Bí mật của “ông làng lúa, làng hoa”

ANTĐ - Gõ chữ Ngọc Khuê trên trang tìm kiếm Google, ngay lập tức được trả về 948.000 kết quả. Nhưng phần lớn lại là về ca sĩ Ngọc Khuê. Tôi từng hỏi ông có buồn không, nhạc sĩ Ngọc Khuê cười bảo không buồn mà cũng chả vui. Bởi theo ông, việc tên khai sinh do cha mẹ đặt cho là một chuyện, chọn nghệ danh khi bước vào hoạt động nghệ thuật lại là chuyện khác. Thế hệ đi sau tránh được để đỡ bị trùng thì là điều tốt, không thì cũng chẳng sao.

Cảm ơn… “làng lúa” 

Đúng là chẳng làm sao. Ca sĩ Ngọc Khuê thì còn trẻ, vào nghề hơn chục năm nay, cũng lúc thăng lúc trầm. Còn nhạc sĩ Ngọc Khuê, từ lúc còn trẻ, đã “đóng đinh” với biệt danh “ông làng lúa làng hoa”. Giờ về già vẫn vậy. Sự nghiệp âm nhạc của Ngọc Khuê với khoảng 300 ca khúc, nhưng riêng một “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” đã quá đủ để người ta nhớ về ông, suốt hơn ba thập kỷ nay.

Sinh năm 1947, nhạc sĩ Ngọc Khuê người gốc Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Gắn cả cuộc đời với Quân chủng Phòng không - Không quân ở Hà Nội nhiều năm, ông ấp ủ viết một ca khúc về mùa xuân Hà Nội. Nhưng viết mãi mà chưa thành. Nhiều lần đi lên mạn Hồ Tây, nhưng phải tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe tới Xuân La, Xuân Đỉnh ông mới chợt nhận ra, hóa ra hồ Tây không chỉ có những làng hoa trù phú mà còn có những cánh đồng lúa. Sự “phát hiện” đó đã giúp Ngọc Khuê bật ra câu hát đầu tiên: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng,…”. “Câu hát bật ra ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa / Cánh đồng làng ven đê / Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều / Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người”, nhạc sĩ tâm sự. 

Lúc viết ca khúc này, ông rất thích giọng hát đặc biệt của ca sĩ Thanh Hoa nên đã có ý “nhắm” trước. Đến khi truyền hình đã phổ biến hơn một chút, hầu như sáng nào ca sĩ Trung Anh cũng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ trong trang phục áo bà ba với tiếng hát ngọt ngào: “Bên lúa em bên lúa, cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều” bên những luống hoa... đen trắng (vì hồi đó hầu như chưa có tivi màu). 

Vẫn chưa “bật mí”

30 năm, một nửa đời người, tất nhiên chưa ai nói là dài. Nhưng mỗi dịp xuân về, nghe lại ca khúc ấy ai cũng thấy bồi hồi. Nhưng ít người biết rằng, ban đầu tên bài hát chỉ giản dị “Làng lúa, làng hoa”. Hỏi Ngọc Khuê, ông gật đầu: “Đúng vậy. Khi viết ca khúc này, tôi chỉ đề ngắn gọn như thế. Vì tôi thấy đã đủ để nói lên những điều cơ bản: một bên (hoa) là biểu tượng của cuộc sống tinh thần, còn bên kia (lúa) là biểu tượng để nói về cuộc sống vật chất”. Nhấp một ngụm trà, Ngọc Khuê kể tiếp: “Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi mang đi chia sẻ với bạn bè, rồi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Tạo và nhạc sĩ Thế Song đang phụ trách. Khi nghe xong bài hát này, nhạc sĩ Thế Song khuyên tôi nên thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Tôi thấy rất phù hợp…”.

Nhưng ẩn sau ca khúc này vẫn còn một bí mật khác. Khi xem lại bản thảo viết tay đầu tiên của bài hát, tôi thấy ở góc bên phải Ngọc Khuê có đề “Tặng bạn tôi…”. Trong dấu “ba chấm” kia đã được gạch xóa bằng nét bút chi chít. Đó hẳn là một bí mật mà tác giả không muốn công khai? Lâu nay tôi thường tự hỏi, “em” trong ca khúc này là ai. Hẳn phải là một cô gái nào đó đã tạo cảm hứng để người nghệ sĩ thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật? Có dịp gặp Ngọc Khuê, vậy thì cứ thử gặng hỏi ông xem “bạn tôi” ấy là ai. Trước sự tò mò của tôi, cuối cùng Ngọc Khuê cũng thật thà: Chỗ “tẩy xóa” đó chỉ đơn giản là số 13. Ngày trước, tên bạn bè vẫn được “số hóa” như thế. “Quãng năm 1978, tôi có quen một cô gái. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Khi viết xong, tôi đã đề tặng bạn bài hát này…”, Ngọc Khuê nói, rồi ông mỉm cười: “Giờ ai cũng đã lên chức ông bà cả rồi”. Và ca khúc kia như một trang nhật ký tuyệt đẹp của một thời tuổi trẻ. 

Mấy năm nay, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã dựng xong cho mình ngôi nhà ở quê. Cứ ngỡ cũng chỉ nho nhỏ xinh xinh, không ngờ lại rất hoành tráng, đối lập hẳn với căn nhà ống chật hẹp ở phố Trần Điền (Hà Nội) từng là nơi sinh sống của cả gia đình. Giờ nhà rộng, sân vườn còn có cả chum nước dưới giàn trầu cây cau xanh mướt. 

Hai năm trước, nhạc sĩ Ngọc Khuê nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Bài hát “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” cũng nhận được giải bài hát xuất sắc nhất về nông nghiệp nông thôn. Điều đó làm ông vui. Giờ thì ông mong muốn làm được một đêm nhạc giới thiệu những tác phẩm của mình viết về nông nghiệp, nông thôn, về quê hương và người lính trên quê hương. Đêm nhạc nhằm tri ân, trả nghĩa với quê hương và ca ngợi người nông dân trên chính mảnh đất quê hương của mình.