Vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời”:

Bức tranh lãng mạn về người chiến sỹ

ANTĐ - Xây dựng thành công hình ảnh người chiến sỹ Công an với vẻ đẹp lãng mạn và bay bổng, vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời” của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã làm khán giả vỡ òa trong xúc cảm. Vở diễn vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà và sẽ tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2012.

Lớp học tạc tượng ngay tại trại giam đã làm vở diễn trở nên mềm mại, uyển chuyển

Hấp dẫn bởi sự gần gũi 

Khai thác đề tài lực lượng CAND nhưng câu chuyện mở ra trước mắt người xem không bắt đầu bằng những màn võ thuật điệu nghệ, những cảnh săn bắt cướp đầy mạo hiểm mà được bắt đầu bằng hình ảnh của anh bán báo rất đời thường. Âm thanh quen thuộc của cuộc sống với tiếng động cơ xe chạy ồn ã trên đường, tiếng rao báo phát ra từ chiếc đài phía sau xe đạp hòa lẫn trong dòng người tấp nập đã đưa người xem đến với một vở diễn gần gũi, thân thương về hình tượng người chiến sỹ Công an. Vốn nổi tiếng với các vở cải lương đầy nữ tính về đề tài lịch sử, ở vở diễn lần này, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã đi sâu khai thác hình ảnh người chiến sỹ Công an như người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp trong cuộc sống. 

Không đi theo một hình mẫu sẵn có về người chiến sỹ Công an, vở diễn đã xây dựng hình ảnh anh giám thị trại giam Văn (diễn viên Quang Thanh đảm nhiệm) là một người yêu nghệ thuật và thích tạc tượng. Anh đã có mối tình đẹp với Hường (diễn viên Thái Vân đảm nhiệm). Trước ngày lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ, Văn đã tạc một bức tượng có đôi mắt buồn thăm thẳm của người yêu làm vật làm tin. Nhưng những ngang trái của vở diễn đã được bắt đầu bằng những biến cố trong gia đình Hường và buộc cô kết hôn với Hoàng, một tay trùm xã hội đen. Tuy đã lập gia đình nhưng hình bóng người yêu cũ luôn ở trong trái tim cô. Sau những vụ làm ăn phi pháp bị phát giác, tay trùm xã hội đen đã gặp lại anh lính đảo ngày xưa giờ đã là giám thị trại giam trong nhà tù.

Lớp học tạc tượng trong… nhà tù

Nút thắt này của vở diễn đã được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai tháo gỡ bằng những cảnh đối thoại và cảnh diễn đầy tính nghệ thuật. Vở diễn đã tái hiện hình ảnh người Công an - người nghệ sỹ hết lòng vì công việc và là người hàn gắn vết thương về nhân cách cho mỗi tù nhân. Ngay trong trại giam, một lớp học tạc tượng dành riêng cho các phạm nhân do anh giám thị Văn lập nên đã làm vở diễn trở nên mềm mại và uyển chuyển, xóa đi sự khô cứng của song sắt nhà tù, của những bức tường đá nặng nề nhà giam. Ở đó, tình yêu dành cho nghệ thuật đã kết nối những người con người tội lỗi và giúp học viên có những ngày tháng cải tạo thật ý nghĩa. Trái với những gì tay trùm xã hội đen nghĩ về người giám thị trại giam sẽ trả thù cho tội lỗi mà Hoàng gây ra cho Hường, Hoàng Quỳnh Mai đã đưa múa đương đại để diễn tả sự cao thượng và hình ảnh đẹp của người giám thị trại giam. Tiếng gió rít, vòng xoáy dữ dội của nước trong cơn lũ đang ào ạt đổ về trại giam đã được những vũ điệu múa thể hiện rất chân thực nhưng không kém phần hiệu quả. Hình ảnh giám thị Văn băng người trong dòng người để cứu các phạm nhân, cứu tay trùm xã hội đen thoát khỏi vòng vây của cơn lũ là một hình ảnh không chỉ đẹp mà còn mang chất anh hùng lãng mạn. 

Văn đã ngã xuống để đổi lấy mạng sống cho các phạm nhân và khép lại toàn bộ vở diễn “Nguồn sáng phía chân trời”. Ngay ở cảnh kết đầy bi thương, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai vẫn tìm thấy trong sự khốc liệt những hình ảnh thật lãng mạn. Cảnh trí sân khấu được chị chủ động cho đổ sập xuống và xếp thành hình trái tim trên sân khấu trước sự ra đi của Văn để tượng trưng cho sự gắn kết tình yêu thương giữa con người với con người và khơi gợi mầm sống lương thiện trong mỗi cá nhân. Vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời” với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội đã bám sát chủ đề tư tưởng rõ ràng, góp thêm một viên gạch xây dựng nên tượng đài văn học nghệ thuật về các chiến sỹ Công an nhân dân.