PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ:

Viết kịch bản sân khấu bằng... thơ

ANTĐ - Trở về từ chuyến đi Trường Sa thăm những người lính đảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã ấp ủ một kịch bản văn học làm sống dậy hình ảnh người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1.300 năm. Một dòng chảy nối liền quá khứ và hiện tại được ông đan cài trong kịch bản là ý chí quật cường của những người con đất Việt với tình yêu nước nồng nàn không để một tấc đất rơi vào tay giặc phương Bắc. 

Viết kịch bản sân khấu bằng...  thơ ảnh 1Diễn viên Quang Khải trong vai Mai Hắc Đế (bên phải)

2/3 kịch bản là thơ

Viết kịch bản không phải  là thế mạnh của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tuy vậy việc ông nhận lời chấp bút kịch bản vở Mai Hắc Đế lại có nguồn gốc sâu xa từ quê hương, nơi mấy chục năm ông kinh qua công việc của Tổng biên tập Báo Nghệ An rồi Bí thư huyện ủy Nam Đàn, nơi Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa. Còn cái nguyên nhân “gần gần” là sau cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Gần hơn nữa là chuyến ra Trường Sa chan chứa tình cảm với các chiến sỹ hải quân. Nhưng vượt lên trên các lý do đã kể, ông muốn những trang sử hào hùng của cha ông được “sống dậy”, lan truyền sức mạnh đến mỗi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Là người con của mảnh đất miền Trung đầy nắng, cát và gió, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ không thật sự gần với cải lương mà những câu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh ngọt lành mới thấm đẫm tầm hồn ông. Tuy vậy, nhà thơ lại lựa chọn Nhà hát Cải lương Việt Nam để gửi gắm “đứa con” tinh thần cũng bởi mối liên hệ từ vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” được dàn dựng trước đó. Sự thành công ngay ở lần đầu hợp tác làm ông thấy vững tin vào một vở diễn có chất lượng về người anh hùng Mai Thúc Loan. Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã viết 2/3 kịch bản về Mai Hắc Đế bằng thơ. 

Viết kịch bản sân khấu bằng...  thơ ảnh 2Nghệ sỹ Minh Lý (bên trái) đảm nhận vai Đinh Thị Ngọc Tô, người vợ đầu của Mai Thúc Loan 

Tìm sắc thái riêng cho vở diễn

Vốn là một thi sỹ nên khi chấp bút kịch bản văn học, ông đã chuyển những câu thoại, những tình tiết thành các câu thơ ngắn và giàu cảm xúc. Lời thoại nhân vật được ông sử dụng nhịp điệu, vần vè của thơ ca khi đưa lên sân khấu sẽ khiến khán giả dễ tiếp nhận hơn. Đặc biệt, tính văn học của vở cải lương sẽ đậm nét hơn ở những cảnh mang tính tự tình như ở cảnh 7, vợ chồng Mai Hắc Đế tiễn biệt trong một đêm trăng sáng vằng vặc, lời thoại mượt mà đã đành mà âm nhạc do nhạc sỹ Trọng Đài phổ thơ của Nguyễn Thế Kỷ còn giúp cường điệu nỗi buồn thương của cảnh đôi lứa chia lìa, cũng như ý chí sắt đá của Mai Thúc Loan quyết dấy binh khởi nghĩa, lật đổ ách đô hộ của nhà Đường. 

Viết và xây dựng hình ảnh Mai Hắc Đế không đơn giản. Nhà vua  là một nhân vật lịch sử sống ở niên đại cách đây đến 1.300 năm, các tài liệu về ông và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu không đồng nhất. Nhưng những nghiên cứu mới nhất của các nhà sử học đã giúp Nguyễn Thế Kỷ phác thảo nên hình tượng Mai Thúc Loan -Mai Hắc Đế dung dị, gần gũi nhưng oai phong, lẫm liệt ở vai trò thủ lĩnh. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo đã quy tụ 40 vạn nghĩa binh đến từ 32 châu trên toàn xứ An Nam và các nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, đập tan ách đô hộ của nhà Đường. Một chiến công vô cùng hiển hách như vậy khi đưa lên sân khấu cải lương sẽ tạo nên áp lực lớn đối với êkíp dàn dựng. 

Sau khi làm việc cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên, người có kinh nghiệm và dàn dựng thành công nhiều vở diễn về đề tài lịch sử, tác giả Nguyễn Thế Kỷ và êkíp dàn dựng đã thống nhất sẽ tìm ra sắc thái và dung mạo riêng cho vở diễn theo quan điểm: Hư cấu nghệ thuật nhưng trung thành với sự thật lịch sử, dung dị, sâu sắc, lay động lòng người, đạt hiệu quả thị giác và thẩm mỹ cao. Hệ thống đèn led được dựng trên sân khấu không nằm ngoài mục đích tái hiện lại không khí của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và tầm vóc lịch sử của Mai Hắc Đế. Vở diễn sẽ ra mắt từ ngày 27 đến ngày 29-1 tại rạp Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng. Còn quá sớm để nói tới sự thành công ở lần hợp tác thứ hai, tuy vậy, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tự tin khẳng định vở diễn “Mai Hắc Đế” là vở diễn hay, đáng xem để cùng suy  ngẫm và tự hào về lịch sử cha ông.