Du lịch nội địa lại phơi bày điểm yếu

ANTĐ -Những ngày nghỉ lễ dài đáng lẽ là cơ hội vàng để “kích” du lịch nội địa phát triển, song lại làm lộ ra những điểm yếu của ngành công nghiệp không khói: Chưa khai thác hết nguồn cung để xảy ra tình trạng mất cân bằng lớn; làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ, thiếu tính toán lâu dài.

Du lịch nội địa lại phơi bày điểm yếu  ảnh 1Biển người ở Cửa Lò - hình ảnh đối lập với Mai Châu - Hòa Bình


Những ngày nghỉ lễ dài lâu nay được ví như cơ hội vàng để “kích” du lịch nội địa phát triển, song đó cũng là “lửa” để thử “vàng”, là dịp để lộ ra những điểm yếu của ngành công nghiệp không khói.

Khách đông, quá tải, hét giá trên trời…

Trong những ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày ở Khu du lịch Bà Nà - Quảng Nam đón trên dưới 2 vạn khách, đảo Cù Lao Chàm - Hội An đón một lượng khách gấp 3 lần dân số trên đảo. Số lượt khách ghé thăm Đà Nẵng cũng bằng một nửa dân số của thành phố biển này. Một vài điểm du lịch ở Bắc Trung bộ như Cửa Lò - Nghệ An, Sầm Sơn - Thanh Hóa đón tới hàng chục vạn du khách trong kỳ nghỉ vừa qua.

Đường vào biển Sầm Sơn tắc dài 5km, bãi tắm người với người cách nhau chưa đầy một gang tay. Bờ biển dài với những cơn sóng ào ạt xô bờ nay bỗng thành biển người. Bãi biển Nha Trang, sáng 29-4 cả người và xe tắc nghẽn, nối nhau nhích từng bước, ước tính có khoảng hơn 100 nghìn lượt khách chọn Nha Trang làm điểm đến dịp nghỉ lễ. Bãi Cháy - Quảng Ninh cũng đông đặc người, trong khi Đồ Sơn - Hải Phòng không còn chỗ đứng. Bãi biển Phan Thiết, lâu nay vốn vắng vẻ, riêng ngày 30-4, ước tính có trên 10.000 lượt khách đổ về bãi biển Đồi Dương, số khách được cho là đạt đỉnh.

Kèm theo người đông, đường tắc là câu chuyện giá cả trên trời. Nhiều cơ sở lưu trú nhân dịp này đẩy giá gấp vài lần bình thường. Chị Lê Thị Hương, ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội vừa đi Sầm Sơn về cho biết, gia đình chị đã phải thuê phòng bình dân với mức 1,5 triệu đồng/ngày, gấp hơn 4 lần giá niêm yết mà chị tham khảo trước khi đi.

Thậm chí đến ngày cuối, khách sạn còn xin thông cảm, dồn 3 phòng thành 2 để đón khách mới. Không chỉ có giá phòng mà các dịch vụ khác cũng tăng chóng mặt. Rõ ràng, vào mỗi dịp nghỉ lễ dài, du lịch nội địa luôn luôn bị động và “cháy”. “Cháy” từ vé tàu, vé xe, đến cơ sở lưu trú, “cháy” cả các loại hình dịch vụ đi kèm. Và nạn nhân của các thể loại “cháy” này - du khách đã phải cảm thán mà rằng: “Đây là hành xác chứ không phải du lịch!”. 

Du lịch nội địa lại phơi bày điểm yếu  ảnh 2Du khách nước ngoài thong dong đạp xe ơ Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình)

Tiềm năng chưa khai thác hết

Trái ngược với tình trạng lộn xộn tại các bãi biển trong dịp nghỉ lễ, tại một số điểm du lịch ở phía Bắc, du khách lại được tận hưởng những phút thư giãn, nghỉ ngơi hiếm hoi. Nếu Sapa được coi là một điểm nóng khi hàng loạt khách sạn đẩy mức giá “trên trời”, có khách sạn 3 sao “hét” mức 17 triệu đồng/ phòng/ đêm để từ chối du khách thì một số điểm tham quan trên cung đường Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La… lại cực kỳ dễ chịu.

Tại Bản Lác - một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách nhất ở thị trấn Mai Châu, Hòa Bình, để nghỉ chân ở một khu nhà sàn với chất lượng dịch vụ 3 sao, 4 sao, du khách chỉ phải bỏ ra từ 350.000 đồng/đêm. Ngoài ra, nhiều du khách nước ngoài cũng lựa chọn phương án homestay (lưu trú trong các gia đình bản địa) với giá chỉ 50.000 đồng/người/đêm. 

Một điểm khá mới mẻ khi đến với Bản Lác là mỗi tối du khách có thể yêu cầu đoàn văn công dân tộc Thái đến trình diễn những làn điệu dân ca, tổ chức múa xòe, múa sạp ngay tại nhà sàn. Đó là chưa kể, ban ngày du khách có thể thuê những bộ váy áo sặc sỡ của bà con dân tộc Thái, Mông… với mức giá khoảng 20.000 đồng/bộ. Khi thuê những bộ váy áo này, khách du lịch được chính những người dân bản địa mời chụp ảnh lưu niệm ngay tại căn nhà của họ với một thái độ niềm nở, mến khách. Ở đây tuyệt nhiên không có hiện tượng đội giá hay chặt chém.

Theo cảm nhận của nhiều du khách khi đến đây thì cái “được” lớn nhất là được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ nơi núi rừng, được hòa cùng lối sống dân dã của bà con, tránh xa cái ồn ã, bụi bặm của thành phố. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, mật độ người đổ về Bản Lác trong dịp này không quá cao, bởi bên cạnh điểm du lịch trung tâm này, du khách cũng có nhiều phương án khác như đi tham quan những địa danh xung quanh như bản Pom Coọng, Bản Văn, Bản Nhót… hay kết hợp đi Mộc Châu trên cùng tuyến đường.

Trải qua đợt “khảo sát” dịp nghỉ lễ, rõ ràng, ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch nội địa đã lộ ra nhiều điểm yếu: Chưa khai thác hết nguồn “cung” để xảy ra tình trạng mất cân bằng lớn; làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ, không tính toán lâu dài. Những điểm yếu đó đang khiến cho hình ảnh du lịch trong nước xấu đi, trong khi năm 2015, Bộ VH-TT&DL từng có cả chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.