Dư luận đòi mạnh tay xử lý nghệ sĩ “có vi phạm”, Cục NTBD nói “không phong sát”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước thực trạng nhiều nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật có những ứng xử thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật…đông đảo dư luận mong muốn cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay xử lý triệt để. Tuy nhiên phía Cục NTBD mới đây đã khẳng định chắc nịch: “không thích dùng những từ ngữ nặng nề như phong sát hay cấm sóng”.

Một cuộc tọa đàm ngắn gọn xoay quanh vấn đề thực trạng văn hóa ứng xử của nghệ sĩ và giới trẻ trên không gian mạng vừa được tổ chức bởi Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ VH-TT-DL phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức.
Sự kiện diễn ra đúng vào lúc Bộ Thông tin & Truyền thông vừa ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Trong kế hoạch này nêu rõ, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) xây dựng quy trình xử lý bao gồm hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Dự kiến quy trình này sẽ được hoàn thành vào tháng 10-2023. Đây được kỳ vọng là biện pháp xử lý mạnh tay nhất từ trước đến nay mà cơ quan quản lý phối hợp thực hiện để xử lý những người nổi tiếng có ứng xử được cho là không đẹp, nếu không muốn nói là xấu xí trên không gian mạng. Nhất là trong vài năm trở lại đây xảy ra nhiều trường hợp nghệ sĩ bị dư luận bức xúc “ném đá” dữ dội vì những phát ngôn, hành động thiếu văn hóa, xem thường công chúng.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VHTTDL không thích truyền thông và mọi người dùng từ "phong sát, cấm sóng".

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VHTTDL không thích truyền thông và mọi người dùng từ "phong sát, cấm sóng".

Tuy nhiên trong cuộc tọa đàm kể trên, ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã có những chia sẻ khiến nhiều người khá bất ngờ. Cụ thể, đại diện Cục NTBD bày tỏ quan điểm “không thích” truyền thông và mọi người dùng những từ ngữ kiểu như “phong sát”, “cấm sóng” vì nghe nó “nặng nề”. Ông Trần Hướng Dương khẳng định cơ quan này chưa bao giờ dùng những từ ngữ kiểu như vậy.

“Không dùng từ ‘phong sát’ vì văn hóa của chúng ta khác, không nên dùng từ Hán Việt nghe đao to búa lớn, phải phong sát nghệ sĩ làm gì, có thể trao đổi thẳng thắn, xử lý theo quy định của pháp luật nếu họ sai thì đã có Luật An ninh mạng, Luật Khoa học công nghệ, Luật Nghệ thuật Biểu diễn rồi. Văn minh văn hóa là tốt nhất. Cá nhân tôi không thích dùng những từ như thế, còn biện pháp quản lý Nhà nước thì chắc chắn có.” – ông Trần Hướng Dương phát biểu.

Cũng theo đại diện Cục NTBD thì đơn vị này với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước đã tham mưu Bộ VHTTDL xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật bao gồm 9 điều, trong đó điều thứ 8 liên quan đến ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là nêu rõ 4 vấn đề liên quan mà nghệ sĩ nên thực hiện theo cho đúng và có văn hóa, như không nói tục chửi bậy hay lăng mạ, hạ bệ nhau…

Phó Cục trưởng Cục NTBD nói thêm, ông không thích dùng từ “phong sát” và “cấm sóng” vì có nhiều biện pháp để quản lý môi trường mạng và văn hóa nghệ thuật tốt hơn, còn các biện pháp cụ thể như thế nào thì sẽ do cơ quan quản lý đề xuất. Hiện Bộ VHTTDL cũng đang làm việc với một số Bộ, ngành như Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an để ra quy chế phối hợp về việc hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, những trường hợp không tuân thủ theo quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

“Tôi khẳng định trong xã hội nảy sinh vấn đề thì Nhà nước cần có biện pháp quản lý bằng văn bản pháp quy, triển khai, thực thi giám sát…Việc đến đâu sẽ làm đến đó. Nếu nghệ sĩ nào có ứng xử trên không gian mạng mà gây ảnh hưởng tiêu cực thì hạn chế phát sóng, trường hợp nào nặng hơn thì có biện pháp khác nặng hơn. Chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng quy trình xử lý phù hợp, xin ý kiến các Bộ, ban, ngành, rồi trình lãnh đạo Bộ VHTTDL quyết định, hy vọng sẽ có thể hoàn thiện và ban hành sớm hơn thời điểm tháng 10-2023.” – ông Trần Hướng Dương cho biết.

