Tác giả của những “bức thư tình” tôn thờ sự sáng tạo

ANTĐ - Gõ cụm từ “nhạc sỹ Đỗ Bảo” vào trang tìm kiếm thông tin Google, sau chừng 0,1 giây cho ra khoảng 653.000 kết quả. Mang nguyên câu chuyện này kể với Đỗ Bảo, anh cười hiền, anh bảo vậy là Đỗ Bảo đã trở thành một cái gì rồi đấy chứ (!) Nói rằng giờ hạn chế lên báo lắm, các thông tin trùng lặp và na ná nhau hết cả rồi. Tôi gợi ý, vậy chúng ta sẽ đi tìm một Đỗ Bảo thật khác và kể những câu chuyện đời nhất!...

- Có một câu chuyện thế này, người ta bảo ai chứ Đỗ Bảo suốt ngày chỉ đắm mình trong phòng thu, không chịu ra ngoài, thế là một ngày vợ bảo anh đi ra ngoài cho thay đổi không khí không khéo ốm mất, nghe lời vợ Đỗ Bảo đi ra ngoài, ai ngờ sau khi đi chơi về tối đó anh lại bị ốm?

-  (Cười lớn) Tôi ở nhà cũng nhiều thật, nhưng không đến mức như câu chuyện trên. Ngoài giờ ăn, ngủ, sinh hoạt ở nhà thì không nói, còn lại thời gian của tôi được phân bổ 1/3 ở ngoài đường, 2/3 ở nhà. Chưa kể đến việc đều đặn mỗi tuần tôi phải vào trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dạy organ, piano và hòa tấu dàn nhạc. Ngày xưa, gốc của tôi là dân học đàn, rồi đi đánh đàn, chơi trong các dàn nhạc, đó là một trong những thế mạnh của tôi, và công việc bây giờ gắn với cái nghề mà tôi đang làm.

- Quãng thời gian chơi trong dàn nhạc giúp ích nhiều cho anh trong công việc hòa âm, phối khí?

- Nếu không có những kinh nghiệm thực tế ấy thì tôi không thể học và làm được một cái gì cả. Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng có một môn phối khí nhưng người ta dạy theo một cách chặt chẽ kiểu khác, nói nôm na là nó không giống với thực tế chúng ta đang ứng dụng, gọi tên và theo cách hiểu của người Việt Nam hiện giờ. Những lý thuyết và kinh nghiệm hiểu được đa phần là do mình tự học. Ngày xưa tôi chơi rất nhiều các ca khúc nước ngoài, và mỗi khi tập một bài mới để buổi tối chơi cùng dàn nhạc thì phải ghi chép lại trên giấy cũng chính là lúc mình học. Lúc đấy với tôi là chỉ đơn giản là đam mê chơi đàn, làm một công việc để kiếm sống chứ chưa hoàn toàn có ý thức, nhưng đến giờ thì đó là những bài học lớn, nó giúp tôi tiếp cận lập tức được vào cái cách phương Tây họ đang làm chứ không phải cái họ đã làm thời cổ điển trong quá khứ.

- Đến nay đã làm việc chung với nhiều người, vậy anh có tiêu chí nào trước khi gật đầu cộng tác với các nghệ sỹ?

- Thứ nhất, trong tương quan giữa tôi và họ, tôi không đặt tiêu chí về phía họ nhiều lắm. Quan trọng là trong sự cộng tác ấy tôi có làm được cái gì tốt hơn, là bước tiến cho họ không. Khi ấy trong họ sẽ có sự thỏa mãn và tôi cũng vậy. Yêu cầu thứ hai của tôi đó là họ phải là hình ảnh của một nghệ sỹ nghiêm túc …

- Xin phép cắt lời anh, “hình ảnh nghệ sỹ” như anh nói có nhất thiết phải nổi tiếng không?

- Không cần quá nổi tiếng nhưng họ không phải là những nghệ sỹ thị trường. Có nhiều dạng nghệ sỹ, dạng phổ thông bây giờ là những người trình độ, hiểu biết về âm nhạc hạn chế, họ được tiếp thu một vài kỹ năng rồi trở nên nhuần nhuyễn để mưu cầu việc kiếm tiền và nổi tiếng. Ở đây phải mở ngoặc rằng sự nổi tiếng ở Việt Nam khiến tôi hồ nghi rằng nó có quá dễ không (?) Bởi hiện có rất nhiều ca sỹ đã như vậy và đang nổi tiếng; và có rất ít người thật sự nghiêm túc - là họ có trình độ, tâm huyết, làm việc để kiếm sống đã đành nhưng họ vẫn dành nhiều tâm huyết với mục tiêu cống hiến. Tôi quan niệm đặc thù nghề nghiệp, chức năng, giá trị cốt lõi của người nghệ sỹ là phải tạo ra những giá trị mới về tinh thần, có sức lan tỏa tích cực, tác động đến đông đảo bộ phận người khác để làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Tiêu chí thứ ba rất cần thiết là sự hợp tác đấy có thật sự mang về niềm vui, giá trị cho bản thân tôi không. Đòi hỏi thứ ba của tôi rất ích kỷ, hoàn toàn mang cái tôi, lợi ích cho cá nhân rất rõ ràng bởi nó là sự mong muốn, tham vọng, thực dụng của tôi.

