp đặt của họa sỹ Trịnh Văn Thắng

Phá bỏ hình thức tổ chức cũ kỹ

Đến “Tròn tròn”, cuộc triển lãm gần đây nhất diễn ra tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, số 17 Thành Công, dù di dời về nơi xem ra khuất nẻo và hẻo lánh hơn, vậy mà bằng việc thay đổi tư duy và cách tổ chức, triển lãm vẫn đều đặn có khách tới tham quan, không có thực trạng đông vui ngày khai mạc rồi thưa vắng những ngày diễn ra. Các tác phẩm trưng bày lần này đều xoay quanh hình tròn.

 Ngay ở cửa ra vào, cái mặt thớt được vẽ trên cả hai mặt của họa sỹ Đỗ Hiệp thể hiện tính âm dương đối nghịch. Lơ lửng trong một không gian khác là những con chim béo núc ních tròn căng rất đáng yêu của Thái Nhật Minh. Ở một góc khác, một chiếc mâm đầy ụ sơn dầu của Vũ Đức Trung… “Tròn tròn” là cuộc triển lãm mang tính chuyên đề nhưng lại đa dạng trong cách thể hiện và chất liệu.

Họa sỹ Đỗ Hiệp, Chủ nhiệm CLB Họa sỹ trẻ cho biết: “Tôi biết có những người không tiếc tiền để mua tranh. Nhưng hình thức tổ chức xưa cũ, không gây ấn tượng trước kia đã làm họ không được biết tới và không có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm hội họa. Chỉ đến khi nghe tiếng tăm của một cuộc triển lãm “lạ”, người xem mới kéo nhau tới. Rõ ràng, việc thay đổi đôi chút trong việc bày tranh, để ý nhiều hơn tới hình thức của cuộc triển lãm ít nhiều cũng khuấy đảo thị trường tranh nội địa”. 

Sân chơi dành cho họa sỹ trẻ đang dần thu hẹp lại trước sự biến mất của các cuộc thi như Ánh mắt trẻ hay cuộc thi hội họa do quỹ Thụy Điển tài trợ. Còn sân chơi quy mô toàn quốc dành cho họa sỹ trẻ là Festival Mỹ thuật trẻ, 3 năm tổ chức một lần lại quá “cúng cụ” về hình thức tổ chức. Vì thế, sự xuất hiện liên tiếp của 3 cuộc triển lãm gần đây như “Lây”, “Vào-ra”, “Tròn tròn” đã tạo thành điểm nhấn trong đời sống mỹ thuật. Cho dù, lượng tranh bán ra chưa đủ sức để “phá băng” thị trường nội địa nhưng ít nhiều cũng đã tác động tới những người quản lý của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam trong việc tìm ra cách tổ chức mới dành cho người trẻ. Và động thái gần đây nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam là đã đồng ý tài trợ cho cuộc triển lãm “Tròn Tròn” thay vì chỉ ngồi im nhìn người trẻ vận động.