Nhà văn Sương Nguyệt Minh:
“Bản lĩnh là điều quan trọng nhất”
(ANTĐ) - Được biết đến với những tập truyện ngắn “Chuyến đi săn cuối cùng”, “Đêm làng Trọng Nhân” và tập truyện gần đây nhất là “Dị hương”... Sương Nguyệt Minh là nhà văn luôn mang đến cho người đọc khuôn mặt văn chương theo lối truyền thống, với bộn bề chi tiết. ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông...
Dị Hương - tập truyện mới xuất bản của Sương Nguyệt Minh |
PV: Lâu nay, giới văn chương đồn rằng, Sương Nguyệt Minh đôi khi lạc đường trên chính những con phố Hà Nội vốn dĩ rất thân quen, thực hư thế nào, thưa ông?
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đó chỉ là giai thoại thôi (cười). Mình là người nhớ đường cực giỏi đấy, vì ngày xưa sống trong chiến trường nên một trong những điều kiện sống còn là phải nhớ đường, đi vài trăm mét phải ngoái đầu nhìn lại. Vì khi đi mình chỉ nhìn thấy cái trước mặt thôi nên buộc phải ngoái lại để hình dung lại được con đường mà mình đã đi qua, hoặc là phải dùng dao, bẻ cành đánh dấu những ngã ba ngã tư...
PV: Chuyện lạc đường liệu còn có ẩn ý gì khác không, ví như những con đường đã qua, mình không đi lại nữa, mà mở ra những lối đi khác chẳng hạn?
- NV Sương Nguyệt Minh: Tôi luôn lấy làm may mắn vì được trải qua những tháng ngày khoác áo lính. Chính thời kì ấy đã rèn cho mình tác phong cùng sự nghiêm ngắn kỉ luật. Bạn biết đấy, lính thời chiến không thể lề mề hay rườm rà được, tính cách này sau có ảnh hưởng nhiều đến văn chương, với văn chương tôi không bao giờ cho phép mình tùy tiện. Tôi luôn hướng đến những điều mới mẻ. Nhưng phải nói lại, đó là trong văn chương thôi.
PV: Ông nghĩ sao về nạn đạo văn và sao chép ý tưởng của nhau trong đời sống văn chương trẻ đương đại?
- NV Sương Nguyệt Minh: Nhiều khi trong vô thức người ta viết ra một cách rất hồn nhiên, đọc rồi bị ảnh hưởng của nhau, thuộc nằm lòng rồi không nhớ được nó là của ai, đó là chuyện thường tình trong văn chương từ xưa đến nay. Nếu kết tội “đạo văn” thì e nặng nề cho họ quá. Đấy là còn chưa nói đến việc, cùng một sự kiện, cùng nhân vật, tức là nhân vật chỉ có thế thôi nên không thể viết khác, thì cũng không thể nói ông này lấy cắp chi tiết của ông kia được.
PV: Nhà văn có so sánh gì với thế hệ người viết trẻ bây giờ?
- NV Sương Nguyệt Minh: Mỗi thế hệ có một kiểu, những nhà văn thế hệ 7x, 8x bây giờ được chuẩn bị về mặt tri thức kĩ càng hơn, hầu như đều tốt nghiệp đại học. Với thế hệ chúng tôi thì những trang viết đầu tiên thường nóng hổi hơi thở cuộc sống và bớt đi những âm điệu sách vở. Người trẻ bây giờ mất 4 năm để học và gần như tách rời cuộc sống. Còn trong thời gian đó chúng tôi lại đẫm mình vào cuộc sống, khi đi học thì có dịp đối thoại lại được với sách vở và biết được cái gì là đúng. Giới trẻ bây giờ gần như chỉ được học theo cách dội một chiều, không biết đâu để chắt lọc, đó cũng là cái khó cho họ.
PV: Lâu lắm rồi không có những tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn, nhà văn nghĩ sao về điều này?
- NV Sương Nguyệt Minh: Đừng giao cho Văn học cái trách nhiệm nặng nề như vậy, đó trách nhiệm từ nhiều phía và đầu tiên là chính bản thân mỗi người, tiếp theo là gia đình, nhà trường rồi mới đến xã hội. Văn học một phần bồi đắp tình cảm, tư tưởng, tâm hồn chứ không thể hoàn toàn làm nên một con người được.
PV: Hiện nay, nhiều luồng văn hóa tràn vào nước ta. Đây cũng là thời kỳ “vàng thau lẫn lộn”. Theo ông, làm thế nào để miễn dịch được với dòng văn hóa “độc”?
- NV Sương Nguyệt Minh: Cái chính đó là bản lĩnh. Một khi bản lĩnh vững vàng thì mặc cho bên ngoài xôn xao, mình cứ đường mình mà đi. Như hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp hay Phan Thị Vàng Anh, có một thời gian nhiều cây viết trẻ đã copy nguyên phong cách của họ. Nhưng rồi về sau, có người thoát ra được cái bóng đó để trở thành những nhà văn được bạn đọc yêu mến, còn nếu không có bản lĩnh thì sẽ mãi đi theo một lối mòn, bút lực không lớn được. Có nhiều người viết bây giờ bị cuốn vào vòng xoáy của blog văn chương và họ viết cứ nhạt dần và loãng dần. Làm không ra sản phẩm nhưng cứ bị cuốn theo những phong trào tẻ nhạt, mất thời gian, cái lợi chỉ có mức độ nhưng cái bất cập là rất nhiều, chính những điều đó đòi hỏi cần phải có bản lĩnh để biết tiết chế chính mình.
PV: Xin cảm ơn nhà văn.
Bình Thanh (Thực hiện)