- Trong sự cộng tác ấy, giá trị kinh tế được anh sắp đặt thế nào?

- Đó tuy là một điều tế nhị nhưng nó rất quan trọng. Người nghệ sỹ nào cũng vậy, họ phải biết mình có một giá trị như thế nào, biết ở đây không có nghĩa là hoang tưởng, đội giá trị của bản thân lên. Thu ngắn lại bằng hai chữ “biết mình” - tôi luôn luôn là như thế - biết giá trị, công việc, mình sẽ làm được gì, đến đâu, mục đích thế nào…; khi ấy mình sẽ định giá ở một cái mức đủ để cho mình làm việc. Với uy tín nhất định thì tôi thẳng thắn nói rằng mức giá mà tôi yêu cầu không bao giờ là rẻ, nếu không muốn nói là đắt so với mặt bằng chung ở Việt Nam.

- Nhưng anh có thấy nó đắt một cách xứng đáng?

- Một cách chủ quan tôi nghĩ, nó còn chưa xứng đáng với tôi! Nghe thì có vẻ vô duyên nhưng nhìn vào hoạt động chung của giới showbiz hiện nay về giá trị được khoanh vùng dành cho nghệ sỹ làm việc nghiêm túc là chưa xứng đáng, nhiều khi nó còn đảo lộn giá trị. Còn những nghệ sỹ kiếm sống bằng những giá trị khác ngoài âm nhạc thì không thể so sánh được. Giá trị khác ở đây là gì? - Là họ đẹp, khán giả muốn trả tiền cho việc nhìn thấy vẻ đẹp của họ, cho phục trang đẹp,  xuất hiện bên cạnh những chiếc xe đẹp, dưới thứ ánh sáng trang kim lộng lẫy… chứ không phải cho giọng hát, bài hát. Đa phần các nghệ sỹ giải trí ở Việt Nam đang đi theo hướng đấy, họ kiếm lợi nhuận từ việc tạo dựng hình ảnh và mang đến cho khán giả niềm vui sướng như vậy. Đó cũng là một giá trị, không có vấn đề gì phải phê phán, họ là những người làm giải trí tốt nhưng chưa phải là người nghệ sỹ làm âm nhạc nghiêm túc.

- Cốt cách của người nghệ sỹ nghiêm túc thật sự quan trọng với anh?

- Thật sự quan trọng, bởi đi dạy học tôi vẫn sống tốt, tôi không cần nhiều hơn, mọi người sống được tôi cũng sống được. Tôi luôn là một người như thế, không bao giờ đặt nặng yêu cầu tài chính. Đôi khi việc đòi tiền cao chỉ là danh dự mình phải làm như thế, chứ mình có thể lấy thấp hơn cũng được, đó là sự ràng buộc trong mối tương quan của những người làm công việc đấy. Có những khi tôi thích thì chẳng lấy tiền, làm miễn phí; người nghệ sỹ họ như thế, có những lúc tôi đã từ chối những khoản tiền rất lớn, chỉ đơn giản vì không thích, tôi thấy vô nghĩa, không vui, tôi thấy người ta không hiểu tôi, tôi thấy mình bị mất đi một phần giá trị cốt lõi, mất đi niềm tin vào bản thân thì tôi sẽ nói… không. Có rất nhiều người xem tiền là một thước đo vĩ đại, chuẩn mực, nhưng với tôi tiền không phải là mục đích tối thượng.

- Vậy điều gì là quan trọng đối với anh vậy?

- Tôi làm việc. Suốt ngày tôi gieo trồng những hạt mầm tốt trên một mảnh đất tốt, nó sẽ mọc lên một cái cây có quả tốt, và không có lý do gì mà tôi không bán được quả của cái cây đấy cả. Thế còn bây giờ tôi trồng một hạt mầm xấu trên một mảnh đất xấu, mọc lên một cây quả chát, chua; rồi tôi đi bảo nó phải có cái giá như thế này, chuyện đó tôi chỉ có thể nói với người ta trong 1, 2 ngày, nhưng đến ngày thứ 3 là người ta sẽ biết. Có một điều mà tôi tin chắc mình không bao giờ rơi vào được đó là sự tự mãn!

