Nghệ sỹ hài Văn Hiệp: Nổi tiếng nhờ vai phụ

ANTĐ - Phải hẹn đến lần thứ 6, tôi mới gặp được Văn Hiệp. Nhưng lại ở một quán “cóc” trên vỉa hè đường Hoàng Mai nối dài. Đến nơi thì Văn Hiệp đang chơi cờ. Lại phải chờ cho xong ván cờ và đợi anh “bắn” xong điếu thuốc lào. Nhả khói mù mịt và cười sảng khoái. Cái cười rất… Văn Hiệp.

“Trưởng thôn” Văn Hiệp. Ảnh internet

“Thứ nhất xấu giai, thứ hai hơi thấp”

Van Hiệp kể, hồi học hết phổ thông (hệ 10 năm) nhân lúc trường nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh tuyển sinh, có người rủ rê và “nghe nói” vào trường này học bổng cao hơn các trường đại học khác, thế là Văn Hiệp vào thi. Và… đỗ! “Đỗ vớt thôi!”, Văn Hiệp nói vui. Chả là yêu cầu của trường, chiều cao tối thiểu 1m60, thì anh chàng nghệ sĩ hài tương lai này, chỉ đạt 1m59. Thiếu đứt một phân. Cái “đỗ vớt” là như thế. Văn Hiệp giải thích. Đã vậy, lại còn xấu trai. Mắt đã híp lại lờ đờ. Văn Hiệp tự nhận: “Thứ nhất xấu giai. Thứ hai hơi thấp”. Cho nên trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Văn Hiệp không được đóng (hay không đóng được) vai chính diện. Được mệnh danh là “chuyên gia vai phụ”. Văn Hiệp gắn liền với những vai “phó thường dân”, những con người dân dã, đời thường. May mắn thay, trong lịch sử sân khấu - điện ảnh có rất nhiều diễn viên trở thành ngôi sao sáng chói từ vai diễn phụ. Văn Hiệp thuộc những diễn viên như vậy.

Quên tên Văn Hiệp, nhớ anh “Trưởng thôn”

Những vai Văn Hiệp đóng thường để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Nhiều người còn nhớ như in cái vai một ông già ngồ ngộ nhà quê ra tỉnh trong phim “Đông Ky ra thành phố”. Đông Ky - tên nhân vật - gắn với người xem cái hình ảnh một gã cao kều có tên Đông-ky-sốt (phiên âm theo tiếng Pháp) hay Đôn-ky-hô-tê (phiên âm theo tiếng Tây Ban Nha) tác phẩm cùng tên của đại văn hào Xecvăngtec. Đi kèm với Đông Ky cao kều, là anh chàng Xan-chô Pan-xa lùn tịt. Văn Hiệp đã găm vào trí nhớ người xem ở nhân vật phụ này.

Nhưng gây ấn tượng nhất, vẫn là nhân vật Trưởng thôn. Chỉ cần biết là một anh Trưởng thôn. Vậy thôi. Không nhớ tên riêng. Chả cần biết là Trưởng thôn nào. Thế mà nhân vật cứ “đóng đinh” vào trí nhớ người xem. Đến mức khi chợt bắt gặp Văn Hiệp ở ngoài đường, hay bên quán “cóc”, nhiều người đã thốt lên: “Ông Trưởng thôn kia kìa. Ới ông Trưởng thôn ơi!”.

Thế là người hâm mộ đã quên mất cái tên Văn Hiệp, chỉ nhớ là anh... Trưởng thôn. Một nghệ sĩ mà người ta quên mất tên mình, chỉ nhớ tên nhân vật, thì đó là một phần thưởng vô giá đối với cuộc đời nghệ sĩ.

Văn Hiệp làm... thơ

Người ta chỉ nhớ Văn Hiệp với những vai hài, lúc đóng với Minh Vượng, khi sánh cùng Quang Tèo, Giang Còi... Có khi “một mình một ngựa”. Nhưng ít ai biết là gần đây, Văn Hiệp lại làm... thơ. Bài thơ có cái tên ngồ ngộ “Nghệ sĩ giun”.

Nơi nào có đất cằn
Nơi đó có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún
Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình, nhọc nhằn
Nhích dần từng chút một
Và đất, và giun tơi xốp
Đơm hoa nẩy lộc
Đón gió lành cùng chim hót véo von.
Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm
Thành nắng xanh, xanh thắm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non.
Mình thế đấy!
Đất gọi chúng mình là NHỮNG NGHỆ SĨ GIUN.

Công bằng mà nói, bài thơ chưa phải là xuất sắc. Nhưng nó hồn nhiên, ngộ nghĩnh và cũng khá bất ngờ. Người nghệ sĩ ví mình như những con giun. Chân thành và khiêm tốn. Thật đáng trân trọng.