Thách thức vĩ mô

(ANTĐ) - Không mất thời giờ bàn cãi về một số tín hiệu sáng sủa mà chính sách tiền tệ đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đó là ổn định thị trường ngoại tệ, quản lý thị trường vàng, tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất đến thời điểm này đã giảm về mức gần 17%. Dù vậy, những tín hiệu tích cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ chỉ là bước đầu, không thể che mờ những thách thức cả về ngắn hạn lẫn dài hạn của nền kinh tế. Vẫn còn đó những thách thức vĩ mô về tiền tệ, tài chính và nhất là thách thức lòng tin.

Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra 4 thách thức nổi lên từ nay đến cuối năm. Lãi suất huy động và cho vay VND vẫn cao, trong khi các ngân hàng cạnh tranh huy động thiếu lành mạnh. Thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn khó khăn do huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Thị trường ngoại hối và tỷ giá còn tiềm ẩn rủi ro do nhập siêu có xu hướng tăng. Nền kinh tế đã chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực thi chính sách tiền tệ bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất.

Song, theo Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, hiệu quả thực thi các công cụ này sẽ bị hạn chế nếu mục tiêu vĩ mô chỉ là ngắn hạn và không nhất quán. Hiện nay, lãi suất không chỉ cao mà còn bị “méo mó”, bởi nó được ấn định bằng các quyết định hành chính, còn thị trường lại không chịu “ngoan ngoãn” nghe theo. Vốn ngân hàng đang trong tình trạng hai giá, méo mó và khó kiểm soát, trong khi lại chưa có một “đường cong” lãi suất chuẩn. Tuy vậy, vị Viện trưởng cho rằng, dù việc ấn định lãi suất mang tính hành chính nhưng vẫn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Vì sao? Vì nếu nới lỏng thì lập tức lãi suất sẽ “bật tung” lên, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tình trạng hai giá vẫn cần phải sớm loại bỏ trong nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, khoảng lùi không còn nhiều cho mục tiêu kiềm chế lạm phát 15% cho cả năm nay khi mà mới qua 6 tháng đã ở trên 13%. Dù mức lạm phát tháng 6 vừa qua chỉ tăng 1%, thấp nhất từ đầu năm, nhưng theo Vụ Kinh tế tổng hợp - Văn phòng Chính phủ, con số 1% vẫn là lớn. Một số tổ chức quốc tế từng lưu ý về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam.

Theo đó, lạm phát ở mức 9% thì có thể đảm bảo hiệu quả tăng trưởng. Thế nhưng, mức này vẫn là cao. Kinh tế chỉ tăng trưởng thật sự hiệu quả khi lạm phát chỉ ở mức 5%. Bên cạnh thách thức về tiền tệ còn ẩn chứa thách thức về tài chính công. Nhóm sử dụng vốn chưa hiệu quả lại chính là khu vực kinh tế Nhà nước. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, trong 3 năm nay, nợ công đã bằng bẩy, tám năm trước cộng lại. Trong khi ấy, chi phí vay ngày càng lớn, thời hạn vay ngày càng ngắn. Các nước châu Âu “sa lầy” vào khủng hoảng nợ công, chính là bởi các khoản vay kỳ hạn ngắn và lãi suất cao như vậy.

Cũng theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban, đáng lo ngại là khu vực tích tụ nợ xấu lại là doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế. Bất ổn kinh tế vĩ mô những tháng tới và năm tới còn lớn, nguy cơ lớn nhất là hoạt động của các công ty Nhà nước tích tụ nợ xấu, mà tới nay chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát sự minh bạch và hiệu quả. Thách thức lòng tin là thách thức vĩ mô cuối cùng nhưng lại rất quan trọng. Việc người dân chuyển từ gửi ngoại tệ sang tiền đồng là đáng mừng, song phân tích kỹ sẽ thấy lượng tiền đó gửi ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Nhiều người có tiền đang “lướt sóng”, ngân hàng nào có lãi suất cao thì đem tiền đến gửi ngắn hạn. Rồi lại rút ra gửi chỗ khác nếu lãi suất hấp dẫn hơn.

Thông điệp của Chính phủ “hy sinh” tăng trưởng để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã được dư luận đón nhận với những kỳ vọng tăng trưởng hiệu quả, đồng nội tệ ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng người dân và doanh nghiệp vẫn có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa VND sang USD khi có chênh lệch lãi suất hay tỷ giá. Điều này khiến cho việc điều hành khó khăn và một chính sách khó có thể đạt được mục tiêu.