Xung quanh sự việc gần 300 bản phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng:

Bộ VHTT&DL nói “đó chỉ là bản copy", nghệ sĩ Hãng phản hồi: “Đây là câu trả lời không đúng!”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ VHTT&DL về sự việc gần 300 bản phim tại kho phim của Hãng bị hỏng. 
Hiện trạng kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 12-2022
Hiện trạng kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 12-2022

Cuối tháng 12-2022, đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân bất ngờ chia sẻ loạt hình ảnh không thể tin nổi về kho lưu trữ phim của Hãng phim truyện Việt Nam. Cụ thể, gần 300 bản phim được lưu trữ tại đây rơi vào tình cảnh bị mốc meo, trở thành những đống nhựa bết dính và đứng trước nguy cơ không còn khả năng sử dụng. Nguyên nhân ban đầu của sự việc này theo đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân là do hệ thống máy lạnh ở kho phim đã bị hỏng hàng tháng mà không được sửa chữa để có thể vận hành trở lại.

Cũng theo đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân, trong số gần 300 bản phim kể trên thì có một số phim đã được lưu trữ bằng công nghệ số, song việc lưu trữ bằng công nghệ số đối với số phim này theo ông là "hình thức rất thô sơ, chế độ bảo quản hạn chế, chất lượng rất kém, không hoàn toàn lưu giữ được chất lượng âm thanh, hình ảnh như bản phim nhựa". Sau khi tiến hành kiểm tra và qua nhận định của một số chuyên gia thì phần lớn các thước phim trong kho lưu trữ đều đã hỏng, không thể sửa chữa và phục hồi, riêng có bản phim "Chung một dòng sông" và một số bản phim khác là còn có thể sử dụng.

Trước tình hình này, đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, anh và các cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ có trách nhiệm đã làm đơn khẩn cấp gửi lên Bộ VHTT&DL để đề nghị "cứu lấy kho phim". Tuy nhiên sự việc này sau đó kéo dài suốt nhiều tháng nhưng cơ quan chủ quản vẫn chưa có phương án xử lý.
Cho tới cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ VTTH&DL, đại diện Bộ đưa ra câu trả lời khẳng định tất cả các bản phim trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam đều là bản “copy”. Theo đó, trong 291 bản phim này thì có 278 bản phim gốc đang được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam, do vậy mọi người hoàn toàn có thể yên tâm về hiện trạng các “di sản”.

“Tất cả các phim có đầu tư của Nhà nước đều đang được lưu trữ tại viện phim còn 13 phim còn lại không được lưu trữ là những phim trước đây làm theo đặt hàng của Ban Tuyên giáo, Đài truyền hình Việt nam…” – phía đại diện Bộ VHTT&DL cho biết.

Trước đó, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cũng chia sẻ rằng các bản phim bị hỏng đang lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam mà đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân phản ánh không phải là bản gốc, mà chỉ là bản hai, bản ba được giữ lại tại Hãng để phục vụ cho công tác giới thiệu, phổ biến hoặc lưu trữ cho các sự kiện.

Tuy nhiên trước phản hồi trên của đại diện Bộ VHTT&DL, các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Bộ để làm rõ về hậu quả của việc 300 bản phim lưu trữ tại Hãng đang bị hỏng. Trong đó, phía Hãng phim bày tỏ không đồng tình với câu trả lời của đại diện Bộ VHTT&DL khi gọi gần 300 bản phim này chỉ là “bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện phim và chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản”.

Chúng tôi tin rằng đây là câu trả lời không đúng, dù vô tình hay cố ý, đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng.” – phía các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ, đồng thời bày tỏ lo ngại với cách trả lời trên, mọi người sẽ hiểu nhầm rằng các bản phim này không có nhiều giá trị, vì ở Viện phim đã có một “bản gốc” nào đó, từ “bản gốc” đó có thể in ra được rất nhiều “bản sao” khác một cách dễ dàng và không tốn kém gì nhiều về kinh phí.

Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải

Đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải

Giải thích về sự không đồng tình này, đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải đại diện cho các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, về nguyên tắc những bộ phim cũ, phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam mà Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất sẽ có 2 bản phim dương bản gốc (positive) – 1 bản được lưu giữ tại Hãng, 1 bản được lưu giữ tại Viện phim (với mục đích lưu chiểu). Trong điện ảnh thì bản “positive” này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh để trình chiếu ra công chúng. Ngoài ra ở Viện phim còn lưu trữ bản phim âm bản (negative) – được hiểu là sản phẩm trung gian để tạo ra bản phim dương bản (positive). Bản phim âm bản là bản phim chưa được định sáng, định màu sắc, không có âm thanh, không thể trình chiếu như tác phẩm bình thường được. Vì vậy, chính xác thì gần 300 phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam là “dương bản gốc” chứ không phải “bản sao, bản copy” như đại diện Bộ VHTT&DL nói.

“Vấn đề ở chỗ, nếu chỉ còn lại 1 bản phim gốc mà không may bản này bị hỏng thì sao. Việc mang phim ra chiếu gặp sự cố bị hỏng là chuyện bình thường, nhiều khi phim còn bị đứt, cháy vào khuôn hình…nên ít nhất cần có 2 bản gốc.” – đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải nói thêm.

Đặc biệt, theo chia sẻ từ đại diện Hãng phim truyện Việt Nam thì các bản phim âm bản (negative) theo thời gian sẽ xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in. Đây là một quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều những cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế . Đặcbiệt, để in lại bản phim dương bản gốc (positive) mới từ bản phim âm bản (negative) hoặc số hóa của các bộ phim cũ (như 300 bản đã bị làm hỏng tại Hãng phim truyện) là rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí cao. Theo khảo sát, kinh phí cho số hóa, phục chế mỗi bộ phim là rất lớn,giá thành có thể từ 100.000 USD cho tới 1 triệu USD cho mỗi bộ phim, tùy mức độ hỏng, xuống cấp. Nhân lên với việc số hóahay phục chế 300 bộ phim bị hỏng thì đây sẽ là con số không hề nhỏ.

Cùng với đó, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, 300 bản phim nhựa bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bộ phim này hoàn toàn có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Do đó tổn thất của việc hỏng 300 bản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam là rất nghiêm trọng.

Trên cơ sở đó, phía Hãng phim truyện Việt Nam đề nghị Bộ VHTT&DL; có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc 300 bộ phim kinh điển của Điện ảnh Việt Nam bị làm hỏngbởi “những bộ phim này đều thấm đậm mồ hôi, xương máu của các thế hệ nghệ sĩ Điện ảnh Việt nam đi trước, rất nhiều bộ phim đã đạt những thành tựu lớn tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế, là di sản văn hóa của cả dân tộc”.

“Theo chúng tôi: phương án đơn giản nhất là Vivaso, bằng cách nào đó, phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của các bản phim positive gốc và chuyển lại cho Chính phủ quản lý.”- đại diện Hãng phim truyện Việt Nam nêu ý kiến.

Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân

Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân

Liên quan đến việc này, đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân – người từng đảm nhận vị trí Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, cùng với đơn kiến nghị mà tập thể nghệ sĩ Hãng phim gửi lên lãnh đạo Bộ VHTT&DL, cá nhân anh cũng đang có cuộc nói chuyện trực tiếp với Viện trưởng Viện phim Việt Nam đề nghị đơn vị này hỗ trợ cử chuyên viên đến khảo sát thực tế kho phim của Hãng xem khả năng cứu vãn còn được bao nhiêu phim, bao nhiêu % trong số gần 300 phim. Trong trường hợp các chuyên gia nhận định vẫn có khả năg cứu vãn một số lượng phim nào đó thì anh cùng các nghệ sĩ của Hãng đã tính tới chuyện sẽ đứng ra kêu gọi chi phí xã hội hóa để cứu vãn và phục hồi các phim này.

Thực chất đó không chỉ là tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam mà là giá trị tinh thần, giá trị di sản của cả nền điện ảnh Việt Nam. Tới giờ sau bao nhiêu tháng, các bản phim này vẫn đang chết từng ngày dù chúng tôi đã 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Bộ VHTT&DL nói rõ việc này. Còn nếu như nói Hãng phim truyện Việt Nam không có chức năng lưu trữ phim là sai. Hãng có phim đầu tiên từ năm 1959, còn Viện phim được thành lập vào năm 1979. Vậy suốt 20 năm đó, đâu là nơi lưu trữ phim mà lại bảo Hãng phim không có chức năng lưu trữ.” – đạo diễn NSND Thanh Vân thẳng thắn chia sẻ.