"Bán" văn hóa tử tế cho người tiêu dùng

ANTD.VN - Ở Hà Nội mới xuất hiện một cửa hàng đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, bất kỳ một ai đến cửa hàng này đều phải tự phục vụ, bởi cửa hàng không có nhân viên. Ý tưởng này đến từ đất nước mặt trời mọc, nơi người nông dân Nhật Bản với mong muốn đưa sản phẩm đến khách hàng theo một cách mới lạ với mong muốn tạo ra cộng đồng có quy tắc ứng xử, có văn hóa riêng dựa trên lòng trung thực và sự tử tế của người tiêu dùng. 

"Bán" văn hóa tử tế cho người tiêu dùng   ảnh 1

Khách hàng thích thú sử dụng dịch vụ tại “Mama Fanbox”

Niềm tin đặt vào khách hàng

Nằm trên đường Liễu Giai, quận Ba Đình, “Mama Fanbox” là tên một cửa hàng đồ ăn uống tự phục vụ đầu tiên tại Thủ đô. Điều đặc biệt là khi đến đây, khách hàng chỉ cần bấm chuông và đẩy cửa vào rồi tự lựa chọn cho mình những món ăn, đồ uống thích hợp.

Đây cũng là một nơi đáng đến dành cho các bạn trẻ với các mặt hàng kem, nước ép trái cây, trà sữa, chocolate tươi, thơm ngon. Song điều thu hút nhất đối với khách hàng chủ yếu nằm ở phương thức mua bán hoàn toàn tự phục vụ, có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. 

Cửa hàng “Mama Fanbox” không có bất cứ bóng dáng của nhân viên nào, mà chỉ có một số camera quan sát. Bên trong quầy hàng khá nhỏ chỉ có tủ trưng bày, một khoảng bàn, ghế, máy tính để khách tự thanh toán. Gian hàng được thiết kế chủ yếu bằng chất liệu gỗ, gợi phong cách Nhật Bản.

Để vào bên trong, khách hàng sẽ bấm chuông ở bên ngoài rồi đẩy cửa vào và tùy ý chọn lựa các sản phẩm mong muốn. Khi đã hài lòng, họ mang các món hàng đến tự quét mã vạch như cách tính tiền trong siêu thị, sau đó nhập thông tin cá nhân gồm tên và số điện thoại lên màn hình, đợi máy in xuất hóa đơn rồi cho số tiền cần thanh toán cùng hóa đơn vào trong túi nilon có sẵn và bỏ vào hòm. 

Điều khiến không ít người ngạc nhiên là sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, cửa hàng không hề mất một món đồ nào dù là nhỏ nhất. Khắp các góc trong cửa hàng, chủ nhân đều dán các bảng thông báo, hướng dẫn cách mua và nhắc nhở ý thức. Những khách hàng lần đầu đến chưa quen với thao tác được các khách cũ chỉ bảo rất tận tình, vui vẻ. Tại “Mama Fanbox”, các khách hàng đều cư xử rất lịch sự, nhã nhặn như thể không gian tại đây đã khiến con người ta tự giác hơn.

Trong vai những vị khách, chúng tôi tìm đến để trải nghiệm dịch vụ mới lạ. Thử tự tay mua hàng, kiểm tra giá và thanh toán mà không cần tới nhân viên bán hàng càng thôi thúc chúng tôi tìm gặp người đưa ý tưởng độc đáo này vào cuộc sống. Tìm gặp được anh Đào Khánh Hiệp, chủ cửa hàng “Mama Fanbox”, điều gây bất ngờ đầu tiên với chúng tôi chính là khi anh Đào Khánh Hiệp giới thiệu mình là một kỹ sư phần mềm.

Mô hình cửa hàng tự phục vụ được anh Hiệp lấy ý tưởng từ những kệ hàng của người nông dân Nhật Bản khi người nông dân sáng đi thu hoạch, đưa hàng lên kệ gỗ và dán giá lên trên, sau đấy đi làm việc khác. Khách hàng lấy gì sẽ thả tiền vào thùng gỗ. Cuối ngày, người nông dân mang thùng gỗ về nhà và không hề bị thiếu tiền hàng. “Tôi thấy đó là một ý tưởng tuyệt vời vì một người có thể làm 2, 3 việc cùng một lúc, hiệu suất công việc sẽ tăng cao và tôi nghĩ tại sao mình không làm một mô hình tương tự”, anh Đào Khánh Hiệp chia sẻ.

