- “Aquaman và vương quốc thất lạc” - thông điệp ấm áp về gia đình cho mùa Giáng sinh
- Phim trực tuyến ăn khách: Từ “Đặc vụ đêm” đến “Vinh quang trong thù hận”
- “Napoleon” - hoàng đế thiên tài, tình yêu đắm say
Điều gì sẽ xảy ra khi kết hợp đội bóng tệ nhất thế giới với một huấn luyện viên (HLV)… thất nghiệp? Nội dung có thể đoán trước dựa vào tựa phim. Thế nhưng, những tình tiết kỳ lạ được kết nối nhịp nhàng khiến khán giả xem “Bàn thắng vàng” cảm thấy hứng thú.
Nhân vật Jaiyah Saelua (do nữ diễn viên Kaimana đóng) trong phim là cầu thủ chuyển giới có thật ngoài đời |
Hạnh phúc vì được chơi bóng và hy vọng
Chính đạo diễn Taika Waititi đã đóng luôn vai một linh mục địa phương và là “người kể chuyện” trong phim “Bàn thắng vàng”. Ông xuất hiện, cầm máy ảnh trên tay và giải thích với nhân vật chính là HLV Thomas Rongen (do Michael Fassbender thủ vai) về sự sa sút tinh thần của đội American Samoa sau những trận thua tan nát.
Thomas Rongen là ông thầy người Mỹ gốc Hà Lan đến đảo American Samoa để huấn luyện đội bóng nơi đây. Trước đó, HLV này bị sa thải khi dẫn dắt tuyển U20 Mỹ và có kết quả bết bát, vì thế ông rơi vào tình trạng trầm cảm, nghiện rượu. Nhiệm vụ đặt ra cho HLV Rongen là chỉ cần giúp đội bóng tí hon như American Samoa ghi được duy nhất 1 bàn thắng trong trận kế tiếp.
Lần đầu tiên tiếp cận các cầu thủ, Rongen lập tức nhận ra ông không hề có cơ may đưa đội bóng này đi đến bất cứ kết quả khả quan nào. Các học trò của ông không những không có tài năng mà còn không biết gì về bóng đá, đặc biệt là lười luyện tập và lối sống tùy tiện. Tất cả đều đi ngược lại các nguyên tắc kỷ luật cơ bản. Rongen thậm chí muốn trở về Mỹ ngay lập tức. Thế nhưng nơi đó không ai hiểu và tôn trọng ông thì về để làm gì?
“Một sự trở lại ngọt ngào và đáng hoan nghênh của đạo diễn Taika Waititi”
Nhận định của hãng thông tấn AP
Thế rồi thời gian trên đảo, HLV Rongen dần cảm nhận được những con người nơi đây sống hạnh phúc dù họ chơi bóng tệ đến mức cả thế giới đều biết.
Ông hiểu ra rằng, người American Samoa chơi bóng đá không phải để chiến thắng mà để được là chính mình, vui vẻ và hạnh phúc với thể thao. “Chúng tôi có thể học hỏi, nhưng chúng tôi sẽ không đánh mất bản thân chỉ để giành chiến thắng” - lời linh mục Waititi nói trong phim. Đối với người American Samoa, tinh thần thể thao chân chính đồng nghĩa với sống tích cực. Ngay cả có thua thậm tệ, họ vẫn hài lòng vì được đá bóng, được thua, song vẫn hy vọng ngày mai sẽ thắng.
“Bàn thắng vàng” thuộc thể loại phim thể thao hài, có độ dài 103 phút |
Thông điệp tôn trọng sự khác biệt
Bên cạnh nhân vật HLV Rongen, vai cầu thủ chuyển giới Jaiyah Saelua (do nữ diễn viên Kaimana đóng) là điểm sáng đáng chú ý trong phim. Ở ngoài đời, Jaiyah Saelua là phụ nữ chuyển giới đầu tiên thi đấu ở vòng loại World Cup nam năm 2015 (cầu thủ được FIFA công nhận). Trung vệ cao 1,83m này trải qua nhiều éo le và thất bại trong thể thao. Tuy vậy, chính những lời động viên và tình yêu thể thao vô bờ bến của Saelua đã vượt lên tất cả. Trong bộ phim “Next goal wins”, câu chuyện của Saelua và đội tuyển Samoa đã được khắc họa một cách rõ nét. Bộ phim đã được đón nhận nồng nhiệt và giúp Saelua trở thành một biểu tượng của tinh thần không bao giờ bỏ cuộc dù rơi vào tình cảnh éo le nhất.
