Bố mẹ có biết con làm gì ở trường?

ANTĐ - Không tự dưng một đứa trẻ nói dối, trầm cảm, trộm cắp hay bỏ nhà đi. Đó là cả một quá trình dài các em vấp váp, đối diện, đau khổ, chịu đựng những khó khăn của mình mà không được chia sẻ, trợ giúp. Nếu bố mẹ giao tiếp với con thường xuyên...

Suốt cả tháng nay, lớp Phương Anh ầm ĩ, náo loạn cả lên vì chương trình đặc biệt mừng giáng sinh sắp tới. Sáng nào mở mắt, cô bé cũng hào hứng nghĩ đến lúc tập hát với nhóm bạn, nhảy nhót vũ điệu mừng Noel, cảm giác ấm áp hạnh phúc khi được ở bên đám bạn bè thân thiết.

Mỗi lần Phương Anh mở miệng định khoe với mẹ, nhưng nhìn thấy khuôn mặt nghiêm khắc của mẹ, cô bé lại dừng lại. Thể nào mẹ cũng nhắc nhở việc học. Mẹ đâu biết rằng những vụ hát hò nhảy nhót thế này khiến cô bé 16 tuổi lúc nào cũng vui vẻ, đầy năng lượng, tràn đầy cảm hứng học hành hơn những tuần học tẻ nhạt, chỉ cắm đầu vào sách vở.

Trường hợp của Phương Anh không phải là cá biệt. Xung quanh Phương Anh, có rất nhiều bạn đang đối diện với những vấn đề của riêng mình ở lớp học mà không hề chia sẻ gì với bậc sinh thành, những người yêu thương mình nhất. Có bạn suốt cả năm trời đi học bị tẩy chay, bị chặn đánh ở cổng trường, nhưng bố mẹ không hề hay biết. Có bạn làm chủ tịch một câu lạc bộ của trường, rất giỏi giang năng động, nghĩ ra hàng đống hoạt động hay ho được bạn bè ngưỡng mộ nhưng bạn chẳng bao giờ kể với bố mẹ.

Có bao nhiêu bố mẹ biết ngày hôm nay, con làm gì ở lớp, ngoài lịch học đều đặn? Bố mẹ có giao tiếp với con về một ngày ở trường không? Nếu có, bố mẹ sẽ hỏi gì, những thông tin nào là điều bố mẹ quan tâm và muốn biết? Đó có lẽ là điểm số, những ngày kiểm tra, thi học kỳ, cuối năm khá hay giỏi, ngày nộp học phí, tên giáo viên để liên hệ, lễ lạc chúc mừng... Bởi vì, với bố mẹ, trường học là nơi con đến để được điểm cao, có bằng tốt nghiệp để sau này có nghề, kiếm tiền và thành công.

Thế nhưng, trường học với con chúng ta còn hơn thế. Đó la một phần quan trọng trong cuộc sống của đứa trẻ là nơi in dấu những niềm vui, nỗi buồn, những thất bại, những cú sốc, những người bạn thân thiết... Có bao nhiêu điều về một ngày ở trường của con mà bố mẹ không biết, về một dạ hội khiêu vũ mà còn chờ mong ấp ủ và sẽ trốn bố mẹ đi, về việc con luôn tự ti mình kém cỏi nên triền miên căng thẳng? Dường như "trong khi chú trọng quá mức tới điểm số, bố mẹ lại bỏ qua những nhu cầu tinh thần, quên rằng con đến trường không chỉ để điểm cao mà còn để tự tin, vui cười và hạnh phúc”. Bố mẹ thường nói con "chỉ mỗi việc học mà không xong" mà không biết rằng con mình cũng đang vật lộn với biết bao vấn đề và áp lực ở trường, thường trong im lặng và cô độc.

Không tự dưng một đứa trẻ nói dối, trầm cảm, trộm cắp hay bỏ nhà đi. Đó là cả một quá trình dài các em vấp váp, đối diện, đau khổ, chịu đựng những khó khăn của mình mà không được chia sẻ, trợ giúp. Nếu bố mẹ giao tiếp với con thường xuyên, biết mọi điều diễn ra trong cuộc sống của con, thì bố mẹ sẽ hiểu được rằng, ẩn sau hành vi của con là những nhu cầu tâm lý, vấn đề tinh thần quan trọng, những điều bố mẹ đã không để tâm cho đến xảy ra một vấn đề trầm trọng.

Tại sao con không kể những chuyện ở trường cho bố mẹ? Vì bố mẹ không hỏi, bố mẹ không lắng nghe, bố mẹ lúc nào cũng bận. Vì con biết rằng đó không phải là vấn đề bố mẹ quan tâm, cho là quan trọng, thậm chí đó là điều vớ vẩn trong mắt bố mẹ. Một cuộc thi hát với con có thể vô cùng quan trọng vì con cảm thấy mình tự tin, tỏa sáng và hạnh phúc nhưng có thể chẳng là gì trong mắt bố mẹ, vì với bố mẹ sẽ là "hát với chả hò, lo mà học đi".

Bất kỳ đứa trẻ nào, dù mới đến trường hay đã bước vào tuổi teen, dù là trai hay gái, nếu chúng biết rằng bố mẹ háo hức và quan tâm tới mọi điều diễn ra trong cuộc sống của chúng, không chỉ là điểm số, chúng sẽ hoan hỉ kể cho bố mẹ nghe mỗi ngày, thậm chí cả những điều sâu kín nhất. Chưa cần bố mẹ hỏi, con sẽ chạy về nhà đề khoe ầm lên rằng ngày hôm nay con đã làm gì, ngày mai con sẽ ra sao... Nhưng bằng cách không có thời gian, bằng cách cho con thấy những điều con quan tâm là nhảm nhí trong mắt bố mẹ, không ít phụ huynh mỗi ngày xây thêm vài viên gạch, thành bức tường đá dày và cao, ngăn trở sự giao tiếp thực sự với con mình.

Hãy hỏi xem ngày hôm nay ở trường con thế nào, con buồn hay vui, con hứng khởi hay thất vọng..., bởi hơn ai hết, bố mẹ nào cũng thực lòng mong con mình được hạnh phúc.