Bán được thơ đã không còn là... chuyện lạ!

ANTĐ - Nếu trước đây, các tác phẩm thơ thường vắng bóng trong các nhà sách, vì thơ thường ế vì không có bạn đọc thì nay nhiều tập thơ được người yêu sách đón nhận nhiệt tình, thậm chí trở thành hiện tượng của làng xuất bản nhờ số lượng phát hành “khủng” mà ngay cả những cây bút kỳ cựu chưa chắc đã có được. 

Cây bút trẻ “làm nóng” thị trường thơ

Có thể nói tập thơ “Đi qua thương nhớ” xuất bản cuối năm 2012 với với số lượng phát hành lên đến 30.000 bản đã khiến nhà thơ Nguyễn Phong Việt được nhiều người biết đến trong làng văn.

Tái bản ngay khi chưa phát hành, thành công nhanh chóng từ tập thơ đầu tay đã khiến tác giả cũng… ngỡ ngàng. Từ khi ra mắt, “Đi qua thương nhớ” đã chiếm vị trí đầu bảng trong số những tập thơ “ăn nên làm ra” ở những nhà sách trực tuyến lớn như Vinabook, Tiki.vn…

Để chứng minh không chỉ là “ăn theo”, các tập thơ tiếp theo của Nguyễn Phong Việt như “Từ yêu đến thương” cũng đạt số lượng phát hành cao và tác phẩm mới nhất của anh “Sinh ra để cô đơn” cũng nhanh chóng được bạn đọc đăng ký đặt mua.  

Bán được thơ đã không còn là... chuyện lạ! ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt được nhiều độc giả yêu thơ mến mộ

Có thể nói, “hiện tượng” Nguyễn Phong Việt đã châm ngòi cho phong trào đọc và sáng tác thơ vốn tưởng đã “ngủ quên” trong những năm qua. Sau Nguyễn Phong Việt có thể kể đến những “Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người” (Lương Đình Khoa), “Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương” (Việt Anh), “Tin em đi… Rồi anh sẽ lại yêu” (September Rain)… cũng nằm trong top các tập thơ được độc giả săn tìm.

Nói đến trào lưu thơ hiện nay, sẽ là bỏ sót nếu không nhắc đến Nồng Nàn Phố với những vần thơ đầy khắc khoải của người phụ nữ trong “Anh ngủ thêm đi anh. Em phải dậy lấy chồng”. Tập thơ này khi mới ra mắt đã chiếm trọn tình cảm của độc giả, trong đó có các độc giả nữ. Để rồi sau đó, những người yêu thơ cũng hết sức tò mò, rốt cuộc Nồng Nàn Phố là ai mà yêu và viết như vậy?

Thơ giờ không chỉ để đi... biếu

Có thể nhận thấy internet, mạng xã hội đã góp phần làm cho độ phủ sóng của những cây bút trên trở nên dày đặc, được chuyền tay nhau qua những trang mạng với tốc độ chóng mặt.

Điểm chung của Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, hay những cây bút khác là những tác phẩm của họ ban đầu được đăng lên những trang cá nhân với mục đích chia sẻ, sau đó nhận được sự động viên, khuyến khích của cộng đồng mạng, từ những người yêu thích thơ nên đã được xuất bản.

Bán được thơ đã không còn là... chuyện lạ! ảnh 2

“Anh ngủ thêm đi Anh. Em phải dậy lấy chồng” được coi là hiện tượng thơ trong năm 2014

Đến những hiện tượng mới hơn trong thời gian gần đây như “Lấp kín một lặng im” (Lu) hay “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” (Nguyễn Thiên Ngân), trước khi được biết đến rộng rãi cũng đã có một lượng bạn đọc hùng hậu. Thậm chí để có được tập thơ của các tác giả này, người đọc đã phải đặt trước hàng tháng trên các đơn vị phát hành trực tuyến.  

Trước kia chẳng mấy ai bỏ tiền ra in một tập thơ rồi nghĩ đến chuyện bán thơ. Vì gần như là đương nhiên, thơ là một mặt hàng dễ… ế, cùng lắm thì in được hơn 1.000 bản, song mang đi biếu tặng đồng nghiệp, người thân.

Thế nhưng, với những tín hiệu khởi sắc của thị trường thơ hiện nay, nhất là với sự tiên phong của những cây bút trẻ, một tác phẩm bán ra được cả vạn bản thì có thể nói đọc thơ không còn là trào lưu nhất thời.

Có lẽ, sự “ghi điểm” của những vần thơ trẻ là mang tính chất thủ thỉ, tự sự… đã nói hộ nỗi lòng của độc giả. Khác với thơ xưa vốn tuân theo “khuôn vàng thước ngọc”, thơ nay có thể nói đã phát triển theo hướng tự do, gần gũi và “được lòng” với số đông hơn.

Cùng với sự bùng nổ tản văn, sự khởi sắc của mảng thơ trẻ đã cho thấy độc giả đang có khuynh hướng tìm về những gì gần với 

đời thực.  

Khi tiểu thuyết, truyện ngắn… và những thể loại văn học truyền thống đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những tên tuổi nước ngoài, thì thơ trở nên “đắt hàng” và độc giả vui vẻ bỏ tiền để mua thơ đã không còn là chuyện lạ.