- Mang chăn ấm đến với học sinh vùng cao
- Các luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc Báo ANTĐ
- Tết ấm cho trẻ em vùng cao
Ông Chu Quốc Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ tặng quà bà con dân tộc Khùa ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình)
Đoàn công tác Báo ANTĐ phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup mang theo 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng đến với các hộ nghèo 3 xã Hồng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa (huyện Minh Hóa) để cùng đón một năm mới sum vầy với đồng bào.
Khó khăn còn không ít
Tặng quà người dân xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình)
Hay tin có đoàn công tác của Báo ANTĐ lên thăm và tặng quà cho bà con nhân dân trong huyện đón Tết, khỏi phải nói ông Đinh Hữu Niên - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa mừng đến thế nào. Mặc dù đang xin nghỉ phép vì gia đình có đại tang, nhưng ông vẫn bỏ dở việc riêng để cùng chúng tôi lên danh sách và lập kế hoạch để trao quà đến tận tay những người cần nhận.
Ông Đinh Hữu Niên bảo: “Đồng bào Minh Hóa nghèo, các anh cứ xuống thực tế dưới các xã là sẽ biết ngay thôi. Mấy trăm suất quà tuy chẳng đủ để “phủ sóng” hết được cho bà con, nhưng sau trận lũ dữ vừa rồi, nhiều xã bị thiệt hại rất nặng nên 1 chút lúc này cũng vô cùng quý giá”.
Quả đúng như lời ông Niên nói, dù trời mưa khá nặng hạt và gần cuối giờ chiều đoàn công tác chúng tôi mới lên đến nơi nhưng người dân xã Hồng Hóa đã tập trung ở trụ sở ủy ban để đợi nhận quà. Ông Cao Thanh Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa xã phân trần, đợt lụt vừa rồi Hồng Hóa cũng nằm trong số những địa phương bị ngập. Diện tích canh tác đã ít, lại dính cú thiên tai này càng khiến thêm khó khăn. Vì thế, hay tin Báo An ninh Thủ đô cùng Quỹ Thiện Tâm lên tặng quà Tết, người dân ai cũng hớn hở, vui mừng”.
Trong số những người chờ nhận quà Tết thì anh Đinh Xuân Thập ở bản Văn Hóa 2 có mặt sớm nhất. Thập mới 32 tuổi nhưng nhìn anh hom hem như ông lão 60 và đã có đến 3 mặt con. Lấy vợ đã được hơn 10 năm nhưng Thập vẫn phải ở trong một căn nhà bé con con chỉ độ 30m2 và được làm từ 4 loại vật liệu. Mái vừa lợp lá, vừa che bằng những tấm phiproximăng nứt nẻ. Vách thưng bằng lồ ô rừng và vải bạt nhựa chỗ rách, chỗ vá víu như những vết mụn lở lói lâu ngày.
Thập bảo, đáng ra anh cũng không cực thế này nếu như cách đây 6 năm không bị 1 cú tai nạn suýt chết. Có bao nhiêu tiền thì trận đi viện lần ấy đã tiêu hết cả, bác sỹ bảo sống được đã là may. Bây giờ miếng ăn trong nhà đều trông vào vợ với nghề bóc keo, bóc tràm thuê nuôi 5 miệng ăn. Nhưng khổ nỗi cũng chẳng mấy khi có việc. Nhà không có ruộng nên Tết đã gõ cửa rồi mà vẫn chẳng biết lo cách gì.
Nhận từ tay ông Chu Quốc Dũng - Phó Tổng biên tập báo ANTĐ món quà của Quỹ Thiện Tâm, tay Thập cứ run bần bật: “Vợ em đi bóc tràm từ 5h sáng đến 12h đêm mới về mà chỉ được có 100 nghìn tiền công mỗi ngày. Số tiền ấy chi ăn cho cả nhà là vừa hết nên chẳng có tích lũy. Gần 2 năm ni em chưa dám mua cho lũ trẻ bộ quần áo mới. Các anh cho chừng này tiền vậy là đủ cho mỗi đứa 1 bộ cánh tươm tất và thêm mâm cỗ cúng ông bà đón Tết rồi”.
Nhìn cảnh ấy, ông Đinh Xuân Nghĩa, Trưởng bản Văn Hóa 2 bảo: “Bản tui có 126 hộ thì có tới 67 hộ nghèo, nhưng để nhận quà của các anh tui chỉ chọn ra 14 hộ nghèo nhất, còn đâu để dành phần cho các bản khác cũng khó khăn của xã. Ở Hồng Hóa này, những trường hợp như cậu Thập ni cũng không ít”.
San bớt gánh nặng đường xa
Trong số 3 xã của huyện Minh Hóa mà chúng tôi ghé thăm đợt này thì tất cả đều là xã 135 được hưởng chế độ hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ theo Nghị quyết 30A. Có thể nói, do những điều kiện đặc biệt về địa lý mà người dân ở đây dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo.
