“Vẽ” lại chân dung “sát thủ”

ANTĐ - Hơn nửa năm, sau khi cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi, những tranh cãi về nó vẫn là đề tài “nóng” trên các diễn đàn. “Thủ phạm” gây ra cuộc tranh cãi bất phân thắng bại này, họa sĩ Nguyễn Thành Phong mới chỉ 26 tuổi. Đọc sách, xem tranh hình dung rằng, tác giả phải gai góc, cá tính, nói theo kiểu “sát thủ” thì phải cỡ “ác ôn vùng nông thôn” hóa ra Thành Phong ngoài đời vừa “hồn nhiên như cô tiên” vừa “nhí nhảnh như con cá cảnh”.

“Nghề chọn ta, ta không chọn nghề”

Chân dung Thành Phong tự họa

Gặp Thành Phong, mới nhìn qua cái dáng đi đứng, ăn nói bẽn lẽn và nhỏ nhẹ, những người tinh ý đều nhận ra cái chất “con một” ở anh. Bố mẹ đều là họa sĩ, Phong được thừa hưởng gene di truyền, 5 tuổi đã hý hoáy tô tô vẽ vẽ, đến khi học lớp 5 bắt đầu le lói tài năng sáng tác truyện tranh, bằng chứng là Phong bịa ra một câu chuyện, vẽ nó vào những cuốn vở ô ly rồi bán cho các bạn cùng lớp với giá 5.000 đồng. Đó là đồng tiền đầu tiên Phong kiếm được trong đời, hơn chục năm rồi, mỗi khi nhớ lại chàng “họa sĩ sát thủ” vẫn còn cười ngất.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chuyên ngành hội họa, Phong lao ngay vào nghề vẽ truyện tranh, cái nghề mà ở Nhật Bản dễ dàng trở thành tỷ phú, còn ở Việt Nam thì ế ẩm, dân mỹ thuật ra trường, thất nghiệp thì đi vẽ quảng cáo, chứ đi vẽ truyện tranh thì còn phải suy nghĩ dài dài, vì nghề này vốn không được “sang trọng” cho lắm. Nhưng nghề chọn ta chứ ta không chọn nghề, Phong tự tin khẳng định đam mê. Những tác phẩm “Nhi và Tũn”, “Long thần tướng” hay “Orange”… cứ nối tiếp nhau ra đời. Độc giả biết và yêu Thành Phong ngày một nhiều với cái lối kể chuyện gần gũi, đa phần là nhật ký bằng tranh. Đồng hành cùng tuổi trẻ là mơ ước, và khát khao thực hiện mơ ước đó, Phong  bắt đầu “mang chuông đi đánh xứ người” hết Festival truyện tranh quốc tế tại Buchoen - Hàn Quốc cho đến triển lãm Espai Cromatic (Tây Ban Nha). Tác phẩm của Phong từng được chọn đăng trong tuyển tập tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á, cùng một vài dự án làm sách giao khoa của Pháp.

Không phải đợi đến khi “Sát thủ đầu mưng mủ” ra đời Phong mới được nhiều người biết đến. Trước đó, vào năm 2004, Phong cùng một người bạn là  Nguyễn Khánh Dương gửi đến Công ty Phan Thị (khi đó đang làm mưa làm gió trên thị trường với bộ “Thần đồng đất Việt”) tác phẩm mang tên “Long Thần tướng”, lối viết hài hước, gần gũi đã nhanh chóng chinh phục độc giả nhỏ tuổi.

“Tai bay vạ gió”

Giờ tên tuổi họa sĩ trẻ Thành Phong gắn liền với cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh đầy điều tiếng “Sát thủ đầu mưng mủ”. Bạn bè, người quen ngoài đời, người quen trên mạng đều gọi chàng họa sĩ có khuôn mặt rất “ăn hình” là Phong “Sát thủ”. Mới đầu thì thấy hay hay, giờ Phong bảo rất đau khổ khi bị ai đó gọi là “Sát thủ”, anh không muốn tên tuổi mình gắn với cuốn sách. 

Ban đầu, thực hiện cuốn sách đó không phải ý tưởng của Thành Phong mà là của Công ty sách Nhã Nam, cứ vừa làm vừa thấy cái này được hơn, cái kia hay hơn, thế là Phong biến báo, thế là đưa vào sách. Mất tròn 2 tháng thì xong được phần vẽ minh họa, sách ra mắt chưa kịp mừng thì dư luận ầm ầm đổ lên đầu. Trên các diễn đàn mạng, người khen, người chê, thậm chí có người gửi cho Phong đủ mọi lời cay nghiệt. Bạn bè, người thân thấy thế cũng góp ý, bảo đang tử tế, tiềm năng, tự nhiên cho ra sách nhảm, đúng là “cái khó ló cái ngu”.  Ban đầu chàng họa sĩ trẻ cũng “sốc”, nhưng rồi cũng lấy lại tinh thần.

Phong tâm sự, với “Sát thủ đầu mưng mủ” đơn giản là sự thay đổi phong cách, với một người làm nghề sáng tạo, không biết tự thay đổi và làm mới mình, thì dẫn đến tù túng. Cuốn sách chỉ mang tính giải trí, nó đâu phải là giáo khoa về ngôn ngữ. 

 “Sát thủ đầu mưng mủ” cũng đang dần được nhìn nhận lại bằng những góc đa chiều hơn. Một cuộc tọa đàm đã được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua với sự tham gia của cả nhà phê bình văn học, nhà giáo và nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Vẫn là 2 luồng khen chê trái chiều bởi sự cảm nhận của từng người trước các sự vật hiện tượng rất khác nhau, nhưng người ta bắt đầu nhìn lại bằng con mắt bình tĩnh hơn. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, giữ gìn  sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là nhất quyết từ chối mọi biến đổi vận động của ngôn ngữ. Theo quy luật tự nhiên, dòng chảy ngôn ngữ giống như dòng nước, nước chảy chỗ trũng, gạn đục khơi trong, lắng đọng những gì quý giá, những thứ rác rưởi sẽ bị đào thải, trôi vào lãng quên.

Họa sĩ Thành Phong bật mí, Nhã Nam đang chuẩn bị thủ tục xin lại giấy phép xuất bản “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nếu được, thì anh coi đây là cơ hội để khẳng định lại những sáng tạo mình. Nếu được xuất bản lại, sẽ phải  là một “Sát thủ” chững chạc và phong cách hơn.