Kỹ xảo điện ảnh Việt Nam: Còn xa lắm!

(ANTĐ) - Sau một số phim như Ngã ba Đồng Lộc; Hôn nhân không giá thú; Tình yêu bên bờ vực thẳm… có hơi hướng kỹ xảo được sản xuất trong nước song đáng tiếc chưa đạt được thành tựu như mong muốn, các nhà làm phim bắt đầu nghĩ đến nước ngoài, đặc biệt những bộ phim về đề tài chiến tranh, được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn.

Kỹ xảo điện ảnh Việt Nam: Còn xa lắm!

(ANTĐ) - Sau một số phim như Ngã ba Đồng Lộc; Hôn nhân không giá thú; Tình yêu bên bờ vực thẳm… có hơi hướng kỹ xảo được sản xuất trong nước song đáng tiếc chưa đạt được thành tựu như mong muốn, các nhà làm phim bắt đầu nghĩ đến nước ngoài, đặc biệt những bộ phim về đề tài chiến tranh, được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn.

Thời đó, những Ký ức Điện Biên; Hà Nội 12 ngày đêm đều là “bom tấn giữa trời” vào thời điểm sản xuất về mức đầu tư kinh phí. “Hà Nội 12 ngày đêm” của đạo diễn Bùi Đình Hạc sang Australia làm hậu kỳ với 12 phút kỹ xảo cảnh máy bay B52 cháy trên bầu trời Hà Nội cũng không được toàn lời khen mà chẳng thiếu tiếng chê. Hiệu quả không được như mong muốn, những người làm phim thêm một lần thất vọng vì đã trót “ném tiền qua cửa sổ”.

Càng về sau này, hậu kỳ các phim nhựa gần như vắng bóng tại Việt Nam. Không phải Việt Nam không thể làm được mà đôi khi chỉ vì thiếu niềm tin vào nhau, nên cứ nước ngoài mà làm cho chắc ăn (!), mặc dù mức giá cũng chẳng phải rẻ.

Nếu xét về đào tạo, không phải chúng ta không có nhân lực. Khoa Kinh tế Kỹ thuật hình ảnh trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh là nơi đào tạo ra những kỹ sư chuyên làm hậu kỳ. Các sinh viên trong quá trình học trong trường cũng được các thầy liên tục cập nhật những kiến thức mới về dựng phim, làm kỹ xảo hình ảnh duy chỉ có điều ít được thực hành với phim nhựa vì chi phí khá tốn.

Trung bình mỗi năm, Khoa cho tốt nghiệp khoảng 25 sinh viên làm hậu kỳ và 10 sinh viên làm âm thanh, và đội ngũ này chưa tốt nghiệp đã có các nơi nhận về làm. Đến như sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2009-2010, vừa bảo vệ luận văn đã chỉ còn 2 sinh viên chưa xin được việc. Một đơn vị vào trường xin 6 sinh viên về làm việc mà nhà trường không thể đáp ứng được nhân lực. Nhưng có một thực tế là các sinh viên khi ra trường không muốn về các Hãng Phim truyện nhựa, đặc biệt là các hãng Nhà nước lớn có tên tuổi mà thích về các Công ty truyền thông, Đài truyền hình, các Hãng phim tư nhân.

Nguyên nhân của việc này là do các Hãng phim Nhà nước đều trông chờ vào ngân sách Nhà nước, mỗi năm chỉ làm 1 phim, thậm chí có năm còn không làm phim nào. Vì thế với kỹ sư hậu kỳ, đó là một sự lãng phí, họ lựa chọn các đơn vị nhỏ để được làm nghề và sống được với nghề. Và để làm hậu kỳ, đặc biệt là kỹ xảo điện ảnh càng trở thành một giấc mơ xa vì giờ đây, tất cả đều dùng số hóa, đơn giản và dễ làm.

Thực tế hiện nay, người làm hậu kỳ ở Việt Nam vẫn là một chức danh chưa được tôn trọng. Xem một bộ phim của điện ảnh nước ngoài, những người làm hậu kỳ là một danh sách dài, chạy chữ phải mất 15 phút, trong khi ở Việt Nam không quá 3 phút, cố sao cho kịp kết thúc bài hát trong phim. Tại Việt Nam, người làm hậu kỳ không được ra trường quay, chỉ đạo người quay phim phải quay góc này góc kia để khi về dựng phim, làm kỹ xảo có chất liệu thực hiện.

Thầy giáo Lê Khắc Tuấn, Giảng viên trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh cho rằng, bao giờ các nhà làm phim thay đổi cách nhìn về những người làm hậu kỳ thì chúng ta mới có niềm tin với họ, và mới có thể hạn chế các bộ phim ra nước ngoài làm hậu kỳ.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã khiến máy móc thiết bị hôm trước hôm sau trở nên lỗi thời, chúng ta không nên dùng tư duy đi trước đón đầu mà phải dùng tư duy tiến nhanh cho kịp với họ, và phải có những quy chuẩn nhất định khi làm hậu kỳ, không làm theo kiểu trúng thì trúng mà trượt thì trượt. Cần có sự kế thừa, đúc rút kinh nghiệm và phải hiểu rằng, hậu kỳ quyết định 70% thành công của bộ phim. Thay đổi quan niệm về con người và tư duy thì mới có thể hy vọng đến một ngày không xa, điện ảnh Việt Nam sẽ không phải ra nước ngoài làm hậu kỳ.  

Hải Như