Thượng tá Phan Thanh Phương - Trưởng Công an huyện Minh Hóa tặng quà bà con dân tộc Chứt ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa)
Ông Phạm Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Địa bàn tui gần như 100% là đồng bào dân tộc Mày, Khùa, Sách… sống dọc theo các triền núi. Địa hình ở đây không có đất bằng, trong khi kinh tế chỉ trông vào nông nghiệp thì không cách gì khấm khá được. Xã có 18 bản thì có tới 93% là hộ nghèo, một năm bà con chỉ gieo trồng, thu hoạch được 5-6 tháng, còn đâu phải trông vào Nhà nước hỗ trợ. Nghèo như vậy thì chỉ nghe đến Tết đã thấy lo”.
Nỗi lo ấy được cụ Hồ Nhung (SN 1932) ở bản Ông Tú xác nhận bằng cái gật đầu khi chúng tôi hỏi ông sẽ sắm Tết như thế nào với số tiền 500 nghìn vừa được nhận. Cụ Nhung là TNXP từ thời kỳ chống Pháp đến chống Mỹ và được hưởng mỗi tháng 10kg gạo cùng 270 nghìn tiền người cao tuổi. Cụ Nhung hạch toán theo kiểu một người già biết làm ăn: “Mình có tuổi rồi, ăn được mấy đâu mà sắm nhiều. Tết ni có gì thì ăn nấy thôi. Các anh cho tiền, tui sẽ mua lợn để dành cho tụi nhỏ. Năm rồi có 4 con lợn thì lụt chết hết cả, muốn nuôi lắm mà chưa có tiền tậu lại. Tăng gia được là cuộc sống sẽ khá hơn”.
Niềm vui nhận quà Tết từ Quỹ Thiện Tâm và Báo ANTĐ
Còn bà Hồ Thị Lợng ở bản Tà Vơng cất công đi 21 cây số đường rừng núi từ 5h sáng mãi đến 9h mới tới nơi. Lúc nghe trưởng bản thông báo mình có tên trong danh sách những người được nhận quà, bà Lợng rất mừng: “Số tiền này tui để dành cho mấy đứa cháu. Chúng nó ăn củ mỳ (sắn) cả tháng nay rồi, giờ có tiền chắc Tết sẽ được ăn no cơm”. Ông Hồ Khâu - Trưởng bản Tà Vơng bảo: “Tội bà cụ tội lắm, gần 70 tuổi mà vẫn phải nuôi mấy đứa cháu lít nhít trứng gà trứng vịt. Các anh giúp như thế này là một hỗ trợ rất lớn cho bà cụ”.
Nhìn bà Lợng lẩm nhẩm với dự dịnh chi tiêu từ số tiền 500 nghìn đồng chúng tôi không khỏi bùi ngùi bởi bà bắt nó phải cáng đáng quá nhiều. Nào là tiền gạo, dầu, mắm, muối. Nào là tiền mua thêm cái áo cho đứa cháu đã 10 tuổi, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ khoản nào chi dùng riêng cho mình.
Chứng kiến cảnh ấy, Thượng tá Phan Thanh Phương - Trưởng Công an huyện Minh Hóa - người dẫn đường cho chúng tôi suốt 2 ngày qua để đến với bà con thở dài: “Không biết đến bao giờ chúng ta mới hết những hoàn cảnh khó khăn như ông Nhung, bà Lợng. Số quà của các anh phân về các xã có đến tám, chín mươi phần trăm là hộ nghèo. Chừng ấy hộ thì số tiền “rớt” xuống Minh Hóa chẳng khác nào mưa rào trên cát. Nhưng nói gì thì nói, dẫu ít thì nó vẫn giúp che phủ bớt những phần giá lạnh”.
Còn ông Nguyễn Bắc Việt - Phó Chủ tịch HĐND huyện Minh Hóa thì chia sẻ chân tình: “Sự quan tâm, chia sẻ với bà con, đồng bào dân tộc của huyện Minh Hóa của Báo An ninh Thủ đô làm chúng tôi cảm động. Huyện nghèo miền núi cũng giống như người vác nặng đi đường xa. Có người san sẻ đỡ dẫu chỉ là một chút cũng khiến cho cung đường ngắn lại”.
Nghe vậy, ông Chu Quốc Dũng - Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ bảo: “Minh Hóa là cái nôi cách mạng, đây cũng là địa bàn thân thuộc mà trong nhiều năm qua Báo An ninh Thủ đô đã thủy chung chia sẻ những khó khăn, vất vả với bà con. Dù rằng những phần quà giúp đỡ gửi tặng người dân 3 xã miền núi giáp biên lần này vẫn còn chưa tới được tất cả các hộ nghèo, nhưng đây là cả tấm lòng của cán bộ chiến sỹ trong tòa soạn cùng nhà tài trợ với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Và không chỉ ở giá trị vật chất, đó còn là sự động viên chân thành giúp đồng bào có thể đón một cái Tết ấm cúng, hạnh phúc, sum vầy để góp thêm công sức xây dựng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc”.