5 bệnh thông thường không nên dùng kháng sinh

ANTĐ - Khi có vấn đề về sức khỏe, ai cũng mong nhanh khỏi nên điều đầu tiên họ nghĩ đến  là thuốc kháng sinh. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi thuốc kháng sinh chỉ chống lại được vi khuẩn còn trong nhiều trường hợp thông thường, uống kháng sinh chẳng những vô tác dụng mà còn làm bệnh khó khỏi hơn.

5 bệnh thông thường không nên dùng kháng sinh ảnh 1

Viêm họng

Một con số thống kê giật mình: Chỉ khoảng 10% ca viêm họng ở người lớn có nguyên nhân do vi khuẩn, trong khi 60% số người đau họng điều trị bằng kháng sinh. Bình thường, viêm họng do vi khuẩn gây ra chỉ biểu hiện ở đau họng, sốt, phù nề họng, đôi khi viêm amiđan có mủ và ở mức độ phổ biến hơn, viêm họng do nhiễm virus ngoài các triệu chứng kể trên còn kèm theo chảy nước mũi, ho và có thể là một chút đau cơ. 

Xét nghiệm nhanh sẽ cho biết kết quả đau họng do nguyên nhân gì. Với đau họng do nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh dòng penicillin tốt hơn, bởi dòng mới azithromycin tiêu diệt vi khuẩn ở phổ rộng nên vô tình giết chết cả lợi khuẩn. Trong khi đó, điều trị viêm họng do virus người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, tiêu thụ nhiều chất lỏng, có thể uống ibuprofen để giảm đau và thường mất 5-6 ngày mới hồi phục.

Viêm phế quản cấp tính 

Ho kích ứng, ngay cả có đờm xanh hoặc vàng thì đó là biểu hiện của viêm phế quản cấp tính, thường không cần dùng đến kháng sinh. Theo các chuyên gia, đờm có màu là dấu hiệu cơ thể đang làm sạch vùng nhiễm virus. Đáng nói là 71% số người Mỹ bị viêm phế quản cấp tính được kê đơn thuốc kháng sinh. Đó có thể là vì các bác sĩ sợ bỏ sót viêm phổi với một số dấu hiệu rất giống viêm phế quản. Thông thường, người bị viêm phế quản đi kèm với ho, đau họng nhẹ hoặc chảy nước mũi, trong khi bệnh nhân viêm phổi ngoài ho còn sốt cao, khó thở và đau ngực. Và khác với viêm phế quản, viêm phổi nếu chẩn đoán ra phải dùng kháng sinh điều trị mới khỏi.

Mụn nhọt

Một nốt nhọt nhiễm trùng đầy mủ có thể phát triển và gây cảm giác khó chịu, đau đớn. Mặc dù, nguyên nhân bởi vi khuẩn gây ra nhưng trong nhiều trường hợp không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh. Các chuyên gia cho rằng, với mụn nhỏ hoặc đơn giản, chỉ cần rạch vết nhỏ ở khu vực nhiễm trùng để mủ chảy ra, sau đó dùng gạc che lại để lây nhiễm tiếp tục thải ra ngoài. Tuy nhiên, cần cân nhắc dùng thuốc kháng sinh khi nhọt tiếp tục lan rộng làm vùng da xung quanh tấy đỏ hoặc cơ thể có sẵn bệnh khiến hệ miễn dịch bị tổn thương.

Nhiễm trùng xoang

Mỗi năm, 1/7 số người trưởng thành có hiện tượng nghẹt mũi và cảm giác đau trên mặt, chứng tỏ bị nhiễm trùng xoang. Hầu hết các trường hợp này là do một loại virus, chứ không phải vi khuẩn. Bệnh này có thể tự điều trị tại nhà bằng uống thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm sốt và giảm đau, dùng thuốc thông mũi và xịt rửa mũi vài lần trong ngày để thông lỗ xoang bị tắc. Mặc dù vậy, 3 tình huống phức tạp hơn cần đi khám và có thể phải dùng thuốc kháng sinh là sốt cao và đau đớn vùng xoang, triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày hoặc triệu chứng tiếp tục xấu đi. 

Đau răng 

Khi đau răng, ai cũng muốn làm sao chóng khỏi càng nhanh càng tốt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau răng mà không liên quan đến nhiễm trùng, đó là răng nhạy cảm, đồ ăn thức uống nóng lạnh một chút cũng ê buốt; dây thần kinh ở giữa răng bị viêm; đau răng do nghiến răng hay răng sâu… Vi khuẩn không gây ra tình trạng viêm, vì vậy kháng sinh dùng trong những trường hợp này vô tác dụng. Điều trị tại chỗ như hàn răng hoặc niêm phong phần chân răng bị lộ sẽ làm cơn đau thuyên giảm ngay lập tức. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đau răng cần dùng kháng sinh, đó là chân răng bị sưng hoặc có túi mủ, đau răng dẫn đến sốt, ớn lạnh, hoặc mệt mỏi.