Dựng vở cải lương về Mai Hắc Đế: Không được phép cẩu thả

ANTĐ -  “Mai Hắc Đế”, vở diễn đề tài lịch sử lớn nhất từ trước đến nay của Nhà hát Cải lương Việt Nam đang ở giai đoạn “vỡ hoang”. Vở cải lương nhằm tái hiện cuộc đời người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1.300 năm. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên. 

Dựng vở cải lương về Mai Hắc Đế: Không được phép cẩu thả ảnh 1Đạo diễn Triệu Trung Kiên

Xóa nhòa ranh giới về trật tự thời gian

- PV: Khắc họa chân dung người anh hùng Mai Thúc Loan, vở diễn liệu có sa đà vào liệt kê dấu mốc thời gian không, thưa đạo diễn?

- Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Qua nhiều lần dàn dựng các vở diễn về đề tài lịch sử, tôi tự tin bắt tay vào dựng vở Mai Hắc Đế. Vì vở diễn đi theo tiến trình lịch sử từ khi Mai Thúc Loan còn bé đến khi ông xưng đế nên việc “kiểm kê thời gian” đòi hỏi sự xử lý khôn khéo của đạo diễn. Chỉ có những thủ pháp nghệ thuật trữ tình, kéo khán giả đến với các cảnh diễn giàu cảm xúc mới xóa nhòa được ranh giới về trật tự thời gian. 

- Được biết, trong vở diễn có đề cập tới mối tình giữa Mai Thúc Loan và người vợ đầu tiên của ông. Đây có thể xem như những cảnh trữ tình nhất ở vở diễn?

- Vở “Mai Hắc Đế” tập trung phản ánh cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và làm nổi bật hình ảnh thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa này. Do thời lượng có hạn, mối tình giữa Mai Thúc Loan và người vợ đầu tiên của ông sẽ được phản ảnh ở phương diện là người tri âm, tri kỷ, vừa là tình yêu nhưng cũng vừa là người đồng cam cộng khổ, cùng gánh vác sứ mệnh chung của dân tộc. Tất nhiên, tôi sẽ tận dụng những cảnh diễn này để làm tác phẩm trở nên mềm mại, trữ tình, không nặng tính tuyên truyền đơn thuần. 

- Diễn viên Quang Khải có thân hình mảnh khảnh đã được đạo diễn tin tưởng giao đóng vai Mai Hắc Đế, thủ lĩnh của một phong trào nông dân. Sự lựa chọn này liệu có thuyết phục được người xem?

- Hình ảnh Mai Hắc Đế sẽ được xây dựng theo hướng người nông dân bình dị, ý chí kiên cường chứ không phải hình ảnh một con người lẫm liệt, đao to búa lớn. Những người anh hùng dân tộc của Việt Nam đều từ nhân dân mà ra. Dung mạo không cần thổi phồng lên quá mức. Tuy vậy, để thuyết phục được người xem, tôi đã “lệnh” cho Khải phải lên 5 cân bằng mọi giá để thể hiện hình ảnh Mai Hắc Đế khỏe khoắn. 


Dựng vở cải lương về Mai Hắc Đế: Không được phép cẩu thả ảnh 2Vở “Mai Hắc Đế” sẽ nối gót “Chuyện tình Khau Vai” Nam tiến 
(Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Chuyện tình Khau Vai”) 

Huy động xã hội hóa

- Vì là vở diễn đề tài lịch sử nên yếu tố phục trang rất được quan tâm…

- Trang phục giai đoạn này đúng là khó. Nhưng tôi có bề dày tương đối về dựng các vở đề tài lịch sử nên đủ tự tin về mặt phục trang. Tôi dám cam đoan không để xảy ra sự phản cảm về trang phục diễn xuất nhưng cũng xin lưu ý, đến nay, sử sách còn ghi lại về quần áo, kiểu tóc của người Việt không nhiều, nên tôi sẽ đưa ra giả định để  mọi người có thể chấp nhận được, để khán giả tin đó là một khoảng thời gian rất sâu trong lịch sử. 

- Ở đề tài luôn được mặc định khó hấp dẫn khán giả, đạo diễn sẽ dùng thủ pháp nghệ thuật nào để “hút khách”?

- Theo sử sách nói, khởi nghĩa Hoan Châu có tới 40 vạn người trong khi trên sân khấu chỉ có 40 võ sinh tham gia. Điều này rõ ràng gây ra trở ngại cho khán giả trong việc hình dung mức độ, quy mô của cuộc khởi nghĩa. Lâu nay, sân khấu vẫn diễn theo lối ước lệ nhưng nếu cứ làm theo cách này, bắt khán giả xem ước lệ mãi cũng rất khó. Với công nghệ hiện nay, tôi sẽ sử dụng 4 đến 5 màn hình Led rồi chiếu hình ảnh minh họa bên cạnh phần biểu diễn của diễn viên trên sân khấu sẽ giúp tái hiện cụ thể hơn không khí của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Việc sử dụng công nghệ chỉ là một trong những thủ pháp nghệ thuật để các vở diễn cải lương đề tài lịch sử trở nên gần gũi và sinh động hơn. 

- Đầu tư công nghệ đương nhiên sẽ rất tốn kém, vở diễn “Mai Hắc Đế” chắc còn dùng đến nguồn huy động xã hội hóa?

- Nghệ thuật muốn tốt cần phải có sự đầu tư trên cả phương diện tiền bạc, thời gian và chất xám. Đương nhiên, với mức kinh phí do nhà nước cấp rất khó để có vở diễn như mong muốn nên nguồn xã hội hóa đã được huy động. Rất may, các Mạnh Thường Quân đã ra tay giúp đỡ. Đây không chỉ là vở diễn lớn nhất từ trước đến nay của Nhà hát Cải lương Việt Nam mà còn là vở lớn nhất từ trước đến nay đối với cá nhân tôi. Vì thế, không được phép làm cẩu thả và cũng không có cơ hội để cẩu thả. Vở diễn sẽ hoàn thành trước Tết âm lịch. 

- Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” từng Nam tiến và gặt hái không ít thành công.  Vở diễn này sau khi ra đời có tiếp tục nối gót?

- Để trung thành với kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, vở diễn được làm quy mô với số lượng tham gia khoảng 150 người. Ý đồ về việc Nam tiến là có và tôi khẳng định vở diễn sẽ góp phần giảm bớt hiện tượng “kẽo kẹt” diễn vở cũ của sân khấu cải lương hiện nay. Tất nhiên, để tiện cho quá trình di chuyển và quy mô sân khấu các tỉnh, thành, vở diễn khi đi lưu diễn sẽ được thu gọn cho phù hợp.