Ám ảnh khủng hoảng lương thực

ANTĐ - Thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới được dự báo là trầm trọng không kém cuộc khủng hoảng lương thực cách đây 3 năm.

Những chỉ số giá lương thực toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dựa trên những thông số về giá cả của 22 mặt hàng lương thực nông nghiệp buôn bán quốc tế đã tiến gần tới mức kỷ lục lúc đỉnh điểm hồi tháng 7-2008.
Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO) nhận định rằng giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa. Chỉ số giá lương thực, theo thang điểm đánh giá của FAO, đã tăng liên tiếp trong hơn 10 tháng qua, đạt 2.364 điểm trong tháng 6-2011, cao hơn 39% so với tháng 6-2010.

Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá lương thực tăng là do một loạt thiên tai xảy ra trong năm 2010 như hạn hán ở Australia, Trung Quốc, Nga... đã làm giảm sút đáng kể sản lượng. Nguyên nhân trực tiếp khác mà FAO đã lên tiếng cảnh báo là việc giá dầu tăng cao cũng góp phần đẩy giá lương thực lên theo.

Báo cáo chung của FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng chỉ ra rằng sản lượng đã không theo kịp mức tăng của nhu cầu lương thực. Trong đó, sản lượng lương thực những năm qua chỉ tăng 1,7%/năm so với con số trung bình 2,6%/năm của thập kỷ trước.

Một nguyên nhân quan trọng không kém là việc dùng lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol đã đẩy giá leo thang, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Số liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 13-7 cho thấy trong năm tài chính 2011 kết thúc vào ngày 31-8 tới, các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học nước này đã sử dụng gần 130 triệu tấn ngô, tăng hơn 40% so với tài khóa trước. Đây là số lượng ngô dùng cho sản xuất ethanol lớn nhất từ trước đến nay, hơn tổng lượng ngô sử dụng cho cả nhu cầu con người và chăn nuôi của Mỹ.

 

Giá lương thực leo thang làm thế giới lại ám ảnh về cuộc khủng hoảng lương thực mùa hè năm 2008 khi giá gạo tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 tháng. Cuộc khủng hoảng này không chỉ làm hàng chục triệu người thiếu đói mà còn dẫn tới bất ổn chính trị và xã hội ở nhiều nước.

Trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, giá lương thực toàn cầu đã đến mức đáng báo động có thể gây ra "bất ổn vĩ mô", trong đó có bất ổn chính trị. WB cho rằng, giá lương thực tăng đã đẩy thêm khoảng 44 triệu người ở những nước đang phát triển - nơi thường phân nửa ngân sách gia đình dành cho mua lương thực - vào cảnh nghèo đói nghiêm trọng.

FAO đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp và thận trọng để ngăn chặn tái phát cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008. Tổ chức này cho rằng, các nước cần thiết lập mạng an sinh xã hội cho người nghèo và xây dựng các kho dự trữ lương thực phòng tình trạng khẩn cấp, cải thiện an ninh lương thực và thông tin thị trường lương thực để đẩy lùi nguy cơ đầu cơ và mua bán ồ ạt hàng hóa lương thực.