Đỗ Hành: Người bắt sống tướng Ô Mã Nhi

(ANTĐ) - Phố Đỗ Hành là một phố ngắn của Thủ đô Hà Nội. Chỉ dài 120 mét, đi từ phố Yết Kiêu đến đường Nam Bộ (giờ là phố Lê Duẩn). Nơi đây là đất Cung Tiên, một trong số 30 phường, thôn của Tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Đỗ Hành: Người bắt sống tướng Ô Mã Nhi

(ANTĐ) - Phố Đỗ Hành là một phố ngắn của Thủ đô Hà Nội. Chỉ dài 120 mét, đi từ phố Yết Kiêu đến đường Nam Bộ (giờ là phố Lê Duẩn). Nơi đây là đất Cung Tiên, một trong số 30 phường, thôn của Tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Từ giữa thế kỷ 19, thôn này hợp với thôn Tứ Mỹ thành thôn Tiên Mỹ và Tổng Tiền Nghiêm cũng đổi ra là Vĩnh Xương. Thời Pháp thuộc, đây là phố Hớt-tơ-phơi (Rne Hautefenble), ta đổi ra phố Đặng Đình Nhân – tên của người cầm đầu vụ đầu độc lính Pháp năm 1908 tại Hà Nội. Thời tạm chiếm đổi ra phố Đỗ Hành. Nay, vẫn giữ nguyên tên đó.

Thời Trần, đất nước ta ba lần chống quân Nguyên – Mông xâm lược, cả ba lần Đại Việt đều chiến thắng. Dưới sự chỉ huy của thống soái Trần Hưng Đạo, nhiều vị tướng tài ba đã lập được những chiến công nơi trận tiền. Đỗ Hành là một vị tướng thỉnh thoảng mới được nhắc đến. Chưa có tư liệu nào nói rõ năm sinh và năm mất của ông. Nhưng quê quán thì đã rõ. Ông, người hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Lần thứ ba, quân sĩ thời Trần “tiếp đón” quân Nguyên – Mông tại sông Bạch Đằng. Trận đánh trên sông này rất quan trọng, nó mang tầm chiến lược, trận đánh quyết định toàn cục cuộc kháng chiến của Đại Việt. Thống soái Trần Hưng Đạo cưỡi thuyền chiến, trực tiếp chỉ huy trận đánh lớn này. Cùng ra trận, có Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vị Vua Trần Nhân Tông.

Trận địa được bày. Cọc gỗ vót nhọn đầu đã được “dàn thành đội hình” dưới lòng sông. Tướng Nguyễn Khoái – một dũng tướng – chỉ huy đại quân “Thánh Dực” được giao trách phận đánh từ thượng nguồn xuống, gắng đẩy quân sĩ dưới quyền chỉ huy của Ô Mã Nhi vào đất chết – cái chỗ tử địa mà quân Trần đã bày trên sông.

Trận đánh dữ dội và quyết liệt. Cho đến lúc mặt trời đã lên cao, nước thủy triều rút mạnh, quân ta vờ thua, rút chạy, chiến thuyền giặc ồ ạt đuổi theo. Bấy giờ, tướng Nguyễn Khoái chỉ huy đội quân “Thánh Dực” đánh dồn xuống và đúng lúc ấy, Thống soái Trần Hưng Đạo mới tung những đòn đánh vỗ mặt vào quân giặc.

Trong thế thua – bị hãm vào đất chết – thuyền giặc bị cọc nhọn đâm thủng, nước ồ ạt chảy vào thuyền, quân giặc chết chìm không biết bao nhiêu mà kể. Và, trong tiếng trống trận, nghiêng trời lệch biển, những tay cung của quân Trần liên tiếp bắn những chùm tên vào quân giặc đang bị dồn lại trên những chiếc thuyền chưa chìm, hàng nghìn tên giặc đổ gục xuống lòng thuyền.

Danh sĩ Trương Hán Siêu reo lên trong bài “Bạch Đằng giang phú”:

Bấy giờ,

Muôn dặm thuyền bè, kinh kỳ phấp phới

Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói

Sống mái chưa phân, Bắc – Nam lũng đối

Trời đất rung rinh chừ sắp tan

Nhật nguyệt u ám chừ mờ tối...

Đỗ Hành chỉ huy toán quân bảo vệ thượng hoàng và nhà vua. Đứng ở mũi thuyền, ông nhìn thấy một tên tướng giặc cao lớn, mặc áo giáp dày, đội mũ trụ, nhảy khỏi thuyền, đang ngụp lặn. Vốn là tay bơi giỏi, Đỗ Hành lao vút xuống sông, sải cánh bơi tới. Ông túm được tên tướng giặc, lôi hắn lên thuyền. Thì ra ông đã bắt được tên tướng chỉ huy đạo quân xâm lược hung hãn đánh quyết chiến trên sông Bạch Đằng: tướng Ô Mã Nhi – Bạt Đô tức “Ô Mã Nhi – Dũng sĩ”. Tướng Đỗ Hành còn bắt thêm được một tướng giặc nữa: Tích Lệ Cơ - một viên quý tộc cao cấp – thân vương của vua Nguyên

Rõ là:

Hai tay tóm chặt hai tên

Vừa bơi vừa dắt – lôi lên chiến thuyền

Tạ Hữu Yên