NSƯT Hoài Linh sau ồn ào quyên góp từ thiện cũng gần như không xuất hiện trên các sân khấu, chương trình truyền hình, phim ảnh dù không bị cơ quan quản lý Nhà nước nào ra quyết định "phong sát" hay "cấm sóng"

NSƯT Hoài Linh sau ồn ào quyên góp từ thiện cũng gần như không xuất hiện trên các sân khấu, chương trình truyền hình, phim ảnh dù không bị cơ quan quản lý Nhà nước nào ra quyết định "phong sát" hay "cấm sóng"

Có mặt tại cuộc tọa đàm, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh – Tổng Giám đốc LeBros chia sẻ, trong một bài viết được đăng tải trên mạng xã hội nói về chuyện ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng, phía dưới gần 200 bình luận để lại, trong số này phần lớn là ủng hộ cấm sóng hoàn toàn, một phần nhỏ thì cho rằng nên hạn chế phát sóng. Vị chuyên gia này bày tỏ nỗi lo về thực trạng viết cái gì đó mang tính thách thức, thậm chí dùng ngôn từ xấc xược hay văng tục thì chắc chắn nhiều “like”, “follow”, “comment”…hơn hẳn. Đó là lý do có những ngôn từ thông thường người ta chỉ nói với nhau trên bàn nhậu nhưng lại sẵn sàng cho “bay” hết lên không gian mạng, gây ra nhiều hệ lụy xấu xí.

Liên quan đến câu chuyện có nên “phong sát”, “cấm sóng” nghệ sĩ có hành vi được xác định là vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật hay không, nhiều bạn trẻ có mặt tại cuộc tọa đàm bày tỏ ý kiến rằng đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện, ví dụ cấm biểu diễn, cấm sóng trong một thời gian nào đó hoặc lâu dài tùy thuộc vào mức độ vi phạm của họ. Bên cạnh đó, siêu mẫu Hạ Vy thẳng thắn chia sẻ giải pháp nếu như nghệ sĩ có vi phạm các yếu tố như trên thì hoàn toàn có thể đề nghị phía quản lý các kênh mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… “off” (tắt) luôn tài khoản mạng xã hội của những người này. Sau một vài lần bị khóa thì chắc chắn tự bản thân họ sẽ phải có sự thay đổi sao cho đúng đắn và chuẩn mực.

“Mạng xã hội có 2 chiều, nói về nghệ sĩ thì nghệ sĩ phải có lời ăn tiếng nói chuẩn mực nhất trên mạngh xã hội vì mọi lời nói của họ có ảnh hưởng lớn. Tôi chưa bao giờ và cũng không bao giờ hùa theo những nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử lệch chuẩn.” – siêu mẫu Hạ Vy bày tỏ.

Diễn viên Hồng Đăng sau ồn ào liên quan đến chuyến xuất ngoại không xin phép cơ quan chủ quản cũng không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, dù vẫn đăng tải đều đặn thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội cá nhân.

Diễn viên Hồng Đăng sau ồn ào liên quan đến chuyến xuất ngoại không xin phép cơ quan chủ quản cũng không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, dù vẫn đăng tải đều đặn thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội cá nhân.

Những chia sẻ từ phía ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VHTTDL ngay khi được đăng tải cũng nhận về nhiều bình luận trái chiều, trong đó phần lớn dư luận vẫn bày tỏ quan điểm cần có biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn trong việc xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, mà nếu như chỉ "giơ cao đánh khẽ", không "cấm sóng" thì e rằng khó có thể làm cho những người của công chúng biết sợ mà điều chỉnh lại việc ứng xử trên không gian mạng.

Trên thực tế, Cục NTBD là đơn vị phối hợp tham gia xây dựng quy trình xử lý bao gồm hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục...Vì vậy quan điểm của người đại diện đơn vị này cũng mang tính chất cá nhân, tham khảo và chưa phải quyết định cuối cùng của lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Vì vậy việc có "cấm sóng" nghệ sĩ vi phạm hay không, phải chờ đến khi quy trình xử lý này được các Bộ, ban, ngành phối hợp hoàn thiện vào tháng 10-2023.