24h ở Hà Nội
Nếu chỉ có 24h ở Hà Nội thì bạn sẽ làm gì, đi những đâu để quãng thời gian quý báu đó trở thành đáng nhớ? Bạn tôi từng là hướng dẫn viên du lịch kể rằng, bên cạnh những đoàn khách nước ngoài “mua tour” đến Hà Nội thì còn có nhiều du khách một mình một ba lô đến Hà Nội. Nhiều người chỉ có vỏn vẹn 24h để “sống” với thành phố này, vì vậy sau khi rời Hà Nội họ đã viết thư nói rằng, họ hầu như chỉ tiếp xúc được với Hà Nội như một điểm đến, chứ chưa thể chạm vào một góc tâm hồn của Hà Nội.
Vậy thì hôm nay, nếu bạn chỉ có đúng 24h ở Hà Nội, tôi sẽ tình nguyện dẫn bạn đi, để bạn thực sự sống với Thủ đô của đất nước tôi, cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình về một thành phố có bề dày nghìn năm tuổi.
Phải tranh thủ dậy sớm nhé. Hãy bắt đầu bằng một buổi sáng sớm hơn thường ngày. 4h sáng, tôi sẽ chở bạn ngang qua hồ Tây, nơi sương mờ cứ lãng đãng như thế cả nghìn năm nay. Vào những sớm hè, khi Hà Nội còn chưa bị đánh thức bởi kìn kìn xe cộ, bạn sẽ còn được thấy mùi sen thanh tao thoảng đưa trong gió mát lành. Sen hồ Tây cũng là một “đặc sản” của Hà Nội, vì thế tại chợ hoa Quảng Bá, bạn nên mua chục bông hoa. Cũng như tất cả các chợ đầu mối khác, chợ hoa lớn nhất Hà Nội này họp từ nửa đêm, nhưng đến quãng 3, 4h là đông đúc nhất. Người chen hoa, hoa chen người. Bạn sẽ không thể đừng được những cú bấm máy ảnh liên tiếp. Vì đến như tôi, bao năm ở thành phố này rồi, bao lần đi chợ hoa đêm rồi, mà mỗi lần vẫn là một cảm xúc khác nhau.
Trời tang tảng sáng, theo những chuyến xe hoa tỏa về khắp các phố phường, tôi sẽ đưa bạn đến với “phố phở” Bát Đàn, để vừa thưởng thức hương vị nổi tiếng thế giới của Hà Nội, của Việt Nam vừa ngắm từng ô cửa của phố cổ mở ra đón một ngày mới. Và còn gì tuyệt vời hơn, nếu bạn và tôi cùng hòa vào dòng người đi bộ quanh hồ Gươm vào buổi sớm. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về Tháp Rùa, về Rùa hồ Gươm vừa linh thiêng trong truyền thuyết, vừa là động vật quý hiếm của thế giới hiện nay.
Nếu bạn là một nhà nghiên cứu sinh vật học, hẳn những thông tin này sẽ rất hữu ích cho bạn. Rồi từng gốc cây ổ thụ quanh hồ, tạo nên một quần thể phong phú mà ít thành phố trên thế giới có được. Đứng giữa cầu Thê Húc, tôi sẽ nói với bạn về “đặc sản” hồ của Thủ đô đất nước tôi. Hàng chục cái hồ trong thành phố, thực sự là những tấm gương trong lành mà không phải thành phố nào cũng có được. Và vì thế, người Hà Nội rất tự hào về những cái hồ trong thành phố.
Sau đó, tôi sẽ dẫn bạn đến viếng Lăng Bác. Người Việt Nam chúng tôi thường gọi Hồ Chủ tịch bằng cái tên yêu mến ấy: Bác Hồ. Đi thăm Lăng Bác là dịp để bạn có thể trải nghiệm sâu sắc về một vị anh hùng dân tộc của đất nước chúng tôi, đã được cả thế giới công nhận.
Nếu bạn là người ham thích nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi sẽ đưa bạn đến với xóm Hạ Hồi - cái xóm duy nhất giữa Thủ đô, vào trong khuôn viên một ngôi biệt thự Pháp cổ để đến thăm Quang Phùng - nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng. Chỉ khoảng hơn tiếng đồng hồ, dù chỉ biết bạn lần đầu, Quang Phùng cũng sẽ cho bạn xem những bộ ảnh “Cây cầu và cuộc sống ven sông”, “Gánh hàng rong”, “Hoa rơi mặt hồ”… mà mỗi bức ảnh là một thân phận, một câu chuyện thú vị về người, về cuộc sống Hà Nội mà ông quan sát, thu lượm được. Chuyến du lịch Hà Nội qua ảnh của Quang Phùng chắc chắn sẽ mang lại một trải nghiệm thật thú vị cho bạn.
Còn nếu bạn là một nhà văn, tôi sẽ đưa bạn đến với con ngõ nhỏ trong phố nhỏ Bùi Xương Trạch, nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ sống nhiều năm qua. Ông là một nhà văn với những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và có lẽ là nhà văn Việt Nam nhận được nhiều tiền nhuận bút nhất từ các đơn vị xuất bản nước ngoài. Và nếu bạn không từ chối, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ mời bạn ăn một bữa cơm trưa và kể những chuyện văn, chuyện đời lý thú bằng cái giọng rù rì chậm rãi nhưng hấp dẫn trời cho của mình.
Chiều Hà Nội, tôi sẽ dẫn bạn chạy ngang qua Nhà hát Lớn thành phố và không quên rẽ qua phố sách Tràng Tiền. Rồi tôi đưa bạn đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đây tôi sẽ có nhiều chuyện để kể với bạn về truyền thống và lịch sử của người Hà Nội. Khi thành phố đã lên đèn, tôi sẽ cùng bạn dạo những bước cuối cùng của một ngày tại Hà Nội, qua cửa Ô Quan Chưởng - một cửa ô duy nhất còn sót lại. Bữa tối đã đến rồi.
Tôi mời bạn đến nhà hàng “Bún Ta” thưởng thức các món bún của người Hà Nội. Sau đó, chúng ta cùng lên cầu Long Biên - cây cầu bước qua tuổi 100, trở thành một biểu tượng thân quen của người Hà Nội. Vừa đi dạo trên cầu, vừa nghe sóng sông Hồng vỗ nhè nhẹ ở quanh mình. Tôi muốn dừng lại ở đây để mời bạn uống một ly cà phê trong một quán nhỏ dưới chân cầu Long Biên, để bạn nhìn ngắm dòng người tấp nập ngược xuôi trên phố.
Cuộc trải nghiệm trong 24h ngắn ngủi, tôi tin là bạn cũng đã chạm vào được chiều sâu, vào một góc hồn vía của người và đất Thăng Long.
Hương Giang