Xăng dầu lại kêu lỗ

ANTĐ - Không chỉ lượng xăng dầu bán ra giảm khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm theo mà so với giá cơ sở, mặt hàng xăng dầu lại bắt đầu lỗ. Đây là nội dung lãnh đạo Petrolimex phản ánh với Bộ Công Thương ngày 1-8.

Biến động giá xăng dầu tác động lớn đến đời sống nhân dân


Điệp khúc “khó khăn”

Theo bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng giám đốc Petrolimex, doanh nghiệp này lại lâm vào tình trạng lỗ sau một thời gian có lãi đối với các mặt hàng xăng dầu. Phân tích thực trạng, bà Huyền cho biết, khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới, doanh nghiệp lỗ vì phải giữ giá bán lẻ thì lượng bán hàng của Petrolimex tăng đột biến, nhưng khi có lãi thì lượng hàng bán ra lại giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 6, tháng 7, lượng tiêu thụ của đơn vị này chỉ bằng 64 - 65% so với tháng cao nhất của quý I-2011. Nếu tháng 2 năm nay, Petrolimex bán được 860.000m3, thì hiện chỉ ở mức 532.000m3. Nguyên nhân là do khi lỗ, các doanh nghiệp đầu mối khác giảm lượng bán, găm hàng. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng giảm.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, vì tiêu thụ giảm nên tồn kho của Petrolimex có lúc lên tới 40 ngày, so với quy định tồn kho đảm bảo 30 ngày của Bộ Công Thương thì đã vượt quá 30%. Petrolimex đã phải giãn và hoãn một số chuyến hàng nhập khẩu, tăng tái xuất nên hiện tồn kho của Petrolimex là 32 ngày.

Đáng chú ý, bà Huyền than thở, tại thời điểm ngày 1-8, giá bán xăng dầu trong nước so với giá cơ sở đang lỗ với mức 600 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu madut và 400 đồng với dầu diezel. Giá xăng dầu trên thế giới những ngày gần đây lại tiếp tục tăng sau hơn 1 tháng giảm và giữ ổn định. Tuy nhiên, theo thông tin trên website của Petrolimex về giá xăng dầu tại thị trường Singapore ngày

29-7-2011, hầu hết các mặt hàng như: xăng Ron 92, dầu DO, FO... đều giảm so với phiên giao dịch trước.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thị phần của Petrolimex có thể là thực, nhưng kêu lỗ trong thời điểm này là khó thuyết phục, nhất là sau một thời gian dài giá thế giới giảm nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên ở mức 21.300 đồng/lít xăng.

Lý giải về việc không giảm giá bán lẻ trong thời gian qua, bà Huyền cho biết, do quý I-2011 doanh nghiệp này bị lỗ 2.000 tỷ đồng để kìm giá bán nên khi giá lên, họ phải duy trì giá bán để bù lỗ.

Điều hành lúng túng

Đại diện Petrolimex kiến nghị, công tác điều hành giá bán lẻ xăng dầu của các Bộ cần linh hoạt, có thông điệp rõ ràng hơn, để doanh nghiệp khỏi lúng túng, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Do công tác điều tiết nên các doanh nghiệp cạnh tranh không sòng phẳng. Để giảm lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp đầu mối phải tăng chiết khấu cho đại lý, dẫn đến việc các đối tượng trung gian- các đại lý xăng dầu được hưởng lợi nhuận cao một cách vô lý. “Do tồn kho lớn, trong khi hệ thống bán lẻ của họ (các doanh nghiệp đầu mối khác - PV) chưa rộng, nhiều đầu mối xăng dầu phải tìm cách đẩy hàng về các đại lý. Muốn đẩy hàng, họ buộc phải tăng lợi nhuận, tăng chiết khấu cho đại lý, khiến khâu tiêu thụ trung gian hưởng lợi lớn”, bà Huyền nói.

Bên cạnh đó, bà Huyền cũng kiến nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng và mua USD. Tính đến thời điểm này, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã dương 102 tỷ đồng.