Thời điểm biến ý tưởng của mình thành hiện thực, mô hình này bị coi là không khả thi và nhiều người tỏ ý nghi ngờ, lo lắng cho ông chủ sẽ “mất cả chì lẫn chài”, chưa hết, nhiều người thân trong gia đình còn kịch liệt phản đối và cho rằng đây là ý tưởng điên rồ.

“Mọi người có đưa ra quan điểm rằng ở Việt Nam không giống với các quốc gia khác, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi nếu thành công mô hình cửa hàng tự phục vụ sẽ tạo ra một giá trị văn hóa trong cách ứng xử. Trong suy nghĩ của tôi, hàng hóa là phụ, mà ở đây cao hơn cả chính là việc tôi “bán” văn hóa tử tế cho người tiêu dùng”, anh Đào Khánh Hiệp nói. 

Anh Phạm Tuấn Anh, ở Cầu Giấy, Hà Nội - một khách hàng hay đến mua hàng tại đây nhìn nhận: “Mô hình bán hàng tự động này khiến rất nhiều người cảm thấy thích thú vì họ có thể tự làm mọi việc thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc vào nhân viên. Đặt niềm tin vào khách hàng là một cách làm vô cùng đặc biệt và nên khuyến khích”.

Nhân rộng những tiềm năng 

"Bán" văn hóa tử tế cho người tiêu dùng   ảnh 2

Anh Đào Khánh Hiệp cho biết, một trong những nguyên nhân khiến anh quyết định thực hiện mô hình tự phục vụ là bởi hiệu suất lớn và tính tiết kiệm chi phí tối đa của nó. Trong khi các cửa hàng khác cần nhân viên đứng trông khách thì “Mama Fanbox” lại hoàn toàn cắt giảm được phần chi phí này.

Cửa hàng này anh thuê giá 5 triệu đồng/tháng, thêm điện nước hơn 1 triệu đồng, tổng chi phí hoạt động dưới 7 triệu đồng. Mặc khác, nếu thuê thêm nhân viên, chi phí sẽ ở mức 13-15 triệu đồng. Như vậy, với mô hình này anh Đào Khánh Hiệp đã tiết kiệm được 8 triệu đồng, thu nhập một tháng khoảng 45-50 triệu đồng. 

Anh Đào Khánh Hiệp cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với nhiều khách hàng, chủ yếu là những người trẻ, họ có cơ hội giao lưu với những nền văn hóa tiến bộ và tôi hoàn toàn tin tưởng vào khách hàng của mình. Từ khi khai trương, tôi chưa gặp rắc rối nào, khách hàng rất có ý thức, thậm chí khi tôi mở cửa hàng này họ còn thương tôi vì sợ tôi sẽ liên tục bị mất cắp đồ.

Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng này vì ngoài sự độc đáo, nó còn lồng ghép văn hóa vào trong việc bán hàng. Thời gian trôi qua, những gì diễn ra tôi thấy mọi chuyện vẫn rất tốt. Có thể tôi vẫn tìm được những người tử tế để phục vụ, đấy là điểm tiềm năng của mô hình này”. 

Anh Hiệp cho biết thêm, hệ thống “tự phục vụ” tại cửa hàng được thiết kế với vài camera nhận diện và chiếc máy tính có người hướng dẫn trực tuyến, khách hàng có thể mua sản phẩm một cách dễ dàng. Khi bấm chuông, camera ở cửa sẽ gửi ảnh khách hàng về trung tâm.

Nếu là khách hàng mới, nhân viên trực tuyến sẽ hỗ trợ. Qua vài lần, khách hàng sẽ quen và nhân viên sẽ không phải hỗ trợ nữa. Khách hàng đến đây sẽ phải tự bấm mã sản phẩm như trong siêu thị, lấy hóa đơn rồi trả tiền vào thùng gỗ. Trước khi về, họ sẽ vẫy tay vào camera 3 lần và cửa sẽ tự mở. 

Cửa hàng mở cửa với tất cả các khách hàng khi được bấm chuông yêu cầu. Tuy nhiên, sẽ đóng chặt nếu khách không thanh toán tiền cho sản phẩm. Ngoài ra, hệ thống đèn điện, điều hòa hoạt động theo cảm ứng sẽ tự ngắt khi không có người ở bên trong.

Phần mềm điều khiển do chính chủ cửa hàng - một kỹ sư công nghệ thông tin tự thiết kế. Theo như anh Đào Khánh Hiệp chia sẻ, dự kiến sẽ có thêm một số cửa hàng tương tự được mở thêm ở Hà Nội trong thời gian tới.