Bên cạnh việc tập thể đội bóng có một cầu thủ chuyển giới, thông điệp tôn trọng sự khác biệt còn được nhấn mạnh qua hình ảnh những món ăn, sinh hoạt tôn giáo... “Bàn thắng vàng” có thể là ví dụ thuyết phục nhất về sự phá vỡ tính khuôn mẫu trong thể thao, làm động lực cho những niềm tin trong đời sống. Bởi vì “nếu thế giới không có hoa thì phép màu sẽ đến từ sự khác biệt” - những cầu thủ American Samoa không có tài năng, song chứa sự khác biệt, đôi khi đến lập dị, và họ tự hào xem đó như niềm hạnh phúc.
Từ trái sang: Diễn viên Thomas Rongen, Jaiyah Saelua và đạo diễn Taika Waititi tại LHP Toronto 2023 |
Bộ phim “Bàn thắng vàng” không liên quan đến một trận bóng chung kết hấp dẫn hay chiến thắng của các nhà vô địch đầy hào quang. Sức hấp dẫn của nó đơn giản đến từ những dữ liệu có thật đầy tính nhân bản trong bóng đá, được thể hiện bởi những nhân vật phù hợp thông qua lăng kính điện ảnh. Ở giữa phim có tình tiết cậu bé bị tai nạn có vẻ “vô duyên”. Song đến cuối phim thì cậu lại “có duyên” trong buổi nguyện cầu sau khi đội bóng giành thắng lợi. Bao trùm tất cả là thông điệp “sự hạnh phúc đến từ niềm tin rằng mình hạnh phúc”.
American Samoa thường có vị trí “đội sổ” trên bảng xếp hạng của FIFA. Họ quen được gọi với cái tên “đội bóng yếu nhất thế giới”. Người dân American Samoa không có hy vọng nào về khái niệm hòa chứ chưa nói đến thắng lợi. Thậm chí họ khá phấn khích với câu nói cửa miệng “Chúng ta sẽ thua” trước mỗi trận đấu của đội nhà. Câu chuyện hài bóng đá kiểu “nồi nào úp vung nấy” của đạo diễn Taika Waititi bắt đầu từ một thực tế. Ngày 11-4-2001, đội tuyển bóng đá American Samoa (thuộc Mỹ, nằm ở phía Đông quần đảo Samoa) do HLV Tunoa Lui dẫn dắt và chỉ gồm… 16 cầu thủ, để thua tuyển Australia với tỉ số khó tin 0-31. Đây được ghi nhận là trận thua đậm nhất trong lịch sử vòng loại FIFA World Cup. Người dân đảo quốc nhỏ bé này luôn nhớ đến nó như là “World Cup Halloween ever” (tạm dịch: Cơn ác mộng World Cup chưa từng có).
Thắng lợi trước tuyển Tonga với tỷ số 2-1 vào ngày 23-11-2011 ở lượt thi đấu sơ loại World Cup 2014 khu vực châu Đại Dương đã kết thúc 38 trận liên tiếp thất bại của American Samoa. Trận thắng lịch sử này mở ra trang sử mới, kể từ đó họ không còn nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng FIFA lần nào nữa cho đến nay.
“Bàn thắng vàng” là một phim về đề tài thể thao nhưng không chỉ có thể thao. Đây là ví dụ điển hình cho câu chuyện “kém cỏi” vẫn có thể trở nên thú vị trong mắt người xem. Bởi khán giả được biết đến những con người tưởng chừng kém cỏi, bị xem thường nhất lại là những người hạnh phúc nhất.