“24 giờ cô độc ở Cannes”
(ANTĐ) - Sau một cuộc thi dịch và đặt tên cho cuốn sách “The winner stands alone”, "24 giờ cô độc ở Cannes" đã đến với độc giả Việt... Paulo Coelho, được coi như một nhà hiền triết, thường sử dụng một phong cách viết đơn giản và trực tiếp để hấp dẫn bạn đọc. Đọc "24 giờ cô độc ở Cannes" để hiểu vì sao ông là tác giả có tác phẩm ăn khách nhất mọi thời đại tròng dòng văn học Bồ Đào Nha.
Câu chuyện kể về Igor, một doanh nhân thành đạt người Nga, đến Cannes trong thời kỳ diễn ra Liên hoan phim để hy vọng giành lại được người vợ cũ Ewa, hiện đã kết hôn với một người đàn ông khác vô cùng nổi danh trong ngành thời trang là Hamid Hussein. Igor luôn tin rằng cuộc hôn nhân của hắn với Ewa là sự sắp đặt của số phận, thế nên hắn từng tuyên bố với Ewa rằng hắn sẽ phá hủy toàn bộ thế giới để khiến nàng quay trở lại.
Cuộc thi dịch/đặt tên cho cuốn “The winner stands alone” được BachvietBooks phát động từ 01/4/2010 đến hết 30/4/2010 đã nhận được gần 500 tên sách đã được dịch ra tiếng Việt của 168 người dự thi. Với tên gọi “24h cô độc ở Cannes”, độc giả Dương Thanh Vân (TP Hồ Chính Minh), đã là người thắng cuộc với phần thưởng là trọn bộ tác phẩm của Paulo Coelho do Bachvietbooks xuất bản gồm: Quỷ dữ và nàng Prym, Phù thủy phố Portobello, Veronika quyết chết, Cẩm nang của người chiến binh ánh sáng, 11 phút và 24 giờ cô độc ở Cannes. Giải thưởng đã được trao cho người trúng giải vào ngày 01/7/2010 trong dịp khai trương chi nhánh TP Hồ Chí Minh của BachvietBooks tại địa chỉ 146 đường Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM. Bachvietbooks cũng trao một giải phụ “Người tham gia cuộc thi nhiệt tình nhất” cho bạn Trần Ngọc Vui (Dự án CCHC tỉnh Hậu Giang, 2 Lê Hồng Phong, phường 5, TX Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) với 11 lần tham dự và 160 tên sách được đặt. Giải phụ này sẽ bao gồm các tác phẩm: Quỷ dữ và nàng Prym, Phù thủy phố Portobello, Veronika quyết chết, Cẩm nang của người chiến binh ánh sáng và 11 phút. |
Igor tự tin cho rằng Ewa đã hối hận sau khi bỏ hắn, nhưng vì nàng không biết là hắn không hề hận nàng nên nàng không dám quay lại. Bởi vậy, hắn đã tự giao cho mình một “sứ mệnh”, đó là gửi đến nàng những thông điệp để nàng có thể hiểu được “thiện ý” của hắn. Để làm được điều đó, hắn dự định lựa chọn vài người làm “vật hy sinh”. Trong khoảng thời gian 24 giờ, hắn đã hành động và giết một số người được hắn lựa chọn ngẫu nhiên, bao gồm một cô gái trẻ bán dạo, một nhà phân phối phim có thế lực và một nữ đạo diễn phim độc lập…
Có lúc, nội tâm Igor cũng đấu tranh dữ dội, hắn không biết liệu Ewa có xứng đáng để hắn làm những điều này không, liệu nàng có hiểu được những thông điệp của hắn không, liệu hắn có phải là kẻ bình thường không… Hắn gọi những ý nghĩ đó là “Cám dỗ” do Quỷ Dữ đưa ra để làm lung lay ý chí của hắn và quyết tâm gạt bỏ những “Cám dỗ” đó.
Cuối cùng Igor cũng nhận ra hắn không còn yêu Ewa như trước và cũng không ghét nàng như đáng lẽ hắn phải thế. 24 giờ ở Cannes đã kết thúc...
Xoay quanh nhân vật chính Igor, tác giả còn xây dựng thêm các nhân vật trong ngành giải trí để cho độc giả một cái nhìn chân thực, trần trụi về cái thế giới hào nhoáng đó, nơi những người mẫu đã phải trải qua những gì để có được chỗ đứng, những diễn viên đã phải hy sinh ra sao để có được vai diễn và nổi danh, và các đạo diễn, nhà sản xuất phim, v.v… đã phải trải qua những gì để có được thành công trên thảm đỏ.
24 giờ cô độc ở Cannes nói về những cái bẫy dành cho người muốn nổi danh. Igor tin rằng hắn có thể giết người nếu hắn có một lý do hợp lý - chẳng hạn như tránh những nỗi đau khổ của con người, hay giành lại sự quan tâm của người phụ nữ hắn yêu. Hamid, một ông trùm thời trang, khởi đầu với những ý định tốt đẹp, cho đến khi ông mắc kẹt trong chính cái hệ thống mà ông đang cố lợi dụng. Gabriela, như hầu hết mọi người ngày nay, tin rằng danh tiếng là một điều quan trọng, phần thưởng lớn nhất trong một thế giới tôn vinh sự nổi tiếng như thành tựu cao nhất trong đời. Với những nhân vật này, Paulo Coelho bộc bạch rằng: “Tôi đã viết 24 giờ cô độc ở Cannes - không phải một cuốn truyện trinh thám, mà là một bức chân dung thô về nơi chúng ta đang sống”.
Gia Bách