- Câu chuyện bên lề giữa chúng ta, tôi thấy anh lấy rất nhiều ví dụ liên quan đến “Cha đẻ của Apple - Steve Jobs”, dường như anh học được ở ông ta rất nhiều?

- Tôi rất thích Steve Jobs, đặc biệt cái cách mà ông ta tư duy về sáng tạo. Ông ý ham mê sáng tạo, xem sáng tạo là doping tinh thần cho bản thân, xem doping như là một dòng nước nuôi dưỡng cả linh hồn lẫn cuộc đời. Và tôi tôn thờ sự sáng tạo. Nếu cuộc sống nếu không có sáng tạo thì chẳng còn ý nghĩa gì, sáng tạo làm mới mẻ cuộc sống, làm con người say mê, hưng phấn và hạnh phúc. Đó là một bản năng rất nhân bản để cuộc sống luôn tốt đẹp và phát triển hơn. Hạnh phúc là niềm vui nội tại, con người không đi tìm cái đó thì còn đi tìm cái gì (?)

- Hậu quả của việc thiếu sáng tạo đối với người nhạc sỹ?

- Nó sẽ biến người nhạc sỹ thành một anh thợ, làm lại, nhái theo sự sáng tạo của người khác. Khi làm thợ mãi, thời gian sẽ bào mòn, hạn chế dần việc hướng đến cái giá trị cốt lõi của người nghệ sỹ nghiêm túc. Một lúc nào đó họ sẽ chán nản, đến khi nhận ra thì họ biết chắc là mình đã thất bại. Và cả cuộc đời ấy, ở một khía cạnh nào đó là vô ích vì họ không làm ra được một cái gì mới cả.

- Xúc cảm cao nhất trong công việc đang làm mang lại cho anh?

- Bây giờ phổ thông nhất người ta hay dùng 2 chữ “thăng hoa”. Trong lúc làm việc, người ưa sáng tạo sẽ được trải nghiệm nhiều cung bậc như rèn luyện tính kiên trì, dũng cảm, con người ta được thiền… Đặc biệt trong việc sáng tạo rèn luyện cho con người con mắt thứ ba, nó là con mắt siêu hình để nhìn cuộc đời, cái kỹ năng, phản xạ, giác quan đấy nó làm cho con người sự tưởng tượng ta nhìn thấu cuộc đời một cách phong phú hơn.   

 - “Bức thư tình thứ 5” vừa mới xuất hiện, anh đã định viết “Bức thư tình cuối cùng” chưa?

- Tôi sẽ cố gắng hoàn thành đủ 1 album, khoảng chục bức thư tình. Bây giờ tôi mới có 35 tuổi, vẫn còn trẻ thì tôi cứ viết đã. Tôi cứ viết đến tầm 50 tuổi. (Cười) Khi nào về già, không còn khả năng sáng tạo nữa, hoặc sức yếu hơn thì tôi sẽ tổng hợp, remix làm mới lại. Thực tế tôi quan niệm hết sức nhẹ nhàng, đối với tôi bức thư tình thực chất là một ngăn tủ nhỏ nằm trong những gì mà tôi quan tâm, muốn tạo ra và giữ lại. Tôi không viết nhiều và cũng không viết nhanh được, tôi tự tin nghĩ rằng đến thời điểm trọn vẹn ra 1 album nó vẫn là một sản phẩm hay, tốt ở thời điểm đấy.

- 5 “Bức thư tình” đã xuất hiện có phải là 5 câu chuyện khác nhau anh muốn viết?

- Vào thời điểm viết ra, tôi thấy nó giống như một bức thư, nó tiếp nối câu chuyện tôi đang kể dở thì tôi sẽ đặt tên là “Bức thư tình”. Câu chuyện tôi kể dở đơn giản thôi; năm 1998, ở tuổi 20, “Bức thư tình đầu tiên” tôi muốn viết cho người yêu tôi rằng tôi đã “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ” đầy mơ mộng, nghĩ đến viễn cảnh đẹp, thức dậy “mắt anh kiếm tìm, tai anh lắng nghe, môi anh cất tiếng gọi và vòng tay anh rộng mở đón em vào lòng”… “Bức thư tình thứ 3”, khi ấy tôi lập gia đình rồi, tôi cảm nhận về người phụ nữ thật khác; rồi đến “Bức thư tình thứ 5”, tôi thấy người phụ nữ bên cạnh mình phải lo lắng quá nhiều điều thì tôi nói rằng em đừng lo sợ gì cả vì đã có anh ở đây rồi! Tất cả những điều mà tôi muốn nói nhất là điều mà tôi sẽ đặt là “Bức thư tình”, có thể người yêu thay đổi, con người trên cuộc sống thực nó thay đổi nhưng câu chuyện tình yêu nó vẫn mãi vẹn nguyên như thế!

- Cảm ơn, chúc anh thành công hơn nữa với những sáng tác sau này!